Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 13:12 (GMT +7)
ĐBQH tỉnh Quảng Ninh tham gia thảo luận về dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt
Thứ 5, 23/11/2017 | 08:26:09 [GMT +7] A A
Chiều 22/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Đoàn ĐBQH tỉnh có đại biểu Đỗ Thị Lan, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu và đại biểu Trần Văn Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tham gia.
Đại biểu Đỗ Thị Lan phát biểu: Xây dựng đơn vị Hành chính kinh tế đặc biệt, thu hút nguồn lực đầu tư, khai thác có hiệu quả tiềm năng lợi thế, phát triển kinh tế vùng và Quốc gia là chủ trương lớn của Đảng và phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế thế giới. Đại biểu tham gia một số nội dung:
Đại biểu Đỗ Thị Lan, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh phát biểu tại hội trường. |
Thứ nhất: Về Quá trình nghiên cứu, tên gọi và phạm vi điều chỉnh của luật: Qua nghiên cứu Hồ sơ Dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt của Chính phủ, 3 đề án thành lập Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc, cho thấy: Đã bám sát chủ trương định hướng của Đảng và chỉ đạo của Chính phủ. Những chủ trương, định hướng lớn, nhất quán của Đảng tại Kết luận số 21 của Bộ Chính trị, quy định của Hiến pháp và Nghị quyết của Quốc hội, đã cơ bản được cụ thể hóa trong dự thảo luật, trong đó: Xây dựng Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt áp dụng chung cho 3 Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc; Tổ chức chính quyền Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt quy định; phương thức quản lý mới tiên tiến. Đại biểu thống nhất tên gọi của luật là Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) và Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), thống nhất quy định phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật.
Thứ hai: Về tổ chức chính quyền địa phương Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (Điều 38): đưa ra 2 phương án, phương án 1 quy định: Chính quyền địa phương là thiết chế trưởng Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt có các cơ quan chuyên môn và các Khu hành chính trực thuộc. Đại biểu đề nghị thực hiện phương án này vì một số lý do sau đây: (1) Có sự đổi mới về thể chế hành chính và tổ chức chính quyền địa phương, bộ máy và nhân lực tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với tính chất đặc biệt của Đơn vị hành chính - kinh tế. (2) Đúng định hướng của Bộ Chính trị: đẩy mạnh phân cấp phân quyền tạo sự chủ động, phương thức quản lý tiên tiến; đúng quy định của Hiến pháp là chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do luật định; (3) Trưởng Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt được ủy quyền của cấp trung ương và cấp tỉnh tạo sự chủ động thực hiện chức năng quản lý nhà nước, quyết định và giải quyết kịp thời, thông suốt những vấn đề liên quan đến kinh tế - xã hội trên địa bàn, đây là yếu tố quan trọng cải cách thủ tục hành chính để thu hút đầu tư phát triển kinh tế và giải quyết các thủ tục hành chính liên quan người dân. Quản lý nhà nước có mặt theo phương thức quản trị Doanh nghiệp như một số Đặc khu kinh tế trên thế giới đã thực hiện có hiệu quả...
Theo đại biểu, trao quyền gắn với trách nhiệm và chọn đúng người làm Trưởng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt có phẩm chất tốt, có trình độ năng lực và năng động sẽ đáp ứng yêu cầu vận hành phát triển đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt theo chủ trương, pháp luật. Về việc không tổ chức HĐND tại Đơn vị Hành chính - kinh tế đặc biệt, đây là điểm khác biệt, nhưng không làm giảm đi quyền giám sát của cơ quan dân cử và nhân dân: cơ chế giám sát được đảm bảo thông qua nhiều hình thức: giám sát của cấp ủy Đảng; giám sát phản biện của MTTQ các đoàn thể; giám sát của Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh quy định tại Điều 56 và UBND tỉnh giám sát theo Điều 60 của dự thảo luật và trưởng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt tiếp dân hàng tháng và báo cáo thực hiện nhiệm vụ hằng năm với nhân dân. Do vậy cơ chế giám sát trong đó có giám sát quyền lực ở Đơn vị Hành chính - kinh tế đặc biệt vẫn được đảm bảo. Đại biểu đề nghị lựa chọn mô hình tổ chức chính quyền địa phương đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt theo phương án 1. Thực hiện phương án này sẽ quy định cụ thể phương pháp cách thức tổ chức giám sát của cơ quan dân cử sao cho đảm bảo tính đại diện, tính hiệu quả, mà không hình thức, chồng chéo, tránh áp lực cho đơn vị.
Thứ ba: Đại biểu đồng tình về chính sách phát triển kinh tế xã hội: quy định như dự thảo Luật không ưu đãi dàn trải, mà tập trung vào các ngành, nghề ưu tiên phát triển của từng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, thu hút đầu tư vào các lĩnh vực phát triển theo định hướng; ưu đãi đối với các nhà đầu tư chiến lược; các chính sách có sự vượt trội để cạnh tranh với quốc tế, đại biểu thống nhất.
