Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 28/11/2024 09:47 (GMT +7)
Dạy thêm, học thêm - đừng từ “hữu” sang “tả”
Chủ nhật, 30/12/2012 | 05:05:44 [GMT +7] A A
Dạy thêm, học thêm (DTHT), xét về bản chất, là một hoạt động tích cực, nhằm thoả mãn nhu cầu mở mang kiến thức của mỗi người. Và vì thế, việc DTHT, cho dù có thu tiền hay không, thì vẫn không thể coi là hoạt động sai trái được. Điều đó thì ai cũng công nhận!
Thế nhưng vì sao DTHT những năm gần đây lại trở thành “vấn nạn” của xã hội? Ấy là bởi DTHT đã bị “biến tướng” vì nhiều lý do. Có lý do thuộc về phía người dạy, có lý do thuộc về phía người học. Nhưng theo thiển nghĩ của chúng tôi, “cái gốc” của mọi sự “biến tướng” của DTHT chung quy vẫn chỉ là do tâm lý đối phó (xin tạm gọi như thế) trong giáo dục hiện nay. Nhà trường muốn đạt tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp cao (trong khi thực chất trình độ các em chưa tới mức ấy) thì tổ chức DTHT theo lối “ăn đong”, nói cách khác là chỉ nhằm đối phó với kỳ thi trước mắt. Cái “tâm lý đối phó” này của người dạy lại đáp ứng được “tâm lý đối phó” của người học nên tạo ra sự thống nhất ý chí trong quan hệ Cung và Cầu của hai bên. (Vì thế, không có gì khó hiểu khi giáo viên nào, lò luyện thi nào có kinh nghiệm dạy “đúng tủ” nhất thì sẽ “đắt hàng” nhất trong DTHT…).
Ấy là mới nói tới một dạng “biến tướng” phổ biến nhất, là dạng DTHT được coi là “tự nguyện”, là có sự thoả thuận giữa hai bên, người dạy và người học... Từ dạng DTHT “biến tướng” này lại đẻ ra nhiều dạng tiêu cực khác trong DTHT như ép buộc học sinh học thêm, DTHT với mức học phí cao quá đáng v.v.. và v.v.. Chỉ có điều, như đã nói ở trên, mọi sự “biến tướng” của DTHT đều xuất phát từ sự “đối phó”, khi cả người học và người dạy đều muốn đạt được thành tích trong giáo dục một cách không thực chất!
Nhưng vì sao những “biến tướng” của DTHT lại ngày một nghiêm trọng hơn? Câu trả lời không gì khác ngoài sự lơi lỏng trong công tác quản lý kéo dài suốt nhiều năm trong lĩnh vực này. Tình trạng DTHT tràn lan, rồi các lò luyện thi, của các trường cũng có, của tư nhân cũng có, mọc lên như nấm mà chẳng cần bất cứ thủ tục hay giấy phép nào v.v.. chính là minh chứng cho điều đó. Và vì thế, việc cần phải chấn chỉnh quản lý DTHT hiện nay là tất yếu, là cần thiết. Tuy nhiên, trong vấn đề này, thiết nghĩ, cần thận trọng, đừng từ “Hữu” sang “Tả”… Chấn chỉnh DTHT là nhằm ngăn ngừa những “biến tướng” của nó chứ không phải nhằm loại trừ nó. Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT về DTHT cũng đã nhấn mạnh điều đó. Điều này cần được quán triệt không chỉ trong ngành giáo dục mà cả với mọi cấp, mọi ngành và cộng đồng. Mục tiêu là làm sao để mọi người đều nhận thức, phân biệt được đâu là DTHT chính đáng, đâu là DTHT “biến tướng”, từ đó có thái độ kiên quyết chấn chỉnh, đưa DTHT vào đúng “quỹ đạo” của nó. Chỉ khi có được điều đó thì những “biến tướng” của DTHT mới không có “đất sống”. Bởi không có “Cầu” thì ắt sẽ chẳng có “Cung”…
Trung Luận
Liên kết website
Ý kiến ()