Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 28/11/2024 18:01 (GMT +7)
Để chính sách đi vào cuộc sống
Thứ 5, 27/06/2013 | 04:54:42 [GMT +7] A A
Sau 10 tháng kể từ khi Quyết định 2009/QĐ-UBND (ngày 13-8-2012) của UBND tỉnh có hiệu lực, nhìn lại công tác triển khai trong thực tế cho thấy kết quả không tỷ lệ thuận với mong đợi. Vì sao một chính sách rất cần thiết, đúng đắn và chắc chắn mang lại hiệu quả tốt với nhiều lợi ích cho người dân lại bị “vấp”.
Quyết định 2009 là sự cụ thể hoá Nghị quyết số 53/2012/NQ-HĐND (ngày 11-7-2012) của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ lãi suất đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2012-2015. Sau khi Quyết định 2009 được ban hành, các sở, ban, ngành của tỉnh đã hướng dẫn đầy đủ các trình tự, điều kiện thực hiện chính sách; nguồn lực thực hiện chính sách được bố trí đáp ứng nhu cầu các địa phương. Song, các địa phương chưa có kế hoạch tổ chức thực hiện Quyết định 2009 một cách cụ thể; hàng tháng chưa có địa phương nào thực hiện chế độ báo cáo kết quả triển khai. Người dân thiếu thông tin chính thức, cụ thể về chính sách. - Đây là báo cáo của Ban Xây dựng Nông thôn mới với UBND tỉnh tại cuộc họp đánh giá kết quả thực hiện hỗ trợ lãi suất vay vốn theo Quyết định 2009.
Những điều nêu trên chính là sự lý giải về kết quả thực hiện đạt thấp. Tính đến thời điểm 6-6-2013, trong tổng số 150 hồ sơ đã tiếp nhận với tổng số tiền là 34.730 triệu đồng mới chỉ có 9 hồ sơ đã thẩm định và được hỗ trợ lãi suất; còn lại đã thẩm định đề nghị bổ sung hoàn thiện 33 hồ sơ, số hồ sơ trả lại là 53. Số hồ sơ các địa phương đang thẩm định là 55.
Sau cuộc họp của UBND tỉnh (ngày 21-6) bàn về vướng mắc trong thực hiện Quyết định 2009, tỉnh đã có chỉ đạo tháo gỡ rất kịp thời. Đó là thống nhất việc sửa đổi Quyết định 2009 theo hướng bổ sung các lĩnh vực, sửa đổi các tiêu chí, sửa đổi mức hỗ trợ lãi suất. Như vậy, “nút rối” duy nhất và cũng là rào cản lớn chỉ tập trung ở việc tổ chức triển khai chính sách. Một trong những công việc quan trọng nhất chính là tuyên truyền, phổ biến cho đông đảo người dân - đối tượng chính thụ hưởng nắm bắt, hiểu về chính sách. Đơn cử như việc niêm yết chính sách công khai tại trụ sở UBND xã, nhà văn hoá thôn, bản chính là kênh đơn giản, hiệu quả. Bên cạnh đó, các địa phương, cụ thể ở cấp xã cần bố trí cán bộ có chuyên môn nghiệp vụ để vừa hướng dẫn người dân vừa trực tiếp thực hiện tốt, tránh tình trạng máy móc, lúng túng như thời gian qua.
Ngọc Lê
Liên kết website
Ý kiến ()