Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 15/11/2024 12:18 (GMT +7)
Đẩy mạnh số hoá, kết nối dữ liệu giải quyết TTHC
Thứ 5, 19/09/2024 | 17:03:54 [GMT +7] A A
Trong tiến trình chuyển đổi số, công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) được tỉnh triển khai tích cực với nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ, qua đó góp phần phục vụ ngày càng tốt hơn người dân, doanh nghiệp.
Từ tháng 10/2022, tất cả các sở, ngành, địa phương trong tỉnh được yêu cầu thực hiện quy trình giải quyết TTHC theo 5 bước trên môi trường điện tử (tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, ký số, trả kết quả), gắn với việc áp dụng chữ ký số trong tất cả các bước giải quyết. Theo đó, sau khi tiếp nhận TTHC trực tuyến của tổ chức công dân, cán bộ công chức sẽ thẩm định, ký số và trình ký cấp trên thông qua hệ thống chính quyền điện tử. Lãnh đạo các sở, ngành, địa phương hoặc cán bộ được phân cấp phê duyệt cũng sẽ ký phê duyệt bằng chữ ký số và chuyển bộ phận trả kết quả đóng dấu số, trước khi chuyển tiếp kết quả số vào tài khoản dịch vụ công của tổ chức, công dân.
Hình thức thanh toán trực tuyến cũng được chấp nhận với tất cả các thủ tục, qua nhiều kênh thanh toán khác nhau. Kết quả giải quyết TTHC được số hóa cũng có giá trị pháp lý tương đương kết quả giải quyết TTHC bằng văn bản giấy, có thể được các tổ chức, cá nhân tái sử dụng trong các công việc liên quan khác.
Qua một thời gian triển khai tích cực, rút kinh nghiệm và hiệu chỉnh hệ thống, việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC trên địa bàn tỉnh đã từng bước được thực hiện trơn tru, hiệu quả. Theo số liệu báo cáo của Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, 8 tháng đầu năm, Trung tâm đã phối hợp với các ngành rà soát, chuẩn hoá quy trình giải quyết và thực hiện số hóa 100% hồ sơ TTHC đủ điều kiện theo “quy trình 5 bước trên môi trường điện tử”, gắn với sử dụng chữ ký số điện tử trong toàn bộ quy trình.
Thống kê riêng hệ thống Một cửa điện tử tỉnh trong 8 tháng, cấp tỉnh đã số hóa 40.562 hồ sơ đầu vào (đạt 98,9%), trả 40.915 kết quả bản điện tử (đạt 97,9%); cấp huyện đã số hoá 111.537 hồ sơ đầu vào (đạt 99,3%), trả 106.344 kết quả bản điện tử (đạt 93,6%); cấp xã đã số hoá 144.683 hồ sơ (đạt 98,1%), trả 141.817 kết quả bản điện tử (đạt 96,2%)…
Đến thời điểm hiện tại, các sở, ban, ngành của tỉnh cũng đã cung cấp 1.000 dịch vụ công trực tuyến, trong đó có 628 TTHC được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình (đạt 62,8%) và 372 TTHC cung cấp dịch vụ công trực tuyến một phần (đạt 37,2%). Cấp huyện cung cấp 200 dịch vụ công trực tuyến, trong đó 97 TTHC cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình (đạt 48,5%) và 103 dịch vụ công trực tuyến một phần (đạt 51,5%). Cấp xã cung cấp 78 dịch vụ công trực tuyến, trong đó có 31 TTHC cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình (đạt 39,7%), 47 dịch vụ công trực tuyến một phần (đạt 60,3%).
Bà Nguyễn Thúy Hà, Giám đốc HTX Nông, lâm, ngư nghiệp Việt Hưng, chia sẻ: Với việc số hóa TTHC, hiện 100% TTHC của doanh nghiệp chúng tôi đều không cần giấy tờ, không phải nộp hồ sơ bản cứng, kết quả online có chữ ký số và dấu số sẽ trả về cho chúng tôi qua hòm thư điện tử. Sau khi nhận được, chúng tôi có thể sử dụng kết quả online đó làm việc tiếp với cơ quan nhà nước khác để hoàn thiện các quy trình thủ tục cần thiết cho hoạt động kinh doanh của đơn vị mình. Tiện ích này giúp người dân và doanh nghiệp tiết kiệm được thời gian để tập trung lao động, sản xuất, kinh doanh.
Thực tế cho thấy, việc thực hiện hiệu quả số hóa hồ sơ đầu vào, trả kết quả bản điện tử cũng như lưu trữ trên Kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân tại Cổng dịch vụ công của tỉnh giúp nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công, tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân, tổ chức, doanh nghiệp có thể tái sử dụng các dữ liệu đã từng số hóa để thực hiện TTHC.
Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp tỉnh hoàn thiện việc kết nối với Kho dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên Cổng dịch vụ công quốc gia cũng đã giúp 100% người dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ trực tuyến được định danh và xác thực thông suốt, hợp nhất trên tất cả các hệ thống của các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương.
Việc số hóa hồ sơ, kết quả TTHC đã và đang được Quảng Ninh tích cực triển khai thực hiện là giải pháp phù hợp với yêu cầu của tiến trình chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay, góp phần xây dựng một nền hành chính đạt chuẩn mực quốc gia, quốc tế, phục vụ hiệu quả, ngày càng khẳng định thương hiệu, hình ảnh, văn hóa “đồng hành, cam kết, thực thi” của tỉnh Quảng Ninh đối với người dân và doanh nghiệp. Đồng thời cũng là một trong những giải pháp trọng tâm để tỉnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư, thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững.
Minh Hà
Liên kết website
Ý kiến ()