Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 16:55 (GMT +7)
Đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực
Thứ 5, 21/07/2022 | 09:15:05 [GMT +7] A A
Với chủ trương chủ động lấy phòng ngừa là biện pháp hàng đầu đi đôi với phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực; thời gian qua, Quảng Ninh đã triển khai nhiều biện pháp để công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực (TC) phát huy hiệu quả cao nhất.
Tỉnh đã nghiêm túc tổ chức quán triệt, triển khai đầy đủ các văn bản chỉ đạo của trung ương về công tác PCTN, TC; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, triển khai các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác này dưới nhiều hình thức. Từ năm 2012 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức 11.375 cuộc họp, hội nghị tuyên truyền, phổ biến cho 625.569 lượt người; phát hành 594.900 tờ gấp pháp luật về công tác PCTN, TC và 512.843 tài liệu khác có liên quan.
Cùng với đó, việc tăng cường kỷ luật kỷ cương hành chính, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong công tác PCTN, TC cũng được chú trọng. Các cơ quan, đơn vị và địa phương trong tỉnh căn cứ quy định của pháp luật, chỉ đạo của Trung ương và tình hình thực tế tại địa phương để xây dựng và thường xuyên điều chỉnh, hoàn thiện các quy chế, các dự án đầu tư xây dựng; công khai trong việc lập quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch cấp đất, trong bồi thường GPMB, cơ chế chính sách; công khai kết quả giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, xử lý các sai phạm về tham nhũng, tiêu cực; công khai trong việc sử dụng các khoản đóng góp của nhân dân; việc quản lý, sử dụng các khoản hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân... hay trong công tác quy hoạch, đào tạo, tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức... Từ năm 2012 đến hết tháng 3/2020, toàn tỉnh đã tiến hành 128 cuộc kiểm tra đối với 609 đơn vị về công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động.
Về phía các cơ quan, đơn vị và địa phương còn nghiêm túc thực hiện các quy định của Chính phủ, của tỉnh về chế độ, định mức, tiêu chuẩn. Đồng thời thường xuyên tiến hành tự kiểm tra và xây dựng kế hoạch thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong cơ quan, tổ chức và đơn vị cấp dưới. Từ năm 2012 đến nay, toàn tỉnh đã tiến hành 157 cuộc kiểm tra đối với 1.170 đơn vị về định mức, tiêu chuẩn, chế độ. Qua kiểm tra đã phát hiện, chấn chỉnh một số địa phương về định mức tiêu chuẩn, chế độ.
Để phòng ngừa tham nhũng, lãng phí, tỉnh cũng thường xuyên rèn luyện tác phong lề lối làm việc và thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ cán bộ, viên chức, người lao động; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện các hành vi nhũng nhiễu, hách dịch, phiền hà hoặc tham nhũng đối với nhân dân và doanh nghiệp để xử lý nghiêm minh. Từ năm 2012 đến nay, toàn tỉnh đã tiến hành 303 cuộc kiểm tra đối với 609 lượt đơn vị về quy định quy tắc ứng xử; qua kiểm tra phát hiện 11 đơn vị địa phương, sở, ngành và 246 cá nhân có vi phạm quy định quy tắc ứng xử. Việc thực hiện các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức được tăng cường. Từ năm 2012 đến nay, Quảng Ninh đã có 67.173 lượt người kê khai tài sản, thu nhập.
Bên cạnh đó, tỉnh còn tăng cường thanh, kiểm tra, tập trung vào các lĩnh vực nổi cộm, dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, các vấn đề dư luận xã hội quan tâm như: Đất đai, quy hoạch, môi trường, đầu tư công, tuyển dụng, bố trí cán bộ, chính sách an sinh xã hội, y tế, giáo dục... Đồng thời chỉ đạo quyết liệt công tác PCTN, TC trong lĩnh vực cổ phần hóa, thoái vốn, quản lý tài sản công, đất đai, tài nguyên khoáng sản.
Từ tháng 6/2012 đến tháng 3/2022, Thanh tra tỉnh và thanh tra các sở, ngành, địa phương đã thực hiện 1.219 cuộc thanh tra; qua đó đã phát hiện, kiến nghị xử lý sai phạm về tiền 440.714,3 triệu đồng; xử lý 1.150 tổ chức và 1.503 cá nhân có vi phạm, chuyển cơ quan điều tra 8 vụ với 16 người.
Các cơ quan điều tra, tố tụng trên địa bàn tỉnh cũng chủ động đưa ra xét xử các vụ án tham nhũng, tiêu cực để tạo sức răn đe. Trong 10 năm qua, toàn tỉnh có 78 vụ với 287 bị can bị điều tra, khởi tố; 68 vụ việc với 276 bị can bị truy tố; xét xử 69 vụ với 269 bị cáo liên quan đến tham nhũng, lãng phí. Qua điều tra, truy tố, xét xử, số tài sản tham nhũng phải thu hồi hơn 275.842 triệu đồng; đã thu hồi: hơn 194.124 triệu đồng.
Tuy nhiên, việc tự phát hiện vụ việc tham nhũng vẫn là khâu yếu của các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh. Phần lớn vụ việc được phát hiện là do cơ quan điều tra và người dân. Bởi vậy, công tác kiểm tra, giám sát và thực hiện các hoạt động trong PCTN, tiêu cực cần tiếp tục được các sở, ngành, địa phương quan tâm hơn trong thời gian tới.
Thu Nguyệt
Liên kết website
Ý kiến ()