Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 20/11/2024 09:33 (GMT +7)
Đẩy mạnh phát triển kinh tế cảng biển
Thứ 3, 29/09/2020 | 17:16:54 [GMT +7] A A
Nghị quyết số 36 NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra một số chủ trương lớn và khâu đột phá. Cụ thể là “Đến năm 2030, phát triển thành công, đột phá về các ngành kinh tế biển theo thứ tự ưu tiên: Du lịch và dịch vụ biển; kinh tế hàng hải; khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác; nuôi trồng và khai thác hải sản; công nghiệp ven biển; năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới”.
Cảng Cái Lân được đầu tư thiết bị hiện đại, đồng bộ với 4 cẩu bờ STS loại Panamax tầm với 17 hàng container. Ảnh: Đỗ Phương |
Để thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển trên địa bàn tỉnh, Quảng Ninh đã đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, trong đó có kinh tế cảng biển và xác định đây là lĩnh vực mũi nhọn cần ưu tiên. Tỉnh thực hiện chủ trương hiện đại hóa các cảng biển, phát huy thế mạnh của hệ thống cảng trong hội nhập kinh tế quốc tế. Đến nay, cảng Cái Lân mở rộng, đầu tư đồng bộ với trang thiết bị hiện đại, có thể nói năng lực đứng đầu toàn quốc như: Cẩu bờ STS loại Panamax tầm với 17 hàng container; cẩu ERTG, độ rộng 7 hàng container; dịch vụ xếp dỡ hàng siêu trọng đến 100 tấn tại móc cẩu; xe khung nâng, xe chở container trong bãi… năng lực tiếp nhận tàu lên đến 80.000 tấn vào làm hàng. Cảng Cẩm Phả cũng được nâng cấp để đáp ứng nhu cầu cung ứng than trong nước và xuất khẩu, trong giai đoạn 1990 - 2010, cầu tàu cảng Cẩm Phả được nâng cấp, đồng thời xây dựng khu cảng nổi tại vùng neo Hòn Nét bảo đảm đủ điều kiện cho tàu 65.000 DWT cập bến. Ngành than tiếp tục cải tạo, mở rộng cảng Cẩm Phả, gồm xây dựng thêm 250m cầu cảng, nạo vét vùng nước trước bến cho tàu 70.000 DWT cập cảng, xây dựng cảng Cẩm Phả thành cảng xuất nhập khẩu hàng hóa tổng hợp.
Quảng Ninh cũng đã hoàn thành thủ tục, công bố chính thức Cảng khách quốc tế Hòn Gai theo tiêu chuẩn cảng khách du lịch quốc tế; thực hiện rà soát quy hoạch, diện tích đất phục vụ phát triển logictics, theo đó đã bố trí khu vực hậu cần sau cảng và logictics tại khu vực thị xã Quảng Yên là 6.956 ha (đảm bảo đúng mục tiêu theo Nghị quyết số 15-NQ/TU của Tỉnh ủy). Cùng với đó, tỉnh Quảng Ninh cũng phối hợp với cơ quan chức năng đưa dự án Cải tạo, nâng cấp luồng Hòn Gai - Cái Lân và khu quay trở tàu cho tàu cỡ lớn vào danh mục dự án dự kiến đầu tư công trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; phổi hợp đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án nạo vét luồng hàng hải sông Chanh theo hình thức xã hội hóa tận thu sản phẩm; thống nhất với Bộ Giao thông vận tải về việc chuyển một phần tuyển luồng cẩm Phả chuyên dùng hiện nay thành luồng hàng hài công cộng.
Các cảng biển trên địa bàn tỉnh đã đổi mới mô hình quản trị trong khai thác cảng biển, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành khai thác cảng biển. Thủ tục hành chính tại các cảng cũng được cơ quan chức năng cải cách một cách tối đa, tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, người dân. Cục Hải quan tỉnh triển khai hiệu quả kết nối một cửa quốc gia tại 6/6 Chi cục Hải quan; triển khai một cửa ASEAN với thủ tục cấp C/O form D, Cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3, 4 cho 74/74 thủ tục hải quan với 414 doanh nghiệp tham gia; đảm bảo duy trì 100% tờ khai hải quan qua các Cảng biển được thực hiện trên hệ thống thông quan tự động VNACC/VCISS.
Bộ đội Biên phòng tỉnh đã triển khai làm “Thủ tục Biên phòng điện tử cảng biển”. Các Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng đã chính thức thực hiện thủ tục biên phòng điện tử, kết nối Cổng thông tin một cửa quốc gia giúp đơn giải hóa, rút ngắn thủ tục, thời gian xuất nhập cảnh; ưa vào sử dụng phần mềm nghiệp vụ thủ tục tàu biển từ ngày 01/4/2020. Đồng thời, các đồn cũng tăng cường giám sát các hoạt động dịch vụ hàng hải hoa tiêu, lai dắt, thu gom và xử lý chất thải tại các tàu biển và cảng biển.
