Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 04/01/2025 23:56 (GMT +7)
Đẩy mạnh thực hiện quy chế dân chủ trong các doanh nghiệp
Thứ 5, 02/01/2025 | 09:53:09 [GMT +7] A A
Quảng Ninh hiện có 11.669 doanh nghiệp đang hoạt động với tổng số khoảng 249.500 lao động; trong đó có 82 doanh nghiệp nhà nước, 110 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, 11.477 doanh nghiệp dân doanh. Để đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp và người lao động, tỉnh, các ngành, địa phương luôn chú trọng vận động doanh nghiệp thực hiện tốt quy chế dân chủ (QCDC).
Tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, văn bản chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở trong các doanh nghiệp trên địa bàn; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, các chỉ đạo về thực hiện QCDC của Trung ương, của tỉnh đến doanh nghiệp, người lao động với nhiều hình thức, như: Thông qua hội nghị, các buổi làm việc, chương trình kiểm tra, phương tiện thông tin đại chúng...
Mặt khác, tỉnh cũng tăng cường kiểm tra công tác thực hiện QCDC trong các doanh nghiệp; kịp thời biểu dương, khen thưởng, nhân rộng các mô hình điển hình dân vận khéo, điển hình thực hiện QCDC ở cơ sở có sức lan tỏa trong cộng đồng, doanh nghiệp... Nhờ đó, hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ngày càng nâng cao ý thức chấp hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Các cấp công đoàn trong tỉnh đã tham gia hiệu quả công tác xây dựng, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật, lao động. Riêng năm 2024, các cấp công đoàn đã kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật lao động, bảo hiểm xã hội, bình đẳng giới tại 1.085 lượt doanh nghiệp. Qua đó, phát hiện, đề xuất, kiến nghị các cấp, các ngành nhiều giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.
Qua các cuộc kiểm tra, giám sát và qua theo dõi, nắm bắt tình hình của các sở, ban, ngành chức năng cho thấy, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cơ bản thực hiện tốt pháp luật lao động, xây dựng QCDC ở cơ sở. Việc tổ chức hội nghị người lao động, đối thoại định kỳ tại nơi làm việc cơ bản đảm bảo về nội dung, chất lượng theo quy định.
Các doanh nghiệp đã thực hiện công khai, phổ biến nội quy, quy chế tới người lao động; đa dạng các hình thức công khai, như: Niêm yết thông tin; thông báo tại hội nghị người lao động; hội nghị đối thoại giữa người sử dụng lao động và ban chấp hành công đoàn cơ sở; tại các cuộc họp, giao ban của đơn vị, bộ phận trong doanh nghiệp; thông báo bằng văn bản đến toàn thể người lao động…
Khoảng 249.500 lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đều được bàn và quyết định các nội dung thương lượng tập thể theo quy định. Việc lập các loại quỹ và thu, chi, quản lý, sử dụng các khoản từ thu nhập, đóng góp của người lao động; nội dung nghị quyết của hội nghị người lao động... luôn có sự tham gia ý kiến trước khi doanh nghiệp quyết định.
Bên cạnh đó, người lao động được kiểm tra, giám sát trên cơ sở các nội dung tập thể người lao động đã bàn và quyết định; giám sát việc thực hiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở của doanh nghiệp thông qua nhiều hình thức.
Các doanh nghiệp đã xây dựng và ban hành nội quy, quy chế nhằm thực hiện công khai các quy định liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của người lao động, như: Tình hình sản xuất, kinh doanh; nội quy lao động, thang lương, bảng lương, định mức lao động; nội quy, quy chế, quy định liên quan đến quyền, lợi ích và nghĩa vụ của người lao động; thỏa ước lao động tập thể; việc trích lập, sử dụng quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi và các quỹ do người lao động đóng góp; việc trích nộp kinh phí công đoàn, đóng BHXH, BHYT, BHTN...
Hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân trong các doanh nghiệp đã phát huy vai trò công tác giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, việc thực hiện pháp luật về dân chủ ở cơ sở. Ban Thanh tra nhân dân đã chủ động phối hợp với Giám đốc doanh nghiệp nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và giải quyết kịp thời những vướng mắc, phát sinh tại cơ sở...
Với những doanh nghiệp, tổ chức có thuê mướn, sử dụng lao động, việc thực hiện QCDC cũng đã được quan tâm triển khai. Nhờ đó đã xây dựng được mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ. Trong năm 2024, trên địa bàn tỉnh không xảy ra cuộc đình công, hiện tượng giãn công, ngừng việc tập thể. Tình hình an ninh trong công nhân được đảm bảo, góp phần nâng cao đời sống, việc làm của người lao động. Quyền lợi của người lao động được người sử dụng lao động quan tâm, giải quyết.
Mặc dù vậy, thực tế hiện nay vẫn còn một bộ phận doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp quy mô nhỏ chưa thật sự quan tâm, tìm hiểu, tổ chức triển khai thực hiện đầy đủ quy định về pháp luật lao động, BHXH, QCDC ở cơ sở. Do đó, việc tiếp tục củng cố, đẩy mạnh thực hiện QCDC tại các doanh nghiệp ngoài nhà nước cần được các cấp, các ngành quan tâm hơn trong thời gian tới.
Thu Nguyệt
Liên kết website
Ý kiến ()