Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 16:20 (GMT +7)
Đẩy mạnh thu hút, phát triển nguồn nhân lực, lao động có kỹ năng nghề đáp ứng nhu cầu lao động trên địa bàn tỉnh
Thứ 7, 30/09/2023 | 10:48:26 [GMT +7] A A
Thay mặt cử tri thành phố Uông Bí, tại kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026, đại biểu Nguyễn Mai Hùng chất vấn:
Nghị quyết số 128/NQ-HĐND ngày 09/12/2022 của HĐND tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2023 đã xác định chủ đề công tác năm 2023 là nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư và chất lượng đời sống nhân dân, đưa ra mục tiêu thu hút vốn FDI đạt ít nhất 1,0 tỷ USD vào các khu công nghiệp, khu kinh tế, tạo ra ít nhất 20.000 lao động tăng thêm. Để thực hiện mục tiêu trên thì việc tập trung thu hút, phát triển nguồn nhân lực, lao động có kỹ năng nghề đáp ứng nhu cầu lao động trên địa bàn, nhất là các khu kinh tế, khu công nghiệp, doanh nghiệp sản xuất chế biến, chế tạo là yếu tố quan trọng hàng đầu.
Đề nghị đồng chí Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội làm rõ về nhu cầu sử dụng lao động, các giải pháp cụ thể đã thực hiện để thu hút, phát triển nguồn nhân lực, lao động có kỹ năng nghề đáp ứng nhu cầu lao động trên địa bàn và kết quả đạt được; đánh giá khả năng đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động tại các khu công nghiệp để phục vụ các dự án trong thời gian sắp tới.
Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Hoài Sơn trả lời:
Trước diễn biến tích cực từ các doanh nghiệp trong KCN trên địa bàn tỉnh những tháng đầu năm, dự báo từ nay đến hết năm 2023 nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng cao, 6 tháng cuối năm 2023 cần 8.500 lao động, tương ứng cả năm khoảng 17.000 người.
Giai đoạn tiếp theo từ 2024-2025, nhu cầu nhân lực của Quảng Ninh tiếp tục tăng mạnh, dự báo là trên 28.000 người, giai đoạn 2026-2030 cần tuyển thêm khoảng 76.000 lao động; tương ứng mỗi năm cần thêm gần 14.900 lao động để đáp ứng nhu cầu nhân lực. Trong đó dự kiến trình độ đại học trở lên: 6.200 người, cao đẳng: 4.600 người, trung cấp: 3.700 người, sơ cấp: 3.000 người, đào tạo nghề nghiệp thường xuyên: 3.900 người và lao động phổ thông: 82.600 người. Một số ngành nghề chủ yếu DN có nhu cầu tuyển dụng lớn như: công nghiệp chế biến chế tạo, du lịch, xây dựng, vận tải kho bãi, kinh tế cảng biển....
Quảng Ninh là tỉnh phát triển, cơ cấu kinh tế chính là công nghiệp - xây dựng, du lịch, dịch vụ... Mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh, tuy nhiên trong thời gian qua tỉnh tập trung công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp, duy trì sản xuất, tạo việc làm cho người lao động.
Trước năm 2020, trung bình tạo việc làm tăng thêm cho trên 19.000 lao động/năm.
Giai đoạn 2020-2022 tạo việc làm tăng thêm cho trên 13.000 lao động/năm (đạt được chỉ tiêu Nghị quyết đại hội đảng bộ tỉnh lần thứ 15 đề ra).
Năm 2023, sau khi đại dịch Covid-19 bị đẩy lùi, Quảng Ninh đứng trước nhiều cơ hội mới (duy trì tăng trưởng, thu hút đầu tư, hệ thống giao thông kết nối đồng bộ. Các doanh nghiệp lớn trong tỉnh rất ổn định, trong khi các tỉnh ngoài kinh tế khó khăn suy giảm thiếu việc làm, Tỉnh ta ngành điện, than phát triển tốt, du lịch có tăng trưởng, các khu công nghiệp không ảnh hưởng nhiều vẫn duy trì sản xuất, có tăng trưởng). Căn cứ vào Nghị quyết của BCH đảng bộ tỉnh, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết 128 về phương hướng nhiệm vụ năm 2023, theo đó mục tiêu tạo ít nhất 20.000 việc làm tăng thêm.
