Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 16:24 (GMT +7)
Đẩy mạnh phòng ngừa, xử lý người chưa thành niên phạm tội
Thứ 5, 31/03/2022 | 06:29:56 [GMT +7] A A
Thời gian qua, để ngăn chặn tội phạm nói chung và tội phạm do người chưa thành niên thực hiện nói riêng, các cơ quan chức năng của Quảng Ninh đã có nhiều giải pháp, đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục pháp luật, kết hợp xử lý nghiêm những vi phạm, nhằm nâng cao ý thức pháp luật trong nhân dân, đặc biệt là thanh, thiếu niên.
Ngày 24/11/2021, TAND TP Uông Bí đã đưa ra xét xử sơ thẩm công khai vụ án “Gây rối trật tự công cộng” do 18 bị cáo trên địa bàn TX Quảng Yên, TP Uông Bí thực hiện. Điều đáng nói, trong vụ án này phần lớn các bị cáo đều là người chưa thành niên. Theo hồ sơ vụ án, khoảng đầu tháng 6/2021, Vũ Đặng Quốc Việt (SN 2005, trú tại TP Uông Bí) có mâu thuẫn với Phạm Đức Mạnh (SN 2006, trú tại TX Quảng Yên) qua mạng xã hội Facebook và hẹn gặp đánh nhau. Sau khi hẹn đánh nhau, Việt nhờ Trần Huy Hoàng hỗ trợ, còn Mạnh nhờ Nguyễn Anh Tuấn và Nguyễn Đức Kiên nhờ bạn bè để đi đánh nhau.
Tối 5/6, nhóm của Việt, Hoàng tụ tập 18 người; còn nhóm của Mạnh thông qua mạng xã hội tụ tập được 28 người. Hai nhóm đã có hành vi điều khiển xe mô tô đuổi nhau với tốc độ cao, hò hét, còi xe, lạng lách, đánh võng, đồng thời sử dụng dao phóng lợn (loại dao bầu hàn tuýp sắt, dài khoảng 2m), vỏ chai bia, pháo nổ tự chế đánh nhau trên địa bàn TP Uông Bí, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Tại buổi xét xử sơ thẩm công khai, các bị cáo bị tòa tuyên phạt từ 6 tháng cải tạo không giam giữ đến 30 tháng tù giam. Đối với Việt và Mạnh là những người nhờ vả, lôi kéo các bị cáo đi đánh nhau, nhưng khi thực hiện hành vi phạm tội, cả hai chưa đủ 16 tuổi nên không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Đây chỉ là một trong nhiều vụ việc phạm tội do người chưa thành niên thực hiện trên địa bàn tỉnh. Tình hình người chưa thành niên phạm tội hiện nay diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng về số vụ và tính chất nghiêm trọng. Các tội phạm thực hiện dưới dạng đồng phạm và có tính chất bạo lực ngày càng gia tăng với thủ đoạn tinh vi hơn, độ liều lĩnh cao hơn, gắn với các hành vi liên quan đến ma túy và tệ nạn xã hội.
Đơn cử, tại TP Cẩm Phả từ tháng 7 đến tháng 8/2021 đã xảy ra một số vụ án do người dưới 18 tuổi thực hiện. Điển hình là vụ “Mua bán trái phép chất ma tuý” do Trịnh Duy Đông (SN 2003) thực hiện vào đêm ngày 9/7/2021. Khi Đông đang bán trái phép 0,348 gam ma túy cần sa cho Trần Hữu C, được 200.000 đồng thì bị công an phát hiện bắt quả tang. Hay như vụ án “Cướp giật tài sản” do Đàm Vĩnh An (sinh năm 2004) thực hiện vào ngày 06/7/2021. An đã lợi dụng lúc chị Lê Thị X sơ hở, đang sử dụng điện thoại, cửa nhà không đóng, đã thực hiện hành vi cướp giật điện thoại Samsung Galaxy A7, trị giá 2,2 triệu đồng của chị X và bỏ chạy.
Nghiêm trọng hơn là vụ án “Cướp tài sản” do Nguyễn Hoài Nam (sinh năm 2004) và Dương Quốc Hùng thực hiện. Nam và Hùng lên kế hoạch đặt mua điện thoại Iphone 12 qua trang Shopee, sau đó điều Shipper đến nơi xa dân cư, vắng người để cướp tài sản. Khoảng 15 giờ ngày 18/8/2021, chị Trần Thị T (Shipper của Công ty Shopee Express trên địa bàn TP Cẩm Phả) giao hàng đến điểm hẹn cho 2 đối tượng; Hùng kiểm tra điện thoại rồi đưa lại cho Nam, sau đó giả vờ lấy ví tiền thanh toán, lợi dụng sơ hở Hùng bất ngờ dùng tay đẩy ngã chị T ra đường rồi lên xe do Nam điều khiển, bỏ chạy. Tổng trị giá tài sản chiếm đoạt trên 48 triệu đồng.
Được biết, năm 2020, toàn tỉnh có 73 đối tượng là người chưa thành niên bị khởi tố và năm 2021 là 138 đối tượng. Cũng liên quan đến nhóm đối tượng này, chỉ tính năm 2021, tòa án đã thụ lý 31 vụ/61 bị cáo; giải quyết 29 vụ/57 bị cáo; trong đó 2 trường hợp tù từ trên 7 năm đến 15 năm, 9 trường hợp phạt tù từ trên 3 đến 7 năm, 10 trường hợp phạt tù từ 3 năm trở xuống, còn lại phạt án treo, cải tạo không giam giữ, giáo dục tại trường giáo dưỡng...
Theo cơ quan chức năng, do đặc điểm phát triển về tâm sinh lý của lứa tuổi vị thành niên là nhân cách chưa hoàn chỉnh, nông nổi, dễ bị kích động, khó kiềm chế, hiểu biết pháp luật chưa sâu sắc, chưa toàn diện nên một bộ phận thanh thiếu niên sống buông thả, đua đòi dẫn đến thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. Đặc biệt trong môi trường mạng xã hội phát triển mãnh mẽ hiện nay, nhóm đối tượng này rất dễ bị lôi kéo, dụ dỗ thực hiện các hành vi vi phạm. Thực tế cho thấy nhiều hội nhóm trên mạng xã hội chứa nhiều thông tin xấu, độc, kích động bạo lực.
Để phòng ngừa có hiệu quả loại tội phạm này cần sự vào cuộc đồng bộ của toàn xã hội, nhất là sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể, nhà trường và phụ huynh trong việc giáo dục, định hướng nhân cách cho các thanh thiếu niên. Ngoài ra, việc thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong nhà trường giúp học sinh có lối sống lành mạnh, không vi phạm pháp luật. Về phía gia đình, các bậc phụ huynh cũng cần chủ động hướng dẫn, định hướng cho con em mình tiếp xúc với những thông tin lành mạnh, có sự giám sát chặt chẽ trong việc tham gia các hội nhóm trên mạng xã hội.
Thanh Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()