Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 25/11/2024 07:09 (GMT +7)
Dấu ấn tốt đẹp từ cuộc thi KHKT cấp quốc gia tại Quảng Ninh
Thứ 6, 24/03/2023 | 21:44:09 [GMT +7] A A
Sau 3 ngày thi (22-24/3) hồi hộp, nhiều cảm xúc, cuộc thi Khoa học kỹ thuật (KHKT) cấp quốc gia học sinh trung học lần thứ 11, năm học 2022-2023 do Bộ GD&ĐT phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức đã thành công tốt đẹp.
Với các sản phẩm, dự án được đầu tư, chuẩn bị kỳ công, chu đáo từ các thí sinh trong cả nước, cuộc thi được đánh giá cao về chất lượng. Đây thật sự đã trở thành sân chơi khoa học uy tín của học sinh và có ý nghĩa quan trọng đối với hoạt động dạy và học trong các nhà trường, khuyến khích vận dụng kiến thức của các môn học vào giải quyết những vấn đề thực tiễn.
Công tác tổ chức chu đáo, hiệu quả
Có mặt tại Cung Quy hoạch-Hội chợ và Triển lãm tỉnh trong suốt các ngày thi, chúng tôi cảm nhận rõ bầu không khí sôi nổi, rộn ràng, náo nhiệt, tâm huyết, nghiêm túc của cuộc thi KHKT cấp quốc gia học sinh trung học lần thứ 11. Trong suốt 3 ngày qua, công tác đảm bảo an toàn, các quy trình luôn được tỉnh phối hợp thực hiện rất tốt, tạo thiện cảm đối với các thí sinh, giáo viên hướng dẫn đoàn. Thí sinh tham gia thi trong điều kiện an toàn, nghiêm túc, thuận lợi, đảm bảo công bằng, khách quan.
Đặc biệt, bên ngoài và trong khu vực thi, lực lượng CSGT, an ninh khu vực được điều động tăng cường để giám sát, bảo vệ sự an toàn cho ban giám khảo, các thí sinh. Đồng thời, lực lượng này cũng hỗ trợ phân luồng giao thông quanh khu vực thi nhằm tránh ách tắc và đảm bảo cho thí sinh, giáo viên, đoàn dự thi đảm bảo đúng giờ.
Trong các ngày thi KHKT cấp quốc gia, thời tiết ở TP Hạ Long nắng ráo, mát mẻ, thuận lợi cho các thí sinh. Hầu hết các đoàn dự thi, các thí sinh được sự đồng hành bởi giáo viên, phụ huynh, người thân nên tâm lý vững vàng.
Ngô Sĩ Hoàng An, Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn, tỉnh Ninh Thuận, chia sẻ: Em tham gia Cuộc thi với tâm lý rất thoải mái. Các thầy cô đồng hành nên em rất yên tâm, thể hiện tốt trong khi thi.
Kim Nhật Anh, Trường THCS Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc nói: Trong suốt cả 3 ngày thi, em thấy công tác tổ chức của tỉnh Quảng Ninh rất tốt, chu đáo. Cung Quy hoạch-Hội trợ và Triển lãm tỉnh nơi chúng em dự thi rất rộng, đẹp, hiện đại. Ngoài tham gia thi em còn được tìm hiểu, biết thêm nhiều về ngành giáo dục của Quảng Ninh và con người, địa danh nơi đây. Sau Cuộc thi này em rất muốn đến TP Hạ Long thêm nhiều lần nữa.
Nhiều dự án chất lượng cao
Theo đánh giá của Ban Tổ chức, 143 dự án tham dự cuộc thi năm nay đều được đầu tư nghiêm túc, có chất lượng cao. Trong đó, 117 dự án thuộc các lĩnh vực khoa học tự nhiên-công nghệ đã tập trung nêu ý tưởng giải quyết những vấn đề thiết thực đặt ra từ cuộc sống. Những vấn đề toàn cầu, từ lĩnh vực y sinh, bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, cơ khí, kĩ thuật cho đến khoa học về thiên văn, vũ trụ, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo đều được học sinh Việt Nam quan tâm, thể hiện trong sản phẩm dự thi.
Bên cạnh đó, 26 dự án thuộc lĩnh vực khoa học xã hội-hành vi đã đưa ra những giải pháp nhằm giải quyết bài toán về nâng cao kỹ năng sống cho học sinh trung học, giải quyết những vấn nạn về bạo lực học đường, xây dựng văn hóa. Điều đó khẳng định học sinh Việt Nam không chỉ chú ý phát triển trí tuệ, mà còn ý thức sâu sắc được trách nhiệm của mình với đất nước và cộng đồng. Đề tài, lĩnh vực, hướng nghiên cứu, các dự án khác nhau nhưng đều có điểm chung là những vấn đề gắn bó chặt chẽ với chương trình giáo dục phổ thông, tạo ra nền tảng tri thức giúp học sinh nghiên cứu khoa học, giải quyết các vấn đề trong thực tiễn.
