Tất cả chuyên mục

Bản đồ tư duy (BĐTD) thực chất là sự kế thừa và nâng cao phương pháp dạy học bằng sơ đồ truyền thống. Đây được coi là công cụ ghi chú tối ưu do Tony Buzan khởi xướng. Nếu như phương pháp ghi chú truyền thống chỉ lấy “chữ” làm phương tiện biểu hiện theo một trật tự nhất định (thường là từ trên xuống dưới, từ trái sang phải) thì BĐTD sử dụng cả đường nét, hình vẽ, màu sắc… lại được người sử dụng thiết kế hoàn toàn theo sở thích cá nhân của họ. Do đó, thông tin bài học sẽ được khắc sâu trong trí nhớ và nhớ được lâu hơn.
![]() |
Bản đồ tư duy được ứng dụng trong một bài học của môn Tiếng Việt. |
Việc ứng dụng bản đồ tư duy vào dạy học đã được các nước trên thế giới triển khai từ hàng chục năm trước nhưng ở Việt Nam thì phương pháp này vẫn còn khá mới mẻ. Năm 2010, Bộ GD-ĐT bắt đầu triển khai thí điểm ứng dụng BĐTD trong dạy và học tại 355 trường trên toàn quốc, trong đó có Quảng Ninh. Theo đó, những giáo viên chủ chốt ở các tổ bộ môn của các trường THCS, THPT trên địa bàn được tham dự đợt tập huấn do Sở GD-ĐT tổ chức. Tuy nhiên, phải bước sang năm học 2011-2012, việc ứng dụng BĐTD trong dạy và học mới được triển khai một cách rộng rãi; thường xuyên được đánh giá thông qua dự giờ, các kỳ thao giảng, thi giáo viên giỏi... Đến nay, một số trường đã bắt đầu xây dựng bộ sản phẩm BĐTD theo khối lớp, theo tổ bộ môn để làm kho tư liệu.
Để chuẩn bị cho một tiết học bằng BĐTD không quá phức tạp vì vật liệu làm bản đồ khá đơn giản, như: Giấy vở học sinh, giấy khổ A3, A4, bìa các tông, bảng phụ, bảng lớn, hiện đại hơn là trình chiếu powerpoint hoặc sử dụng các phần mềm chuyên dụng. Bất kỳ một giáo viên nào, kể cả những người có trình độ CNTT hạn chế cũng có thể làm được. BĐTD không chỉ giúp bài học được hệ thống một cách logic, dễ hiểu, dễ nhớ mà còn tạo được không khí sôi nổi trong lớp học, nâng cao tính tương tác giữa thầy và trò. Cô giáo Trần Thương, tổ bộ môn Văn, Trường THCS Trần Quốc Toản (TP Hạ Long), cho biết: “Những tiết học áp dụng phương pháp BĐTD đều khiến học sinh của tôi rất hào hứng vì các em được hoạt động nhóm tích cực, việc học trở nên nhẹ nhàng như chơi một trò chơi tiếp sức vậy. Ví dụ, học về phép tu từ so sánh, các em học sinh được lên bảng trình bày bằng cách vẽ nhánh lớn: Khái niệm, đặc điểm…, nối tiếp những nhánh lớn là các nhánh nhỏ tương đương với các ý. Cứ thế, các em có thể thảo luận, thay đổi, bổ sung cho nhau một cách linh hoạt để có một bản đồ tư duy bài học hoàn chỉnh”.
Cô Thương còn cho biết thêm: “Đối với phương pháp này, giáo viên chỉ là người khơi gợi, đánh giá và chốt lại nội dung, còn các em học sinh mới thực sự là những người chủ động, sáng tạo trong việc thể hiện kiến thức mà mình nắm bắt được. Chính vì thế, phương pháp BĐTD còn góp phần rèn luyện kỹ năng sống cho các em, cụ thể như: Kỹ năng tìm kiếm sự hỗ trợ, sự tự tin, khả năng lắng nghe, thương lượng, hợp tác, tư duy sáng tạo, quản lý thời gian…”. Không chỉ áp dụng trên lớp, nhiều học sinh còn thực hành phương pháp ghi nhớ bằng BĐTD trong thời gian học tập ở nhà. Em Võ Hiểu Linh, học sinh lớp 6A, Trường THCS Trọng Điểm (TP Hạ Long), chia sẻ: “Em bắt đầu biết phương pháp học bằng bản đồ tư duy từ những năm cấp 1 thông qua cuốn sách “Tôi tài giỏi, bạn cũng thế!” của tác giả Amdam Khoo. Em thấy đây là một phương pháp học rất hay vì nó rất ngắn gọn, bao hàm được nhiều kiến thức. Nhờ các từ khoá và những hình ảnh sinh động do mình vẽ ra để liên tưởng nên rất dễ nhớ. Bây giờ, sau mỗi bài học ở nhà, em đều dành 15-20 phút để hệ thống lại kiến thức bằng bản đồ tư duy để học thuộc bài cũ và nắm chắc kiến thức”.
Vận dụng phương pháp dạy học bằng BĐTD vào việc dạy và học các môn học trong nhà trường là một trong những cách thực hiện nhằm đổi mới phương pháp dạy học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Tuy nhiên, vẫn còn không ít giáo viên “ngại” thay đổi phương pháp giảng dạy hoặc nếu có thì chỉ áp dụng một cách miễn cưỡng, hình thức, có người lại quá lạm dụng phương pháp này làm giảm hiệu quả bài giảng. BĐTD dù sao cũng chỉ là một trong nhiều phương pháp giảng dạy và nó cần được thực hiện song song, kết hợp linh hoạt với những phương pháp khác để mang lại kết quả cao nhất. Đó mới chính là đổi mới phương pháp giảng dạy hiệu quả.
Phương Thuý
Ý kiến ()