Để triển khai thực hiện, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện, giao chỉ tiêu cụ thể cho các huyện, thị xã, thành phố. Theo đó các địa phương đã xây dựng kế hoạch với chỉ tiêu phấn đấu cao hơn, tạo ra việc làm tăng thêm cho trên 22.000 người.
Đến nay, theo báo cáo của 13 huyện, thị xã, thành phố, số lao động được tạo việc làm tăng thêm trong 6 tháng đầu năm 2023 trên địa bàn tỉnh là: 13.842 người, đạt 69,2% kế hoạch năm 2023 (trong đó, Hạ Long: 4.020 người; Móng Cái: 3.200 người; Đông Triều: 1.390 người; Uông Bí: 1.217 người; Cẩm Phả: 1.155 người; Quảng Yên: 609 người; Vân Đồn: 432 người; Đầm Hà: 416 người; Hải Hà: 402 người; Ba Chẽ: 350 người; Bình Liêu: 308 người; Tiên Yên: 250 người và Cô Tô: 93 người).
- Khó khăn: Mục tiêu lớn, cần quyết tâm rất cao trong những tháng cuối năm, cơ bản phải hoàn thành mục tiêu trong quý 3/2023 để góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
- Giải pháp những tháng cuối năm: bám sát mục tiêu đã đề ra, kế hoạch của các địa phương còn gần 9.000 việc làm tăng thêm.
+ Tập trung công tác lãnh đạo chỉ đạo, bám sát Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, kế hoạch của UBND tỉnh trong việc thực hiện chỉ tiêu tỉnh giao, rà soát từng địa bàn thôn khu, phường xã, tập trung vào việc tư vấn hỗ trợ, giới thiệu việc làm. Nhóm lao động chưa có việc tập trung nhằm vào nhóm đối tượng làm việc tại tỉnh ngoài trở về địa phương (gần 5.000 lao động từ KCN VSIP Hải Phòng), lực lượng thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, số lao động đến tuổi, số lao động tốt nghiệp các trường nghề, số lao động chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp chế biến chế tạo, du lịch dịch vụ.
+ Tập trung giải ngân vốn đầu tư (hiện nay mới giải ngân được gần 30%, còn hàng chục ngàn tỷ cần tiếp tục giải ngân trong 6 tháng cuối năm).
+ Tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư các dự án FDI vào các KCN trên địa bàn tỉnh, trong đó đặc biệt ưu tiên các dự án thân thiện với môi trường, tránh thâm dụng lao động.
+ Sử dụng nguồn vốn vay từ Quỹ quốc gia về việc làm (đã cấp 90 tỷ, tỉnh cho chủ trương cấp 160 tỷ).
+ Chuyển dịch cơ cấu lao động, tập trung vào công nghiệp - xây dựng; dịch vụ - du lịch với mục tiêu thu hút khách du lịch - đẩy mạnh phát triển du lịch dịch vụ, thu hút lao động đến sinh sống và làm việc lâu dài trên địa bàn tỉnh.
Các giải pháp cụ thể đã thực hiện để thu hút, phát triển nguồn nhân lực, lao động có kỹ năng nghề đáp ứng nhu cầu lao động trên địa bàn tỉnh
1. Hỗ trợ sản xuất kinh doanh, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển:
- Hỗ trợ nhà đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp, phối hợp các sở ngành, địa phương tháo gỡ khó khăn, nâng cao hiệu quả đầu tư của DN.
- Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rà soát, đơn giản hóa các TTHC, chống gây phiền hà, sách nhiễu DN.
- Hỗ trợ DN trong việc tuyển dụng lao động, kết nối cung - cầu lao động; giảm chi phí cho doanh nghiệp trong tuyển dụng lao động.
2. Phát triển nguồn nhân lực, lao động có kỹ năng nghề đáp ứng nhu cầu của DN. Tập trung vào việc đào tạo nghề và thu hút lao động tỉnh ngoài, xuất khẩu lao động.
- Về đào tạo nghề: Tập trung nâng cao chất lượng công tác GDNN, tăng nhanh quy mô, cơ cấu ngành, nghề, trình độ đào tạo, đào tạo lại phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động và doanh nghiệp.
+ Quan tâm công tác quản lý giáo trình, thời gian, gắn đào tạo với nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp. Từng bước triển khai mạnh việc đặt hàng đào tạo của doanh nghiệp, thành lập tổ công tác gắn kết 3 nhà (nhà nước, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp).
