Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 25/12/2024 00:24 (GMT +7)
Đẩy mạnh hợp tác trong chương trình OCOP
Thứ 7, 14/01/2023 | 07:57:23 [GMT +7] A A
Sau hơn 4 năm triển khai, chương trình OCOP đã có sự lan tỏa mạnh mẽ, trở thành một giải pháp được ưu tiên trong phát triển kinh tế nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, để sản phẩm OCOP thật sự phát triển bền vững, có chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng trong và ngoài nước, vẫn cần xây dựng một chiến lược dài hơi.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cả nước có 8.478 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên (trong đó 65,4% sản phẩm 3 sao, 33,4% sản phẩm 4 sao, 1% sản phẩm tiềm năng 5 sao và 0,2% sản phẩm 5 sao). Đã có hơn 4.351 chủ thể OCOP, trong đó có 38,3% là hợp tác xã, 26,1% là doanh nghiệp, 33,3% là cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh, còn lại là tổ hợp tác. Đây là những con số không chỉ cho thấy số lượng sản phẩm OCOP hiện có mà còn thể hiện sự hùng hậu của lực lượng tham gia sản xuất quyết định sự thành công của OCOP.
Bắt tay để đi đường dài
Cà-phê OCOP 5 sao gắn với bảo vệ môi trường, nguyên chất của Hợp tác xã Cà-phê Bích Thao, bản Hoàng Văn Thụ, xã Hua La, thành phố Sơn La (tỉnh Sơn La) là sản phẩm duy nhất của tỉnh thuộc top 20 sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia. Đây cũng là sản phẩm cà-phê duy nhất được sản xuất theo hướng hữu cơ gắn với bảo vệ môi trường, tạo “đòn bẩy” giúp hợp tác xã có những sản phẩm OCOP chất lượng cao.
Giám đốc Hợp tác xã Cà-phê Bích Thao, Nguyễn Xuân Thao cho biết, từ năm 2018, hợp tác xã đã mời các chuyên gia nước ngoài về tập huấn cho thành viên trong hợp tác xã; đón đầu phương pháp chế biến cà-phê mật ong không sử dụng nước, vỏ làm trà cascara xuất khẩu, mang lại hương vị đặc trưng của cà-phê Sơn La với giá trị cao hơn và thân thiện với môi trường được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng.
Hiện, hợp tác xã có 150ha cà-phê giống mới trong tổng số gần 2.000 ha cà-phê, với 40ha đã cho thu hoạch 30 tấn/ha. Dự kiến, sản lượng cà-phê thương mại của hợp tác xã trong năm 2022 tiêu thụ nội địa và xuất khẩu khoảng 4.000 tấn, trong đó, xuất khẩu sang Đức và Nhật Bản từ 300 đến 400 tấn.
Bí quyết để Hợp tác xã Cà-phê Bích Thao thành công là sự hợp tác giữa hợp tác xã, xã viên với các chuyên gia của Đức, Nhật Bản trong kỹ thuật trồng để cho ra thị trường cà-phê Bích Thao chất lượng tốt nhất.
Hợp tác để đi đường dài không chỉ là lựa chọn của các hợp tác xã sản xuất sản phẩm OCOP tỉnh Sơn La, mà còn là lựa chọn của các xã viên hợp tác xã ở tỉnh Hà Tĩnh. Thời gian qua, các chủ cơ sở tham gia OCOP đã tìm hiểu, nghiên cứu, liên kết với nhau để đưa công nghệ mới vào sản xuất, chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm và mua sắm nhiều trang thiết bị tiên tiến, hiện đại đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, năng suất, chất lượng sản phẩm được nâng cao.
Công ty cổ phần Sản xuất và Thương mại Nhung hươu Việt là mô hình điểm trong hợp tác cùng phát triển sản phẩm OCOP. Hiện, các sản phẩm của công ty như: Cao xương hươu Việt Gold và bột nhung hươu Việt Gold đều đạt tiêu chuẩn HACCP (những nguyên tắc được sử dụng trong việc thiết lập hệ thống quản lý an toàn thực phẩm), ISO 22000…
Theo Giám đốc Nguyễn Khắc Huân, để bảo đảm nguồn nguyên liệu đáp ứng công suất 100 nghìn sản phẩm/năm của nhà máy, công ty đã ký các hợp đồng thu mua sản phẩm nhung hươu cho bà con, giúp người chăn nuôi tăng đàn mà vẫn bảo đảm chất lượng.