Về chính sách nhà nước hỗ trợ đầu tư: Luật cũng cần quy định cụ thể hơn ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách Đơn vị Hành chính - kinh tế đặc biệt, mức hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách và nguồn thu để lại tại các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt trong thời gian nhất định, để các tỉnh có cơ sở chủ động triển khai đầu tư. Từ kinh nghiệm của đặc khu kinh tế, các nước cho thấy rất cần có nguồn lực hỗ trợ của ngân sách trong những năm đầu để đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu tạo điều kiện thu hút đầu tư và tổ chức hoạt động, và là động lực phát triển đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
Tìm hướng đi đúng khai thác tiềm năng phát triển kinh tế Vân Đồn là trăn trở của lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh; Đề án Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn được nghiên cứu xây dựng hơn 5 năm qua đã tiếp thu chỉ đạo của trung ương, sự tham gia trách nhiệm của các bộ, ngành và sự quan tâm của các tỉnh, thành trong cả nước; có sự tham gia của các đơn vị tư vấn hàng đầu của Mỹ, Nhật Bản. Đề án đã thể hiện trách nhiệm cao và quyết tâm chính trị của tỉnh, ý trí, nguyện vọng của cả hệ thống chính trị và cử tri nhân dân…
Cùng với việc xây dựng đề án, Quảng Ninh đã nỗ lực chuẩn bị các điều kiện tốt nhất với khả năng có thể: Đã xây dựng Quy hoạch phát triển Vân Đồn, đảm bảo phát triển không làm phá vỡ quy hoạch; Quảng Ninh đã tự huy động nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông kết nối (Đường cao tốc Vân Đồn - Hạ Long - Hà Nội - Hải Phòng, Vân Đồn - Móng Cái, Cảng hàng không Quốc tế Vân Đồn, bến cảng và nhiều dự án giao thông kết nối) với tổng số vốn 55.000 tỷ đồng; chủ động xúc tiến đầu tư, đã có nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước đầu tư và tìm hiểu ký kết ghi nhớ, khi chính sách được ban hành và đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt được thành lập sẽ vào đầu tư với số vốn đầu tư 60 nghìn tỷ đồng; đã có nhà đầu tư chiến lược Sungrup, đầu tư nhiều dự án quy mô lớn tại Vân Đồn và tỉnh Quảng Ninh;....
Tỉnh Quảng Ninh xác định phát triển đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn không chỉ phát triển kinh tế của tỉnh mà còn nhằm phát triển kinh tế vùng và Quốc gia, đây là trách nhiệm của tỉnh góp phần cùng cả nước thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, đề nghị Quốc hội sẽ thông qua Luật và Nghị quyết thành lập Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt tại kỳ họp thứ V, Quốc hội khóa XIV, tạo cơ sở pháp lý để ba tỉnh sớm triển khai phát triển đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, biến cơ hội thành giá trị và đưa chủ trương chính sách pháp luật vào cuộc sống.
Đại biểu Trần Văn Minh đồng ý về sự cần thiết phải ban hành Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt với các lý do như trong tờ trình của Chính phủ và báo cáo của Uỷ ban Pháp luật. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy có nhiều yếu tố để đảm bảo cho sự thành công của Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, đại biểu đề cập đến 2 nội dung chính sau đây:
Thứ nhất: Về tổ chức chính quyền địa phương ở Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt
Dự thảo Luật đề ra 2 phương án: phương án 1 - Không tổ chức HĐND và UBND tại Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt mà thực hiện thiết chế Trưởng Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; phương án 2 - Tổ chức chính quyền địa phương ở Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt gồm có HĐND và UBND.
Đại biểu ủng hộ phương án 1 bởi nó tạo ra sự đột phá về thể chế hành chính và tổ chức chính quyền địa phương. Phương án này đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, như vậy là đúng đắn. Thực tế hệ thống tổ chức bộ máy hiện nay, có tập thể UBND, có HĐND, với đủ bộ máy thanh tra, kiểm tra, giám sát nhưng vẫn có chuyện lạm dụng quyền lực, phát sinh tiêu cực. Không ít trường hợp người đứng đầu lạm quyền dưới vỏ bọc tập thể dẫn đến không thể quy kết được trách nhiệm, họ đã biến tập thể thành chỗ trú an toàn khi đưa ra các quyết định vụ lợi. Cũng một thực tế hiện nay, hoạt động giám sát của HĐND còn gặp khó khăn, nhiều khi hiệu quả không cao. Do vậy, có hình thành HĐND ở Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt thì việc giám sát cũng đầy khó khăn, tính khả thi và hiệu quả không cao. Cùng với thiết chế Trưởng Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, bộ máy và nhân sự ở Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt cũng được tổ chức tinh gọn, hoạt động hiệu quả, sẽ giải quyết thông thoáng, nhanh gọn thủ tục hành chính, đây là yếu tố hết sức quan trọng để thu hút các nhà đầu tư.
Thực tế cũng cho thấy, phát hiện cái mới, dám làm cái mới đều từ cá nhân. Do vậy cần tập trung quyền lực cho cá nhân thì cá nhân mới đủ quyền hạn để thực hiện thành công nhiệm vụ mới đặt ra. Cần tôn trọng thực tế khách quan này nếu muốn làm cái mới thành công.