Mặc dù dưới tác động của dịch bệnh Covid-19, nhưng do chuyển đổi mô hình quản lý, các cảng biển vẫn duy trì hoạt động, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá bằng đường biển vẫn duy trì tăng trưởng. Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Ninh, tổng doanh thu dịch vụ cảng biển năm 2019 của tỉnh đạt 21.364 tỷ đồng; 6 tháng đầu nãm 2020 ước 11.835 tỷ đồng; ước cả năm 2020 đạt 22.342 tỷ đồng, tăng 10,5% so với năm 2019 (KH 25.000 tỷ đồng/năm; tăng trưởng bình quân 17,5%/năm). Cũng trong năm 2019, tổng kim ngạch XNK qua cảng biển đạt 6.523 triệu USD chiếm 59,2% tổng kim ngạch XNK qua địa bàn tỉnh, tăng 8% so với cùng kỳ; thu NSNN xuất nhập khẩu đạt 10.180 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ. 6 tháng đầu năm 2020, tổng kim ngạch XNK qua cảng biển đạt 3.101 triệu USD, chiếm 74,5% tổng kim ngạch XNK qua địa bàn tỉnh, tăng 9% so với cùng kỳ; thu ngân sách nhà nước xuất nhập khẩu đạt 6.738 tỷ đồng, bằng 61% dự toán năm, tăng 22% cùng kỳ. Hàng hóa xuất nhập khẩu chủ yếu là các mặt hàng lỏng, hàng rời truyền thống như: Xăng dầu, nguyên liệu sản xuất thức ãn chăn nuôi, nguyên liệu sản xuất dầu thực vật, than xuất nhập khẩu, sắt thép, dăm gỗ, xi măng, clanker...; lượng hàng Container chiếm tỷ trọng không nhiều, chủ yếu là hàng tạm nhập tái xuất, kho ngoại quan.
Từ năm 2019 đến nay, tỉnh đang triển khai 10 dự án, công trình động lực liên quan đến cảng biển và dịch vụ cảng biển với tổng mức đầu tư 11.089 tỷ đồng, trong đó: Có 9 dự án đã và đang thi công, tổng mức đầu tư 9.591 tỷ đồng: Dự án đường nối KCN Cái Lân qua KCN Việt Hưng đến đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn (1.299 tỷ đồng); Đường trục chính thứ 2 của khu công nghiệp - cảng biển Hải Hà (295,4 tỷ đồng); Đường kết nối ĐT.331 với ĐT.338 thị xã Quảng Yên (261,7 tỷ đồng); Đường từ nút giao Chợ Rộc đến nút giao Phong Hải (625,9 tỷ đồng); Tuyến đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả giai đoạn 1 (2.290,5 tỷ đồng); Dự án cầu Cửa Lục 1 (2.109,8 tỷ đồng); Dự án cầu Cửa Lục 3 (1.742 tỷ đồng, đang thực hiện lựa chọn nhà đầu tư); Dự án Xây dựng hoàn chỉnh nút giao Đầm Nhà Mạc (tại Km20+50 Đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng (766,7 tỷ đồng); Dự án đường nối từ đường cao tốc Hạ Long – Hải Phòng (tại Km6+700) đến đường tỉnh 331 - Giai đoạn 1 (1.496,5 tỷ đồng). Riêng dự án đường ven sông kết nối từ Đường cao tốc Hạ Long – Hải Phòng đến thị xã Đông Triêu (đoạn từ nút giao Đầm Nhà Mạc đến Đường tỉnh 338) - Giai đoạn 1 (1.498 tỷ đồng, chuyển sang đầu tư giai đoạn 2021-2025).
Đặc biệt, Khu kinh tế ven biển Quảng Yên được Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập, bổ sung quy hoạch với hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, vị trí thuận lợi đang trở thành hạt nhân mới thúc đẩy tăng trưởng của tuyến phía Tây của tỉnh; được nhiều nhà đầu tư lớn như Tập đoàn Amata, Vingroup, Foxconn, TCL... quan tâm nghiên cứu, đầu tư xây dựng hạ tầng dịch vụ, cảng biển, logistics, phát triển đô thị theo hướng hiện đại, công nghệ cao. Trong tương lai, Khu kinh tế Quảng Yên sẽ trở thành điểm nhấn quan trọng, thúc đẩy phát triển kinh tế cảng biển của Quảng Ninh.
Bảo Bình
Liên kết website
Ý kiến ()