Đáng chú ý, nhiều dự án được đánh giá bước đầu có tính ứng dụng cao, có thể đưa vào thực tế, như: Dự án "Nghiên cứu và chế tạo máy đóng gói mắm tép", dự án “I-KROBS - Robot phân phối viên nang I-131 cho người bệnh ung thư tuyến giáp, dự án “Nghiên cứu tổng hợp vật liệu polyme từ tinh bột sắn và hydrogel ứng dụng chống cháy”, dự án “Sử dụng QR code hỗ trợ chăm sóc một số loại cây và hoa trên smartphone”…
Sau 3 ngày làm việc với tinh thần nghiêm túc, công tâm, khách quan, Ban Tổ chức Cuộc thi đã trao 11 giải nhất, 16 giải nhì, 19 giải ba, 24 giải tư và 32 giải triển vọng cho các dự án. Các dự án đoạt giải Nhất sẽ được lựa chọn tham gia cuộc thi tham gia Hội thi khoa học, kỹ thuật quốc tế (ISEF).
Lê Thảo Uyên, Trường THPT Chuyên Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang, chia sẻ: Dự án “Nghiên cứu tổng hợp vật liệu polyme từ tinh bột sắn và hydrogel ứng dụng chống cháy” của chúng em vinh dự đạt giải Nhất Cuộc thi KHKT học sinh trung học cấp quốc gia năm nay. Chúng em sẽ tranh thủ thời gian tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện dự án để có thể giành giải đấu trường khoa học, kỹ thuật quốc tế.
Tham dự Cuộc thi năm nay, tỉnh Quảng Ninh vinh dự khi cả 4/4 dự án tham gia đều đoạt giải. Trong đó, có 2 giải Nhì của các em học sinh: Cù Ánh Dương, Bùi Thị Ngọc Linh (Trường THPT Chuyên Hạ Long); Nguyễn Thảo Nguyên, Nguyễn Trà Giang (Trường THPT Chuyên Hạ Long). 2 giải Ba của các em: Đỗ Bảo Chi, Nguyễn Thị Thanh Giang (Trường THPT Chuyên Hạ Long), Lê Đức Anh, Trần Long Hải (Trường THPT Cẩm Phả).
Nguyễn Thảo Nguyên, Trường THPT Chuyên Hạ Long, cho biết: Tham gia cuộc thi năm nay, Dự án quản lý cảm xúc trong tình yêu khác giới và đồng giới ở học sinh THPT của chúng em vinh dự được trao giải Nhì. Kết quả này có được là nhờ sự hướng dẫn tận tình của thầy cô và nhà trường cùng sự quan tâm của gia đình. Cuộc thi này là sân chơi rất bổ ích bởi chúng em được học hỏi, giao lưu, trao đổi với các bạn học sinh trong cả nước về nghiên cứu khoa học. Từ đó, tạo động lực cho chúng em tiếp tục theo đổi niềm đam mê nghiên cứu khoa học.
Ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, Trưởng Ban Chỉ đạo Cuộc thi KHKT cấp quốc gia học sinh trung học năm học 2022-2023, cho biết: Để tiếp tục kế thừa và phát huy hiệu quả cuộc thi và đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học trong các nhà trường, các cấp quản lý giáo dục cần thống nhất nhận thức, coi hoạt động nghiên cứu khoa học trong nhà trường là một trong những con đường thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT. Do đó, các nhà trường, các thầy giáo, cô giáo tiếp tục khuyến khích, động viên, tạo điều kiện để học sinh được phát huy năng khiếu, sở trường của mình từ hoạt động nghiên cứu khoa học, gắn chặt nghiên cứu khoa học với việc thúc đẩy giáo dục STEM, đưa nghiên cứu khoa học đồng hành cùng chủ trương chuyển đổi số và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giáo dục. Tôi hy vọng các trường đại học, học viện, các viện nghiên cứu, các doanh nghiệp sẽ tiếp tục hỗ trợ các cơ sở giáo dục phổ thông tạo môi trường để các ý tưởng sáng tạo được hiện thực hóa, góp phần định hướng nghề nghiệp cho học sinh.
Dù đạt giải hay chưa đạt giải thì khi bước vào cuộc thi này, mỗi thí sinh đều đã là người chiến thắng. Chắc chắn, sau cuộc thi, nhiều cơ hội sẽ mở ra đối với tất cả các em. Niềm đam mê nghiên cứu khoa học sẽ là động lực để mỗi em thêm cố gắng, tạo ra những dự án thiết thực, có ý nghĩa trong cuộc sống.
Lan Anh - Cao Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()