Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 15/11/2024 18:17 (GMT +7)
Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt
Thứ 5, 09/02/2023 | 14:58:50 [GMT +7] A A
Để thực hiện hiệu quả mục tiêu phát triển kinh tế số, thời gian qua, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã và đang đẩy mạnh các hình thức giao dịch trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt. Với tính ưu việt về bảo mật, an toàn và sự tiện dụng cho cả người mua lẫn người bán, thanh toán trực tuyến đang là một trong những yếu tố tạo nền móng vững chắc cho việc chuyển đổi số toàn diện của Quảng Ninh.
Ngay sau khi Chính phủ ban hành Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 97/KH-UBND về việc triển khai đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025. Trong đó, đặt ra hàng loạt mục tiêu cụ thể, như đến cuối năm 2025 đạt 50% thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử, 90% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc tổ chức được phép khác, tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng và giá trị giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt 20-25%/năm, tốc độ tăng trưởng bình quân qua kênh điện thoại di động về số lượng giao dịch đạt 60-80%, tỷ lệ cá nhân, tổ chức sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt qua các kênh thanh toán điện tử đạt 50%... Nhằm hiện thực hóa mục tiêu đã đề ra, các sở, ngành, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã và đang tích cực triển khai nhiều giải pháp cụ thể, hướng tới hiệu quả thực tế để đẩy mạnh việc thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt.
Điển hình, TP Hạ Long đã triển khai thí điểm mô hình “Chợ công nghệ mới - Chợ 4.0” tại 3 chợ truyền thống trên địa bàn là chợ Hạ Long 1, Hạ Long 2 và Cái Dăm. Sau khi thí điểm tại 3 chợ truyền thống lớn khu vực trung tâm, thời gian tới, mô hình này sẽ được nhân rộng tại các chợ trên địa bàn TP Hạ Long và chợ trung tâm các địa phương khác trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó từ tháng 8/2022, Viettel Quảng Ninh bắt đầu triển khai ra quân tuyên truyền, hướng dẫn đăng ký sử dụng ứng dụng thanh toán trực tuyến và trang bị điểm thanh toán qua mã QR cho các hộ kinh doanh.
Đến hết năm 2022, tính riêng tại chợ Hạ Long 1, đã có 450 gian hàng được lắp đặt mã QR thanh toán trực tuyến và khoảng 1.200 lượt tiểu thương, người mua hàng tại chợ được hướng dẫn đăng ký sử dụng tính năng thanh toán trực tuyến trên ứng dụng Viettel Money và dùng Viettel Money trong giao dịch. Cũng từ tháng 8, các điểm chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt qua ứng dụng VNPT Money đã được VNPT Quảng Ninh mở miễn phí tại hơn 500 gian hàng tại chợ Cái Dăm, chấp nhận thanh toán qua mã QR cho toàn bộ các giao dịch của khách hàng.
Chị Lê Thu Hiền, tiểu thương kinh doanh quần áo tại chợ Hạ Long 1, chia sẻ: Nhờ thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt, các chủ hộ kinh doanh như chúng tôi vừa dễ dàng quản lý nguồn tiền ra - vào để tính toán lợi nhuận; vừa kiểm soát, giảm thiểu được sai sót trong các giao dịch với khách hàng. Tất cả đều được thực hiện vô cùng nhanh chóng, thuận tiện. Thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt thực sự là một hình thức ưu việt trong thời đại chuyển đổi số.
Cùng với mô hình thanh toán trực tuyến tại các chợ truyền thống, việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt cũng đang được đẩy mạnh trong nhiều dịch vụ thiết yếu như thanh toán viện phí, điện, nước, mua sắm… Điển hình như trong việc thanh toán tiền điện, tính đến thời điểm hiện tại, đã có khoảng 90% khách hàng sử dụng điện của Công ty Điện lực Quảng Ninh thực hiện thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt và trích nợ tự động qua tài khoản các ngân hàng và các ứng dụng ví điện tử.
Hàng tháng, Công ty Điện lực Quảng Ninh sẽ thông báo số tiền điện sử dụng của các khách hàng qua tin nhắn SMS hoặc Zalo. Khách hàng sử dụng điện có thể chủ động tra cứu thông tin tình hình sử dụng điện của mình và tải hóa đơn điện tử trên website http://cskh.npc.com.vn hoặc ứng dụng CSKH của Tổng Công ty Điện lực miền Bắc qua điện thoại thông minh. Sau đó, khách hàng có thể thanh toán bằng hình thức chuyển khoản qua mã QR bằng tài khoản ngân hàng hoặc ví điện tử hoặc trích nợ tự động qua tài khoản các ngân hàng có liên kết hợp tác với Điện lực Quảng Ninh.
Hiện 100% bệnh viện, trung tâm y tế, trung tâm hành chính công, các trường đại học, cao đẳng, cơ sở giáo dục nghề nghiệp… trên địa bàn tỉnh cũng đều chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt. Theo báo cáo của Sở TT&TT, toàn tỉnh hiện đang có 2,46 triệu tài khoản có chức năng thanh toán không dùng tiền mặt, trong đó có 1,6 triệu tài khoản đang hoạt động. Tỷ lệ cá nhân, tổ chức sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt qua các kênh thanh toán điện tử hiện đạt 35,3%. Tỷ lệ thanh toán phí dịch vụ hành chính công không dùng tiền mặt ở cấp tỉnh đạt 65,77% và ở cấp huyện đạt 22,89%. Tỷ lệ doanh nghiệp, cá nhân, hộ gia đình thanh toán tiền điện, nước không dùng tiền mặt đạt trung bình gần 80%…
Để tiếp tục đưa thanh toán trực tuyến trở thành một tiện ích được phổ cập toàn dân, đem lại lợi ích thiết thực, hiệu quả cao, là một trong những nền tảng để chuyển đổi số toàn diện, hiện tỉnh đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp, như: Đôn đốc các nhà cung cấp nâng cấp, phát triển hạ tầng thanh toán hiện đại, hoạt động an toàn, hiệu quả và có khả năng kết nối, tích hợp với các hệ thống khác; đẩy mạnh ứng dụng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán trên thiết bị di động; phát triển thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa…
Minh Hà
Liên kết website
Ý kiến ()