Bên cạnh đó, việc thực hiện phương án 1 cũng là phù hợp với các Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XII về thử nghiệm đổi mới bộ máy nhà nước, phù hợp với quy định của Hiến pháp. Đại biểu nhất trí với các lý giải của Ủy ban Pháp luật trong Báo cáo thẩm tra về phương án này. Chương IX của Hiến pháp năm 2013 về chính quyền địa phương quy định có độ “mở” để tạo không gian cho cải cách tổ chức bộ máy chính quyền địa phương khi cần thiết. Việc triển khai Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt là cơ hội, cũng là lúc cần thiết, đòi hỏi chúng ta phải mạnh dạn thực hiện việc cải cách, đổi mới tổ chức bộ máy chính quyền ở địa phương.
Ngoài ra, phương án 1còn phù hợp với tên gọi của Luật. Bản thân tên của Luật là Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, đã thể hiện sự đặc biệt không chỉ ở lĩnh vực kinh tế mà còn có cả sự đặc biệt ở lĩnh vực tổ chức bộ máy.
Đại biểu ủng hộ phương án 1, đồng thời hoàn toàn thống nhất với nguyên tắc, khi giao quyền lực, nhất là quyền lực tập trung cho cá nhân thì phải có cơ chế kiểm soát quyền lực phù hợp để tránh lạm quyền. Dự thảo Luật đã quy định kiểm soát quyền lực thông qua: Hoạt động giám sát, chất vất của Đoàn ĐBQH, HĐND tỉnh; Hoạt động giám sát của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân; Sự chỉ đạo, kiểm tra của UBND và Chủ tịch UBND tỉnh; Báo cáo việc thực hiện nhiệm vụ với Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành trung ương có liên quan. Các hình thức giám sát này là phù hợp. Tuy nhiên, các quy định trong dự thảo Luật còn chung chung. Cần làm rõ mối quan hệ công việc, phân định rõ thẩm quyền giải quyết công việc, chế độ báo cáo giữa chính quyền địa phương ở Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt với HĐND, UBND tỉnh, với các cơ quan chuyên môn của tỉnh cũng như của trung ương, với Thủ tướng Chính phủ. Có như vậy mới xác định được rõ trách nhiệm của các bên và qua đó mới thực hiện tốt được việc giám sát; tránh được việc thực hiện giám sát một cách hình thức hoặc giám sát một cách tràn lan, yêu cầu báo cáo quá nhiều (do sợ Trưởng Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt lạm quyền) mà ảnh hưởng lớn đến công tác chỉ đạo điều hành của Trưởng Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
Thứ hai: Về ngân sách Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. (Điều 22).
Khoản 3 có quy định “NSNN để lại toàn bộ số tăng thu nội địa tại địa bàn Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt trong thời gian không quá 10 năm”. Quy định như vậy không có nhiều ý nghĩa thực tiễn bởi yêu cầu của giao dự toán thu ngân sách là phải sát thực tiễn. Như vậy, khi giao dự toán thu ngân sách sát thực tế thì tăng thu ngân sách là rất nhỏ, Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt sẽ được hỗ trợ không đáng kể. Khi giao dự toán thu ngân sách không sát thực tế thì vi phạm nguyên tắc và năm sau sẽ được điều chỉnh ngay. Vì các lý do trên, đại biẻu đề nghị thay quy định này bằng quy định tỷ lệ để lại số thu nội địa phát sinh trên địa bàn Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (Quảng Ninh đề xuất để lại 100% số thu phát sinh nội địa tại Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn; có thể nghiên cứu tùy theo đặc điểm, điều kiện cụ thể của từng Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt mà quy định tỷ lệ để lại số thu nội địa phát sinh trên địa bàn một cách phù hợp).
Khoản 6 quy định “Căn cứ yêu cầu phát triển của từng Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt để xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, công trình bảo vệ môi trường quan trọng của Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Mức hỗ trợ đối với từng Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội quyết định” và Khoản 7 quy định “Hằng năm, Chính phủ trình Quốc hội quyết định hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt”. Quy định như vậy thiếu cụ thể, lại trong bối cảnh NSNN gặp nhiều khó khăn, bội chi, nợ công lớn, nên hiệu quả sẽ không cao. Nếu quyết tâm xây dựng Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và để bảo đảm cho sự thành công (Trường hợp của Thâm Quyến, gần 48% đầu tư tài sản cố định trong năm đầu được tài trợ từ ngồn vốn nhà nước), đề nghị quy định cụ thể mức hỗ trợ, thời gian hỗ trợ để Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt chủ động trong hoạt động đầu tư. Quy định cụ thể cũng sẽ thu hút được đầu tư thông qua việc tăng niềm tin cho các nhà đầu tư khi thấy Nhà nước có trách nhiệm, cùng chung sức bỏ vốn ra đầu tư cho Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
Ngô Sỹ Khảo ( VP Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh)
Liên kết website
Ý kiến ()