Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 15:23 (GMT +7)
Phát huy quy chế dân chủ trong thực hiện chính sách an sinh xã hội
Thứ 3, 26/09/2023 | 14:40:50 [GMT +7] A A
Những năm qua, công tác an sinh xã hội luôn được Quảng Ninh quan tâm thực hiện. Để đảm bảo sự minh bạch, công bằng trong thực hiện những chính sách về hoạt động này, quy chế dân chủ ở cơ sở đã được phát huy.
Cấp ủy, chính quyền cơ sở luôn quan tâm mở rộng dân chủ, tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân tham gia bàn, thảo luận và trực tiếp quyết định về chủ trương, mức đóng góp trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi trong xây dựng nông thôn mới, bình chọn các đối tượng được hưởng chính sách xã hội... thông qua cuộc họp cử tri, hoặc cử tri đại diện hộ gia đình tại các thôn, bản, khu phố.
Các cuộc họp luôn đảm bảo công khai, thảo luận dân chủ, kết hợp với thuyết phục, vận động, tạo được sự thống nhất cao của nhân dân. Cùng với đó, các chính sách về an sinh xã hội, các khoản thu phí, lệ phí, quy định về TTHC, giải quyết những công việc liên quan đến người dân, vay vốn ưu đãi… đều được niêm yết công khai tại trụ sở UBND xã, nhà văn hóa thôn, bản, khu phố và phổ biến tại cuộc họp tổ dân, khu phố, qua nhóm zalo...
Thông qua đó, tỉnh và các địa phương triển khai đầy dủ, đồng bộ chế độ, chính sách đối với gia đình chính sách, người có công, người nghèo, đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo. Dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, tỉnh đã tặng, trợ cấp 345.539 suất quà; tỉnh cũng tổ chức tốt các hoạt động Tết Thiếu nhi 1/6, ngày Người cao tuổi… Tổng chi an sinh xã hội của tỉnh 9 tháng năm 2023 khoảng 1.037 tỷ đồng, tăng 81% so với cùng kỳ năm 2022.
Cùng với đó, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2031/QĐ-UBND ngày 21/7/2023 phê duyệt Đề án hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh. Theo đó trên địa bàn tỉnh có 1.450 hộ gia đình người có công được hỗ trợ, gồm 584 hộ xây mới và 866 hộ cải tạo, sửa chữa; tổng kinh phí thực hiện từ ngân sách là 81.766,8 triệu đồng. Danh sách các hộ này đều được thôn, bản, khu phố tổ chức lấy ý kiến của người dân.
Đồng thời, UBND tỉnh cũng ban hành Kế hoạch số 135/KH-UBND ngày 19/5/2023 về triển khai thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh năm 2023. Đến nay đã triển khai xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 258/260 hộ. Tỉnh chỉ đạo tổ chức phát động đợt cao điểm ủng hộ chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát mới phát sinh trên địa bàn tỉnh, hoàn thành trong tháng 9/2023.
Quảng Ninh đã hoàn thành trước 3 năm Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 theo tiêu chí của Trung ương và triển khai áp dụng Nghị quyết số 12/2023/NQ-HĐND ngày 30/3/2023 của HĐND tỉnh quy định chuẩn nghèo đa chiều áp dụng trên địa bàn Quảng Ninh giai đoạn 2023-2025, cao hơn mức chuẩn nghèo theo quy định của Trung ương.
Các chính sách về đào tạo nghề, giải quyết việc làm cũng được phổ biến đến tận thôn, bản, khu phố trên địa bàn. Trong 6 tháng đầu năm, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã phối hợp cùng các địa phương tổ chức 16 phiên giao dịch việc làm định kỳ và lưu động; kết nối sàn giao dịch việc làm online với 8 tỉnh, thành khu vực phía Bắc; phối hợp tổ chức 2 ngày hội việc làm và xuất khẩu lao động tại TX Quảng Yên. Thực hiện tư vấn về học nghề, việc làm, tuyển dụng lao động cho 320 người lao động; 9 tháng năm 2023, số lao động được tạo việc làm tăng thêm trên địa bàn tỉnh là gần 19.370 người.
Các địa phương còn thông báo đến các hộ dân về đối tượng thuộc diện tiếp nhận, quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng, trợ giúp tập trung tại Trung tâm Bảo trợ xã hội và Cơ sở Bảo trợ, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt (Sở LĐ-TB&XH); qua đó kịp thời giúp đỡ những trường hợp khó khăn. Hiện Trung tâm Bảo trợ xã hội đang quản lý 150 đối tượng.
Công tác giáo dục đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân tiếp tục được tỉnh đầu tư. Các địa phương đang rà soát quỹ đất phục vụ cho sự phát triển giáo dục đào tạo, văn hóa, thể thao giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 đến từng thôn, bản, khu phố; phấn đấu trong năm 2023, mỗi huyện có ít nhất 1 trường học công lập ở mỗi cấp học giáo dục phổ thông, mỗi thành phố, thị xã có 1 trường THPT công lập theo tiêu chí chất lượng cao. Hiện tỷ lệ trường chuẩn quốc gia trên địa bàn tỉnh đạt 89,19%.
Với việc thu hút lớn các nhà đầu tư vào địa bàn, dự kiến thời gian tới, công tác GPMB trong toàn tỉnh cũng diễn ra nhiều hơn, ảnh hưởng đến đời sống người dân. Để đảm bảo ổn định cuộc sống người dân, tỉnh đã ban hành kế hoạch chuẩn bị 50.000 suất tái định cư phục vụ công tác GPMB, thu hồi đất giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn.
Việc đảm bảo quy chế dân chủ trong thực hiện chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh đã góp phần củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, chính quyền các cấp trên địa bàn; từ đó cùng đồng lòng góp sức xây dựng Quảng Ninh ngày càng giàu mạnh.
Thu Nguyệt
Liên kết website
Ý kiến ()