Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 05:48 (GMT +7)
Đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, củng cố an ninh quốc phòng (1961-1963)
Thứ 2, 07/08/2023 | 08:19:01 [GMT +7] A A
Theo sách Lịch sử Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh, tháng 9/1960, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng đã diễn ra tại Thủ đô Hà Nội. Đại hội xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam. Đại hội đã thông qua Đường lối cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm (1961 - 1965).
Dưới ánh sáng Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng, Đảng bộ Khu Hồng Quảng và Đảng bộ tỉnh Hải Ninh đã lãnh đạo nhân dân khắc phục khó khăn, đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, nông nghiệp. Đặc biệt, Khu uỷ Hồng Quảng đã lãnh đạo công nhân mỏ tạo ra phong trào thi đua sôi nổi, hoàn thành kế hoạch sản xuất than năm 1963 trước thời hạn.
Đáng chú ý, trong giai đoạn này, nhằm đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa XHCN và xây dựng XHCN ở miền Bắc, Đảng, Nhà nước quyết định xây dựng nhà máy nhiệt điện lớn nhất miền Bắc tại Uông Bí và khôi phục mở rộng diện khai thác mỏ Vàng Danh. Ngày 1/4/1961, Khu ủy Hồng Quảng đề nghị Đảng, Nhà nước cho thành lập thị xã Uông Bí. Ngày 28/10/1961, Hội đồng Chính phủ quyết định (số 187/CP) thành lập thị xã Uông Bí và đặt trực thuộc khu Hồng Quảng. Các tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể của thị xã lần lượt ra đời.
Ngày 27/10/1961, Quốc hội khóa II, kỳ họp thứ 3 ra nghị quyết phê chuẩn việc sáp nhập huyện Đông Triều thuộc tỉnh Hải Dương về khu Hồng Quảng.
Thị xã Uông Bí ra đời và việc sáp nhập huyện Đông Triều thuộc khu Hồng Quảng đánh dấu bước phát triển mới về qui mô đô thị, tổ chức dân cư, về khả năng phát triển kinh tế xã hội và vị trí, vai trò của khu Hồng Quảng đối với vùng Đông Bắc cũng như với cả nước.
Về công nghiệp địa phương tỉnh Hải Ninh phát triển mạnh, đã sản xuất được một số máy công cụ, cơ giới hoá được một số khâu trong sản xuất đồ gốm sứ. Trong phong trào sản xuất tự túc lương thực, thực phẩm của Đảng bộ và nhân dân Khu ủy Hồng Quảng và Tỉnh ủy Hải Ninh đạt được nhiều kết quả. Từ chỗ trước kia thường xuyên phải xin Trung ương cung cấp lương thực thì đến năm 1963 tỉnh Hải Ninh đã tự túc được hoàn toàn lương thực trong khu vực nông nghiệp, đóng góp vượt mức kế hoạch cho Nhà nước và có nguồn dự trữ. Khu Hồng Quảng cũng đã tự túc được một phần lương thực trong khu vực sản xuất nông nghiệp và thực phẩm trong toàn khu.
Cùng với phát triển kinh tế, văn hoá giáo dục, y tế phát triển mạnh: cơ bản xoá xong nạn mù chữ, nhiều bệnh xã hội giảm hẳn, dập tắt dịch bệnh... đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện nhiều so với trước. Các tổ chức Đảng, Chính quyền, đoàn thể, Mặt trận được củng cố và phát triển. Quốc phòng lớn mạnh, an ninh trật tự được giữ vững.
Đó là điều kiện thuận lợi để quá trình hợp nhất tỉnh Hải Ninh và Khu Hồng Quảng thành tỉnh Quảng Ninh vào tháng 10/1963 diễn ra thuận lợi, đảm bảo sự đoàn kết thống nhất trong nội bộ Đảng và toàn thể nhân dân, tạo tin tưởng tuyệt đối của các tầng lớp nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Thắng lợi đó là tiền đề cho Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh vững bước thực hiện nhiệm vụ cách mạng mới.
Tất Đạt (Tổng hợp)
Liên kết website
Ý kiến ()