Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 04/12/2024 15:24 (GMT +7)
Đề án cải thiện môi trường tỉnh Quảng Ninh:Phấn đấu đi đầu trong Chiến lược tăng trưởng xanh ở Việt Nam
Thứ 5, 29/05/2014 | 14:07:09 [GMT +7] A A
Tại kỳ họp chuyên đề lần này, HĐND tỉnh sẽ thảo luận và quyết nghị về Đề án cải thiện môi trường tỉnh Quảng Ninh. Đây là đề án rất quan trọng bởi sẽ được thực hiện tại tất cả các địa phương trong tỉnh từ nay đến năm 2030, góp phần tích cực vào việc chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” của tỉnh.
Thu gom rác thải trên Vịnh Hạ Long. |
Đề án cải thiện môi trường tỉnh Quảng Ninh do Sở Tài nguyên và Môi trường cùng với Công ty TNHH Nippon Koei xây dựng. Để trình kỳ họp HĐND tỉnh lần này, Đề án đã được lấy ý kiến của nhiều cơ quan, trong đó Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã 2 lần nghe và cho ý kiến chỉ đạo.
Với tổng cộng 91 dự án thành phần được đề xuất thuộc các lĩnh vực quản lý môi trường nước, chất lượng không khí, chất thải rắn, quản lý rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu và giám sát môi trường, Đề án này thực hiện trong phạm vi 14 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh. Đề án xác định mục tiêu đến năm 2020 là: Thực hiện các quy hoạch, kế hoạch, dự án nhằm đưa Quảng Ninh thành tỉnh dẫn đầu thực hiện thành công các chỉ tiêu về bảo vệ môi trường trong khuôn khổ Chiến lược tăng trưởng xanh ở Việt Nam. Và tầm nhìn đến năm 2030 được xác định trong Đề án là: Quảng Ninh có thể chuyển giao thông tin, kinh nghiệm và công nghệ quốc tế về môi trường cho các nước khác.
Để đạt được các mục tiêu tổng thể như trên, Đề án đã đặt ra các mục tiêu cụ thể đến năm 2020. Thứ nhất là xây dựng TP Hạ Long thành điển hình trong bảo vệ môi trường và thực hiện du lịch bền vững; hoàn thiện hệ thống thu gom, xử lý nước thải và quản lý chất thải rắn; phát triển du lịch bền vững như du lịch sinh thái kết hợp với hoạt động nâng cao nhận thức môi trường trong khu rừng ngập mặn; xây dựng đô thị bền vững thông qua đảm bảo diện tích cây xanh tự nhiên, phân loại chất thải rắn, hạn chế các phương tiện giao thông gây khói bụi trong trung tâm thành phố. Thứ hai là tăng cường giá trị môi trường tự nhiên của tỉnh và mạng lưới quản lý tài nguyên thiên nhiên. Thứ ba là giảm nhẹ các tác động môi trường lớn đã được dự đoán thông qua phát triển hệ thống thoát nước và các trạm xử lý nước thải tại các khu vực ưu tiên; hoàn thiện hệ thống quản lý chất thải rắn tại các khu vực ưu tiên; thực hiện đánh giá môi trường chiến lược ở những khu vực bị tác động bởi các hoạt động phát triển quy mô lớn như TX Quảng Yên và huyện Vân Đồn... Thứ tư là phê duyệt kế hoạch thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh tỉnh Quảng Ninh và triển khai xúc tiến giới thiệu Trung tâm tăng trưởng xanh của ASEAN tại Quảng Ninh... Cuối cùng là tăng cường năng lực giám sát và quản lý môi trường cấp tỉnh bằng một loạt các giải pháp cụ thể, trong đó đặt lên hàng đầu là việc thành lập trung tâm giám sát thông tin môi trường trên địa bàn tỉnh.
Đề án cũng đã xác định danh mục dự án ưu tiên cụ thể cho từng giai đoạn. Giai đoạn từ nay đến năm 2015 sẽ ưu tiên các dự án: Tăng cường năng lực quản lý môi trường; tăng cường năng lực về quan trắc chất lượng không khí và quan trắc khí phát thải tại nhà máy bởi chuyên gia quốc tế; nghiên cứu sơ bộ về quản lý chất thải rắn theo vùng; nghiên cứu xây dựng Trung tâm tăng trưởng xanh ASEAN; tăng cường năng lực tổ chức thích ứng với biến đổi khí hậu; rà soát và kiên cố hoá đê sông, đê biển; xây dựng kế hoạch thiết lập Trung tâm GIS vùng. Trong giai đoạn 2015-2020, sẽ ưu tiên tập trung xây dựng hệ thống xử lý nước thải cho TP Hạ Long và các đô thị lớn của tỉnh; cùng một loạt các dự án về quản lý môi trường không khí, quản lý chất thải rắn, quản lý rừng, các dự án về đa dạng sinh học, về biến đổi khí hậu ở các địa phương trong tỉnh. Giai đoạn 2020-2030 sẽ tập trung xây dựng các trạm quan trắc môi trường tự động tại tỉnh.
Đề án xác định tổng nguồn vốn để thực hiện các dự án thành phần khoảng trên 27.000 tỷ đồng. Nguồn vốn để thực hiện lấy từ kinh phí sự nghiệp môi trường tỉnh (dự kiến dành 2% đến 4% tổng chi ngân sách tỉnh để sử dụng cho thực hiện Quy hoạch môi trường tỉnh); sử dụng 100% thuế bảo vệ môi trường và phí bảo vệ môi trường thu được của TP Hạ Long, TX Quảng Yên, huyện Hoành Bồ, TP Cẩm Phả để tập trung thực hiện các dự án trong quy hoạch môi trường Vịnh Hạ Long. Cùng với đó là huy động nguồn kinh phí từ các quỹ tài trợ, ODA; huy động sự tham gia đầu tư từ các doanh nghiệp tư nhân thông qua FDI, BOT hay PPP...; phối hợp với Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam để đảm bảo kinh phí và tiến độ thực hiện các dự án liên quan đến cải thiện môi trường do ảnh hưởng của sản xuất than.
Cùng với các giải pháp về huy động nguồn lực tài chính, Đề án cũng đề xuất nhiều giải pháp để tổ chức và nâng cao năng lực bộ máy quản lý môi trường; về cơ chế chính sách, về xã hội hoá, về ứng dụng khoa học và công nghệ, về hợp tác quốc tế để thực hiện các mục tiêu đề ra.
Quá trình chuyển đổi phương thức phát triển từ chưa bền vững sang bền vững để thực hiện mục tiêu xây dựng Quảng Ninh thành tỉnh dịch vụ - công nghiệp đòi hỏi công tác bảo vệ môi trường phải được đặc biệt coi trọng. Vì thế, việc xây dựng và thực hiện Đề án cải thiện môi trường tỉnh Quảng Ninh là hết sức cần thiết, đòi hỏi cả hệ thống chính trị và toàn dân tích cực tham gia.
Ngọc Hà
Liên kết website
Ý kiến ()