Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 15:56 (GMT +7)
Đẩy mạnh thực thi pháp luật về PCCC
Thứ 5, 25/05/2023 | 07:17:41 [GMT +7] A A
Với phương châm phòng ngừa là chính, tỉnh Quảng Ninh đã chủ động, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, triển khai nhiều giải pháp, nhằm nâng cao hiệu quả công tác PCCC trên địa bàn.
Theo đó, tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Luật PCCC; triển khai đồng bộ các giải pháp, chú trọng công tác tuyên truyền, quy hoạch hạ tầng PCCC, xây dựng lực lượng, tăng cường quản lý nhà nước PCCC&CNCH; kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực PCCC...
Các sở, ngành, địa phương quan tâm chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền, đổi mới nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật và kiến thức, kỹ năng về PCCC&CNCH. Phong trào toàn dân tham gia công tác PCCC&CNCH phát triển mạnh. Chú trọng củng cố tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động của các lực lượng PCCC ở địa bàn, cơ sở với phương châm "4 tại chỗ". Cùng với đó, trên địa bàn toàn tỉnh đang duy trì hơn 400 mô hình trong phong trào toàn dân PCCC&CNCH. Nổi bật là các mô hình: Tàu du lịch tự quản an toàn PCCC trên Vịnh Hạ Long; cụm doanh nghiệp an toàn PCCC tại KCN Cái Lân và KCN Cảng biển Hải Hà; đội PCCC cơ sở “3 chủ động, 3 sẵn sàng” trong các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam; khu dân cư an toàn PCCC (đã được xây dựng tại 189 khu dân cư trên địa bàn 177/177 xã, phường thị trấn)...
Qua triển khai xây dựng và duy trì hoạt động các mô hình đã mang lại hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị, cơ sở trong công tác PCCC; ý thức, trách nhiệm trong công tác PCCC của nhân dân, người lao động, học sinh, sinh viên từng bước được nâng lên; được trang bị các kiến thức, kỹ năng cơ bản về PCCC&CNCH.
Trong quản lý nhà nước, việc thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC được khắc phục, nhất là sau khi Nghị định số 136/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành. Công an tỉnh đã ký kết kế hoạch phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Công Thương, Ban Quản lý KKT tỉnh thực hiện công tác quản lý nhà nước về PCCC trong đầu tư xây dựng. Đến nay các sở, ban, ngành và UBND các địa phương đã có sự phối hợp rất chặt chẽ trong việc hướng dẫn, đôn đốc chủ đầu tư các dự án thực hiện những quy định của pháp luật về PCCC trong đầu tư xây dựng (từ khâu quy hoạch xây dựng, thẩm định thiết kế, cấp phép xây dựng, đến nghiệm thu đưa vào hoạt động).
Giai đoạn 2013-2022, Công an tỉnh đã cấp 2.565 giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế về PCCC; ban hành 1.445 văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về PCCC...
Toàn tỉnh hiện có 1.452 đội dân phòng với 14.932 đội viên, bảo đảm 100% thôn, bản khu phố có lực lượng dân phòng; có 65 đội PCCC chuyên ngành với 1.594 đội viên; 8.061 đội PCCC cơ sở với 34.627 đội viên. Giai đoạn 2013-2022, lực lượng chức năng thực hiện gần 74.000 cuộc kiểm tra, 66 cuộc thanh tra về an toàn PCCC; xử phạt vi phạm hành chính đối với 5.519 trường hợp vi phạm quy định về PCCC. |
Sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của tỉnh và lực lượng chức năng đã huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, cùng sự vào cuộc của các cấp, ngành, đoàn thể, công tác PCCC&CNCH trên địa bàn tỉnh được giữ vững, tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, số vụ cháy được kéo giảm so với những năm trước, không xảy ra các vụ cháy phức tạp.
Tuy nhiên bên cạnh kết quả đạt được, Quảng Ninh cũng thẳng thắn nhìn nhận công tác PCCC trên địa bàn vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Mặc dù số vụ cháy giảm nhưng thiệt hại do cháy gây ra lại tăng; tiến độ triển khai thực hiện Nghị quyết số 32/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về việc xử lý các cơ sở không bảo đảm yêu cầu về PCCC được đưa vào hoạt động trước khi Luật PCCC năm 2001 còn rất chậm; công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của UBND các cấp đối với PCCC&CNCH còn hạn chế, chủ yếu mới dừng ở việc ban hành văn bản chỉ đạo, chưa trực tiếp kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện; nguy cơ xảy ra cháy nổ tại khu dân cư, chợ, trung tâm thương mại, cơ sở sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, tàu du lịch còn tiềm ẩn; việc triển khai các giải pháp khắc phục nguồn nước phục vụ công tác chữa cháy chưa quyết liệt...