Theo tính toán, với giá bán 880.000 đồng/hộp bột nhung hươu Việt Gold và 990.000 đồng/hộp cao xương hươu Việt Gold, bình quân mỗi tháng công ty đạt doanh thu từ 500 đến 600 triệu đồng, bước đầu cho lãi từ 15 đến 20%. Bên cạnh việc chinh phục khách hàng bằng chất lượng sản phẩm tại các cửa hàng, điểm giới thiệu sản phẩm, Công ty cổ phần Sản xuất và Thương mại Nhung hươu Việt đã phát triển kênh bán hàng online, mang đến thu nhập từ 3 đến 10 triệu đồng/tháng cho nhiều cộng tác viên chuyên bán các sản phẩm của công ty. Đây chính là thành quả của sự hợp tác để cùng nhau đi đường dài trên con đường đưa sản phẩm OCOP đến tay người tiêu dùng.
Nỗ lực để nâng tầm OCOP
Ứng dụng công nghệ năng lượng mặt trời trong sản xuất, đầu tư hệ thống nhà màng, nhà lưới, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, sản xuất theo nông nghiệp hữu cơ, công nghệ sinh học trong chế biến, phát triển sản phẩm; bên cạnh đó là công tác sở hữu trí tuệ, cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý, chứng nhận nhãn hiệu tập thể, xúc tiến thương mại… được cho là những yêu cầu bắt buộc và cần phải được các chủ thể sản xuất, chính quyền địa phương, các cấp... quan tâm trong sản xuất và nâng tầm các sản phẩm OCOP...
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Sơn La Nguyễn Thế Phương, thành phố luôn đồng hành và tạo điều kiện để các hợp tác xã tham gia các hội chợ, triển lãm giới thiệu, quảng bá sản phẩm. Với định hướng không chạy theo số lượng mà đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP hiện có, trong đó có cây cà-phê đang được tỉnh và thành phố hỗ trợ, khuyến khích nhân rộng.
Còn tại tỉnh Hà Tĩnh, để phát triển nghề nuôi hươu, từ năm 2006, Huyện ủy Hương Sơn đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-HU ngày 26/3/2006 về phát triển chăn nuôi, trong đó tập trung chỉ đạo phát triển nghề nuôi hươu đạt sự tăng trưởng vượt bậc, giúp người dân phát triển kinh tế bền vững. Hiện nay, toàn huyện Hương Sơn có hơn 36.000 con; sản lượng nhung hằng năm đạt hơn 15 tấn. Toàn huyện có 2.500 mô hình kinh tế, trong đó có 148 mô hình có doanh thu hơn 1 tỷ đồng/năm.
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Hương Sơn, Nguyễn Viết Dũng cho biết: Ngoài chính sách của tỉnh, nhiều năm liền huyện duy trì chính sách hỗ trợ một phần kinh phí để kích cầu đối với những hộ chăn nuôi mới từ 20 con hươu trở lên. Với cách đầu tư bài bản, có hệ thống, từ một nghề chăn nuôi nhỏ lẻ, đến nay, người dân Hương Sơn đã biết mở rộng quy mô, liên kết sản xuất để phát triển bền vững nghề nuôi hươu truyền thống của địa phương.
Sự thành công của cà-phê Bích Thao hay nhung hươu Việt, là những minh chứng cho sự hợp tác cùng có lợi trong phát triển chuỗi giá trị sản phẩm OCOP. Tuy nhiên, để có thể đi đường dài trong xây dựng sản phẩm OCOP, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo các địa phương khi phát triển sản phẩm OCOP cần gắn với vùng nguyên liệu địa phương theo hướng sản xuất hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, tiết kiệm tài nguyên, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học.
Trong đó, tập trung phát triển các đặc sản, sản phẩm truyền thống, phát huy giá trị văn hóa, hình thành sản phẩm tích hợp đa giá trị gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, giá trị văn hóa địa phương, đặc biệt là sản phẩm các làng nghề, nghề truyền thống, dịch vụ du lịch nông thôn.
Hiện nhiều địa phương đang đẩy mạnh phát triển sản phẩm chế biến, chế biến sâu gắn với vùng nguyên liệu địa phương, văn hóa và tri thức bản địa, bước đầu đem lại những kết quả khả quan. Việc đẩy mạnh hợp tác, đa dạng hóa sản phẩm OCOP với nguồn tài nguyên hiện có đang là hướng đi đúng và trúng của nhiều địa phương trên cả nước.
Bên cạnh việc đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung-cầu cho sản phẩm OCOP, những cái bắt tay hợp tác giữa các chủ thể sản xuất với các công ty, đối tác, chuyên gia trong và ngoài nước chính là chìa khóa để nâng tầm sản phẩm OCOP, từ đó giúp xây dựng chiến lược đường dài cho sản phẩm OCOP chiếm lĩnh thị trường trong và ngoài nước.
Theo Báo Nhân dân
Liên kết website
Ý kiến ()