Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 20/11/2024 11:40 (GMT +7)
Những giáo viên tận tâm, tận lực với học sinh vùng khó
Thứ 4, 20/11/2024 | 09:15:33 [GMT +7] A A
Bám bản, vượt khơi, dạy học nơi điểm trường vùng cao, đảo xa, những người thầy, người cô đang ngày đêm dấn thân vào nơi gian khó để mang kiến thức đến cho bao thế hệ học trò. Dù còn nhiều khó khăn, nhưng hành trình của họ có nhiều tự hào, vinh quang khi những "con chữ" đang từng ngày nảy mầm, sinh sôi.
Năm học 2023-2024, cô giáo Lương Thị Trang (34 tuổi) giáo viên Trường Mầm non Thanh Lân (huyện Cô Tô) viết đơn xung phong đến công tác tại thôn Đảo Trần - điểm trường xa nhất của Quảng Ninh trên biển. Học trò của cô giáo Trang trên đảo chỉ có 2 trẻ là con em trên đảo. Cô giáo Trang chia sẻ: Tình yêu trẻ đưa tôi đến điểm trường xa xôi này. Tháng 7/2023, tôi viết đơn tình nguyện ra công tác tại thôn Đảo Trần. Rất may cho tôi là nhận được sự ủng hộ, động viên của gia đình hai bên. Xa gia đình, những ngày đầu vừa nhớ nhà, vừa bỡ ngỡ vì nền nếp sinh hoạt chưa quen, trò cũng còn lạ cô nên không hợp tác. Nhưng dần dần các bạn nhỏ cũng ngoan ngoãn, chịu khó nghe lời cô giáo, sinh hoạt nền nếp. Cô trò cũng gần gũi, thân thiết hơn. Tôi coi học trò như con của mình, cuối tuần được nghỉ nhưng cô trò vẫn đến lớp, cùng nhau học, cùng nhau chơi.
Dù điều kiện còn nhiều khó khăn, xa trường trung tâm, nhưng cô Trang luôn chủ động học hỏi, tích cực nghiên cứu tài liệu, tham khảo các thông tin trên mạng Internet, ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác giảng dạy, kết hợp với việc thăm lớp, trao đổi cùng đồng nghiệp để xây dựng kế hoạch theo chương trình giáo dục mầm non mới phù hợp với độ tuổi của trẻ tại địa phương.
“Ngoài tôi ra, điểm trường mầm non - tiểu học Thanh Lân còn 2 cô giáo nữa, đều là những giáo viên tình nguyện ra Đảo Trần để dạy học. Bên cạnh tình yêu, tình thương với học sinh, chúng tôi cũng mong muốn góp thêm một chút công sức cho sự nghiệp giáo dục và công cuộc phát triển KT-XH ở đảo xa” - cô giáo Trang chia sẻ.
Giống như cô giáo Trang, thầy Ngô Minh Huy, giáo viên Trường TH&THCS Đồng Lâm (TP Hạ Long) cũng là một trong những giáo viên tình nguyện viết đơn xin lên dạy học tại vùng khó. Thầy Huy cho biết: Tôi luôn ước ao học sinh của mình có được điều kiện học tập tốt hơn để sự học vươn kịp các bạn ở thành thị. Nhiều học sinh của tôi rất hiếu học, chịu khó, nhưng do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên không thể tập trung cho việc học, mà phải lao động đỡ đần cha mẹ. Vì vậy, tôi luôn tìm kiếm các phương pháp dạy học phù hợp, giúp học sinh tiếp cận kiến thức một cách dễ hiểu và đầy đủ nhất. Chính ánh mắt đầy khát khao học chữ của học sinh miền núi là nguồn động viên giúp tôi cùng nhiều giáo viên của trường không quản khó khăn để mang đến tri thức cho các em.
Gần 10 năm gắn bó với nghề, cô giáo Ngô Thị Huệ, giáo viên Trường THCS Đông Ngũ (huyện Tiên Yên) luôn được tập thể nhà trường ghi nhận và lớp lớp học trò yêu mến vì những nỗ lực, cống hiến cho chất lượng đào tạo của trường. Là giáo viên ở một địa bàn còn nhiều khó khăn, tỷ lệ học sinh là người DTTS chiếm 50%, cô giáo Huệ luôn tìm cách để những tiết học của mình được sinh động, dễ hiểu nhất, làm sao cho học sinh tìm thấy sự hứng thú, say mê trong mỗi bài giảng. Nhiều năm liền cô giáo Huệ được công nhận là giáo viên giỏi cấp trường, cấp huyện. Cô giáo Huệ chia sẻ: Việc dạy học không chỉ là truyền thụ kiến thức cho học sinh một chiều. Để mỗi bài giảng thêm hấp dẫn, tôi đều tự mình nghiên cứu, đổi mới phương pháp, ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy.
Đặc biệt, là giáo viên trẻ năng động, nhiệt huyết, cô giáo Huệ được Ban Giám hiệu nhà trường phân công làm Tổng phụ trách đội. Thông qua việc vận dụng linh hoạt các phương pháp dạy học phù hợp, cô giáo Huệ thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa, giao lưu văn hóa, văn nghệ để học sinh được khám phá, sáng tạo, thể hiện sự tự tin, giúp các phong trào của trường ngày càng sôi nổi, học sinh yêu thích môn học, cũng như hoạt động phong trào tốt hơn. Cô giáo Huệ cũng gặt hái nhiều thành tích trong công tác đội, được Trung ương Đoàn, Tỉnh Đoàn, Hội đồng Đội tỉnh, huyện khen thưởng, biểu dương. Hiện cô giáo Huệ đang là huấn luyện viên cấp I Trung ương.
Trải qua các thời kỳ, biết bao thế hệ giáo viên đã nối tiếp mang kiến thức truyền thụ lại cho lớp lớp học sinh, con em các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Dù dạy học ở miền núi cao, hải đảo còn khó khăn, song những tấm gương thầy cô tận tụy, hết lòng với nghề như cô Trang, thầy Huy, cô Huệ đã và đang từng ngày thắp sáng lên ngọn lửa tri thức, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, tạo nguồn nhân lực có chất lượng đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH của Quảng Ninh.
Nguyên Ngọc
Liên kết website
Ý kiến ()