Qua đợt rà soát, kiểm tra an toàn PCCC, từ ngày 15/10/2022 đến 15/12/2022, trên địa bàn tỉnh hiện có 328 công trình còn tồn tại, vi phạm chưa được nghiệm thu về PCCC đã đưa vào sử dụng (trong đó có 217 công trình là trường học và trụ sở cơ quan nhà nước). Lực lượng chức năng đã tiến hành đình chỉ hoạt động đối với 87 công trình, xử phạt vi phạm hành chính đối với 37 công trình, phạt tiền 2,34 tỷ đồng. Đến nay, 1 công trình đã khắc phục xong vi phạm; 22 công trình đã có văn bản thông báo dừng hoạt động để khắc phục tồn tại, vi phạm về PCCC.
Việc khắc phục tồn tại, xử lý vi phạm tại các cơ sở này đang gặp khó, do một số cơ sở, công trình thuộc sự quản lý của nhà nước như trụ sở huyện ủy, UBND huyện, các trường học... chưa bố trí ngay được kinh phí để triển khai khắc phục (phải phụ thuộc vào việc bố trí nguồn vốn và quy trình thực hiện đầu tư); đa số đơn vị quản lý hiện tại chỉ là đơn vị thụ hưởng, sử dụng, đơn vị thực hiện dự án đầu tư là các ban quản lý dự án, một số đã bị giải thể hoặc sáp nhập; nhiều công trình đã được bàn giao đưa vào sử dụng từ lâu; khi bị đình chỉ hoạt động sẽ ảnh hưởng đến an sinh xã hội.
Tại hội nghị chuyên đề về công tác PCCC được tổ chức ngày 29/3/2023, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành phối hợp đưa ra biện pháp xử lý dứt điểm tồn tại, vi phạm đối với 327 công trình này; kiên quyết tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động đối với các công trình chây ì, không triển khai khắc phục điều kiện an toàn PCCC. Đối với các công trình do nhà nước làm chủ đầu tư, UBND tỉnh đã yêu cầu các sở, ngành chủ quản, UBND cấp huyện xây dựng lộ trình, bố trí vốn để triển khai thực hiện trong thời gian sớm nhất.
Nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác PCCC&CNCH, tỉnh cũng yêu cầu các sở, ngành, đơn vị, địa phương tiếp tục quán triệt sâu sắc với quan điểm chỉ đạo, phải xác định lấy phòng là chính, trọng tâm; phải huy động mọi nguồn lực, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, làm tốt công tác phòng ngừa, hạn chế nguy cơ xảy ra cháy, nổ. Siết chặt, tăng cường công tác quản lý nhà nước về PCCC; tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm minh, khách quan, minh bạch và công khai kết quả xử lý đối với các hành vi vi phạm về PCCC theo tinh thần thượng tôn pháp luật, không có ngoại lệ. Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị, địa phương trong PCCC&CNCH, đặc biệt là tại các địa bàn trọng điểm, rủi ro và có nguy cơ xảy ra cháy, nổ cao.
Cùng với đó, tiếp tục quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn, nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng về PCCC&CNCH cho lực lượng chức năng, cộng đồng dân cư, đảm bảo trang bị đầy đủ kiến thức “phòng” đến mọi đối tượng, đồng thời tập trung trang bị kiến thức, kỹ năng “chữa” cho những người có đủ năng lực hành vi; thực hiện chuyển đổi số toàn diện, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào công tác quản lý nhà nước về PCCC&CNCH... Mục tiêu đến hết năm 2023 phải kiềm chế tình hình cháy, nổ so với năm 2022 trên tất cả các tiêu chí (giảm về số vụ, thiệt hại về số người chết, người bị thương, tài sản, diện tích rừng bị cháy).
Thanh Hoa
- Đảm bảo phòng cháy chữa cháy tại chợ truyền thống
- Thủ tướng yêu cầu tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng
- Thực tập phòng cháy chữa cháy tại TP Cẩm Phả
- UBND tỉnh đối thoại, tháo gỡ khó khăn với cộng đồng doanh nghiệp trong công tác phòng cháy chữa cháy
- Tháo gỡ bất cập trong quy định về phòng cháy, chữa cháy
Liên kết website
Ý kiến ()