+ Tăng cường công tác tuyển sinh đào tạo nghề, thực hiện đúng chủ trương phân luồng học sinh theo Quyết định 522 của Thủ tướng Chính phủ.
+ Tiếp tục nghiên cứu đề xuất mở rộng một số ngành nghề khuyến khích đào tạo (kể cả trình độ đại học), tập trung vào một số ngành nghề lĩnh vực chế biến chế tạo, nghề thuộc lĩnh vực doanh nghiệp trong các KCN đang cần tuyển dụng, thu hút...
- Về thu hút lao động có kỹ năng nghề tỉnh ngoài:
+ Xây dựng chính sách nhằm thu hút lao động tỉnh ngoài (nhà ở, chế độ tiền lương thu nhập - thu nhập bảo đảm đời sống, ngang bằng khu vực lân cận).
+ Môi trường làm việc tốt, người lao động được đãi ngộ, được quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần.
+ Kết nối cung - cầu lao động cả trong tỉnh và ngoài tỉnh (với các địa bàn lân cận như Hải Dương, Bắc Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang...), hỗ trợ hiệu quả cho DN trong tuyển dụng lao động.
+ Tăng cường công tác thanh tra kiểm tra, hướng dẫn nhất là hướng dẫn DN trong thực hiện chính sách pháp luật về lao động, bảo bảm quyền lợi cho người lao động, tạo môi trường làm việc bình đẳng hài hòa tiến bộ trong doanh nghiệp để cùng phát triển.
- Về xuất khẩu lao động:
+ Tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người lao động tham gia tuyển chọn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; tổ chức tốt các hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo các chương trình do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai.
+ Tạo điều kiện, giới thiệu các doanh nghiệp có đủ năng lực được tuyển chọn lao động trên địa bàn tỉnh đưa đi làm việc ở nước ngoài.
Kết quả năm 2022 đã đưa được 898 người đi XKLĐ; mục tiêu năm 2023 là trên 900 người; giai đoạn 2024-2025 mỗi năm trên 950 người.
Đánh giá khả năng đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động tại các khu công nghiệp để phục vụ các dự án trong thời gian sắp tới
Đến nay, tổng số doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh là 70 đơn vị (trong đó có 41 doanh nghiệp FDI); số lao động hiện tại khoảng 34.400 lao động (trong đó có khoảng 22.000 lao động nữ, chiếm 62%), số lao động ngoại tỉnh là 6.983 người, số lao động người nước ngoài là 1.278 người.
So với đầu năm 2022, số lao động trong KCN tăng thêm 600 người. Khi hoạt động sản suất ổn định trở lại nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp cũng tăng lên (năm 2023, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trong KCN khoảng 8.400 lao động).
Để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng lao động trên, Tỉnh đang triển khai và làm tốt các giải pháp nhằm kết nối cung - cầu lao động như:
- Nâng cao hiệu quả các phiên giao dịch việc làm, hỗ trợ người sử dụng lao động tuyển dụng bằng hình thức trực tuyến; tổ chức các hoạt động kết nối, giao dịch việc làm có sự liên kết giữa các địa phương trong tỉnh, giữa Quảng Ninh với các tỉnh, thành phía Bắc; đầu tư hình thành sàn giao dịch việc làm trực tuyến hiện đại.
- Xây dựng kênh thu thập thông tin về tình hình lao động - việc làm, theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình quan hệ lao động trên địa bàn; thu hút lao động tại chỗ, giải quyết tình trạng thiếu lao động cục bộ, mất cân đối cung - cầu lao động.
- Triển khai Đề án phát triển nhà ở cho công nhân, lao động khu công nghiệp; thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động có kỹ năng về làm việc, sinh sống tại Quảng Ninh.
- Thực hiện tốt chính sách pháp luật lao động, bảo đảm thu nhập, quyền lợi hợp pháp của người lao động...
Cùng với các chính sách, giải pháp hỗ trợ của Tỉnh và nguồn nhân lực mỗi năm khoảng 15.000 - 18.000 người tốt nghiệp THCS, THPT, đào tạo nghề các cấp, đại học trở lên và lực lượng quân nhân xuất ngũ tham gia vào thị trường lao động; cộng với việc thu hút lao động tỉnh ngoài vào học tập và làm việc trên địa bàn thì khả năng đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động tại các khu công nghiệp để phục vụ các dự án trong thời gian sắp tới là hoàn toàn khả thi.
Ngọc Ánh (Biên soạn)
Liên kết website
Ý kiến ()