Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 30/11/2024 11:30 (GMT +7)
Để có được những tác phẩm báo chí "để đời"
Thứ 7, 06/06/2015 | 11:52:24 [GMT +7] A A
Mỗi nhà báo có cách nhìn, “công thức” thành công riêng trong sáng tạo tác phẩm báo chí. Nhân kỷ niệm 90 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, tôi may mắn được gặp gỡ, trò chuyện với những nhà báo đã đoạt giải thưởng báo chí quốc gia, được chia sẻ về kinh nghiệm để có được tác phẩm báo chí hay, hấp dẫn công chúng...
Luôn trau dồi kiến thức
Người đầu tiên tôi gặp là ông Hải Chinh, nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Quảng Ninh. Tại trụ sở Công ty Minh Anh (TP Hạ Long), nơi ông đang làm việc, gặp tôi, ông nói ngay: Vì là người ưa tìm tòi, hoạt động và ưa sự đổi mới nên tôi mới theo nghiệp báo. Bây giờ nghỉ hưu tôi vẫn tiếp tục được trau dồi kiến thức qua những công việc khác.
Nhà báo Vũ Điều vẫn giữ được thói quen đọc báo, nghe đài hàng ngày. |
Ông kể: Năm 1973, ông tốt nghiệp lớp báo chí khoá 1 Trường Tuyên giáo Trung ương, đến năm 1976, ông về công tác tại Báo Quảng Ninh. Trong quá trình công tác, ông nhận thấy kiến thức của mình chưa đủ cho công việc nên đã theo học ngành kinh tế nông nghiệp Trường Đại học Kinh tế quốc dân từ năm 1978-1983.
Với kiến thức đã được học chuyên sâu và thực tiễn, ông đã có những tác phẩm hay về đề tài nông nghiệp. Ông liên tục được giải thưởng “Bông lúa vàng” do Bộ Nông nghiệp và Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp tổ chức 2 năm/lần. Đó là các tác phẩm: “Gặp nhau ở huyện” (trao giải năm 1983); “Yên Hưng: 5 năm khoán mới” (trao giải năm 1985, viết cùng với nhà báo Lê Toán)…
Nhưng hơn cả là niềm đam mê với nghề nên ông không ngại vất vả, khó khăn đến với bà con lao động. Năm 2003 về thăm lại vùng đảo Hà Nam (Quảng Yên), bỗng có người gọi: “Nhà báo Bây giờ gọi thóc bằng gì…”. Tác phẩm “Bây giờ gọi thóc bằng gì?” ông viết, đăng trên báo Quảng Ninh khi mới bước chân vào nghề. Ông bảo: “Hạnh phúc lớn nhất của người làm báo là khi được nghe người khác nói tôi đã đọc bài báo của anh rồi. Nhưng để có điều bình dị ấy, chỉ người làm báo mới biết rõ nhất nó nhọc nhằn đến chừng nào”.
Theo tận cùng đề tài
Ông Vũ Điều, nguyên Trưởng Ban Kinh tế Báo Quảng Ninh, kể: Mỗi thời điểm, giai đoạn đất nước lại có những vấn đề, sự kiện khác nhau. Nhưng người làm báo đều có những nhọc nhằn riêng. Những người làm báo thế hệ chúng tôi đã qua những năm tháng đất nước chiến tranh, kinh tế bao cấp. Có điều mà cho đến bây giờ tôi cũng thấy lạ, là trong lúc khốn khó như thế, lại là lúc mọi người hăng hái, tận tâm, say mê nghề nghiệp. Đói thế mà thường xuyên ngồi bình chọn tin hay, bài hay.
Tác phẩm “Xây dựng Nhà tuyển than mới Hồng Gai: Những câu hỏi cần lời giải đáp” của ông được gợi mở từ những phản ánh của người lao động trong Công ty Tuyển than Hồng Gai. Kế hoạch xây dựng nhà tuyển than mới đã được Bộ trưởng ký, Uỷ ban Kế hoạch nhà nước duyệt. Nhưng Chủ tịch Công đoàn Công ty phản ánh lại việc công nhân băn khoăn, lo lắng trước việc xây dựng nhà máy mới. Khi đã nắm được vấn đề là phải giải thích rõ những thắc mắc của công nhân và người dân về việc xây dựng nhà tuyển than mới, ông đã bắt tay vào tìm hiểu và giúp Công ty “gỡ” những thắc mắc của công nhân và thông tin đến người dân. Bài viết đã đoạt giải nhất Giải báo chí năm 1992 của Hội Nhà báo Việt Nam.
Đến nhà ông bây giờ, tôi vẫn thấy những tập báo, nhất là những tờ báo Quảng Ninh được xếp ngay ngắn. Ông bảo: Người đọc bây giờ khác, họ cần thông tin nhưng phải chính xác, rõ ràng. Nhà báo “gánh” trên vai mình nhiệm vụ rất nặng nề, vì vậy, tôi mong muốn những phóng viên trẻ cần đi đến cùng vấn đề, càng chính xác, càng rõ ràng bao nhiêu thì bạn đọc càng quý nhà báo bấy nhiêu.
Viết trung thực, trách nhiêm
10 năm công tác tại Đài PTTH Quảng Ninh và hiện là Phó Chủ tịch Hội VHNT, Tổng Biên tập Báo Hạ Long, chị Trần Thuỳ Liên được biết đến là một trong những nhà báo trẻ tài năng và đầy nhiệt huyết trong làng báo Quảng Ninh. Chị đã giành nhiều giải thưởng cao, như: Giải Vàng Liên hoan Phát thanh - Truyền hình Quảng Ninh năm 2011, Giải Bạc Liên hoan Phát thanh toàn quốc năm 2012, Huy chương Bạc Liên hoan Truyền hình toàn quốc năm 2013; Giải C báo chí quốc gia năm 2013. Chị còn là một trong 10 gương mặt trẻ tiêu biểu của tỉnh. Đây là niềm vinh dự mà không phải nhà báo nào cũng dễ đạt được.
Chị chia sẻ về việc để có được một tác phẩm báo chí thành công: Đề tài ở ngay xung quanh ta chứ không phải mất công tìm đâu xa, đó chính là hiện thực cuộc sống. Có những đề tài dễ viết, dễ tiếp cận, nhưng đề tài hay là khi nó nhận được sự quan tâm của xã hội và thường khó tiếp cận và khó viết. Điều quan trọng là nhà báo có đủ bản lĩnh và quyết tâm để theo đuổi đề tài mình đã chọn hay không. Khi thể hiện bất cứ một tác phẩm báo chí nào hãy cố gắng sáng tạo, không rập khuôn máy móc theo người khác. Hãy viết trung thực nhất, bằng danh dự của một người làm nghề báo.
Nguyễn Hoa (Thực hiện)
Liên kết website
Ý kiến ()