Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 08:16 (GMT +7)
Đẩy mạnh ứng dụng KHCN vào sản xuất
Thứ 2, 17/04/2023 | 07:38:44 [GMT +7] A A
Việc ứng dụng KHCN vào sản xuất là xu thế tất yếu. Do đó, các đơn vị trên địa bàn Quảng Ninh đang tích cực đẩy mạnh ứng dụng KHCN để nâng cao tính cạnh tranh, gia tăng giá trị sản phẩm, thúc đẩy tiêu thụ, từ đó phát triển ổn định, giải quyết việc làm cho lao động, đóng góp cho KT-XH địa phương.
Nhận thấy tiềm năng, lợi thế, giá trị của nguồn nguyên liệu trà hoa vàng, năm 2021, HTX Chế biến và tiêu thụ nông sản Tiên Yên đã đầu tư nhà xưởng, máy móc, thiết bị chế biến trà hoa vàng. Toàn bộ nguyên liệu chế biến được HTX thu mua của người dân xã Hà Lâu (huyện Tiên Yên), nhờ đó giải quyết đầu ra cho nông dân.
Đặc biệt, thay vì sử dụng phương pháp phơi thủ công, sau đó sấy nóng qua hệ thống máy móc làm mất mùi thơm, màu sắc, dinh dưỡng của hoa trà, HTX đã chuyển sang công nghệ sấy lạnh ở nhiệt độ -57 đến -62 độ C. Qua đó, hoa trà giữ được màu sắc vàng tươi, vị đậm, người tiêu dùng đánh giá cao.
Cùng với đó, HTX cũng nghiên cứu chế biến nguyên liệu trà hoa vàng thành nhiều dòng sản phẩm khác nhau, với mẫu mã bắt mắt, kiểu dáng phong phú, như trà túi lọc, trà bông… đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Đồng thời, chú trọng xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, tạo kênh phân phối. Hiện sản phẩm trà hoa vàng của HTX Chế biến và tiêu thụ nông sản Tiên Yên đang tham gia chu trình OCOP.
Bà Lê Thị Bích Hạnh, Giám đốc HTX Chế biến và tiêu thụ nông sản Tiên Yên, cho biết: Sản xuất nông nghiệp đòi hỏi phải thường xuyên đổi mới, tích cực, chủ động áp dụng KHCN vào sản xuất thì mới tạo ra sức cạnh tranh trên thị trường, giảm thiểu chi phí sản xuất, tăng giá trị của sản phẩm. Thời gian tới, HTX Chế biến và tiêu thụ nông sản Tiên Yên tiếp tục nghiên cứu đầu tư máy móc chế biến đa dạng các dòng sản phẩm từ trà hoa vàng.
Với lợi thế là địa phương có các vùng sản xuất tập trung, từ đầu năm 2022, TX Đông Triều là địa phương đầu tiên của tỉnh đã chính thức đưa vào sử dụng trạm giám sát sâu rầy thông minh tại xã Hưng Đạo. Với tính năng tự động nhận diện, hệ thống này có thể thống kê số lượng, mật độ, các chủng loại sâu rầy, đồng thời tự động đưa ra các cảnh báo và dự báo sâu rầy thông qua phần mềm quản lý trung tâm SaaS. Từ đó, giúp cơ quan quản lý nhà nước kịp thời khuyến cáo các tổ chức và cá nhân trên địa bàn phòng trừ sâu bệnh kịp thời.
Song hành với đó, Đông Triều cũng đưa vào sử dụng 2 thiết bị bay không người lái để phun thuốc trừ sâu. Thiết bị này có năng suất rất cao, mỗi ngày có thể phun được 70-80ha cây trồng các loại, giúp nông dân tiết kiệm đến 20% chi phí cho thuốc trừ sâu, 90% lượng nước và quan trọng hơn là bảo vệ sức khỏe cho nông dân.
Nhằm đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, khai thác thế mạnh địa phương, nâng cao giá trị sản phẩm, nhất là các giống thủy sản chủ lực của địa phương, năm 2019, Công ty CP Đầu tư và Phát triển KHCN Quảng Ninh đã đi tiên phong trong việc triển khai công nghệ nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh 2 giai đoạn ít thay nước theo công nghệ của Công ty Trúc Anh tại huyện Đầm Hà. Đây là một trong số những công nghệ nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh đã khẳng định hiệu quả, uy tín, chất lượng trong cả nước.
Tôm nuôi bằng công nghệ này sau thời gian nuôi 65-80 ngày cho trọng lượng tôm đạt 40-60 con/kg, tỷ lệ sống đạt 90-95%, năng suất 30-40 tấn/ha. Mỗi năm có thể nuôi được 4-5 vụ. Đặc biệt, toàn bộ quá trình ương, nuôi tôm theo công nghệ này đều được sử dụng kết hợp chế phẩm sinh học, nên tôm thu hoạch không chứa kháng sinh, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, mang lại hiệu quả kinh tế cao, giảm chi phí, giảm rủi ro.
Theo đại diện doanh nghiệp, kết quả bước đầu của dự án chuyển giao công nghệ nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh 2 giai đoạn ít thay nước từ Công ty Trúc Anh phù hợp về trình độ kỹ thuật, mức độ đầu tư, điều kiện thổ nhưỡng tại Quảng Ninh. Dự án kết thúc vào tháng 5/2023 sẽ tạo ra một hướng đi mới cho việc nuôi tôm tại Quảng Ninh, khắc phục tối đa những yếu tố bất lợi, nâng cao giá trị sản phẩm, thúc đẩy ngành thủy sản phát triển bền vững, đóng góp tích cực cho KT-XH địa phương
Cao Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()