Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 12:41 (GMT +7)
Để doanh nghiệp thích ứng trong điều kiện bình thường mới
Thứ 2, 02/08/2021 | 06:31:42 [GMT +7] A A
Trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, hầu hết các doanh nghiệp trong tỉnh đều gặp khó khăn. Trước thực trạng đó, nhiều doanh nghiệp đã từng bước thích ứng, chủ động phòng chống dịch và không ngừng nỗ lực, sáng tạo hơn để duy trì hoạt động, ổn định việc làm cho người lao động. Từ đó góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển KT-XH trên địa bàn.
Biến “nguy” thành “cơ”
Ngay từ đầu năm 2021, dịch Covid-19 bùng phát trở lại với những diễn biến phức tạp, khó lường; cùng với đó, giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất tăng cao đã đặt ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn Quảng Ninh. Tuy nhiên, đứng trước những khó khăn, nhiều doanh nghiệp đã có các giải pháp để thích ứng và phát triển.
Điển hình như các đơn vị ngành Than, mặc dù phải đối mặt với nhiều thách thức, nhưng bằng tinh thần “Kỷ luật và đồng tâm”, truyền thống bất khuất của công nhân Vùng mỏ, sáng tạo, nhạy bén, linh hoạt trong quản lý, điều hành sản xuất đã từng bước vượt qua khó khăn, khẳng định được vị thế của mình trong đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và sự tăng trưởng kinh tế cho tỉnh. Theo đó, bằng nhiều cách làm phù hợp với tình hình thực tiễn như cơ cấu hóa; nâng cao hiệu quả, chất lượng sản xuất; mở rộng thị phần tiêu thụ; thay bằng sử dụng nhiều công nhân lao động trong cùng một thời điểm, đã chủ động nghiên cứu, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào hầu hết các khâu sản xuất...
Cụ thể, tại Công ty CP Than Đèo Nai, từ đầu năm đến nay, Công ty đã nghiên cứu và đưa vào sử dụng 2 phần mềm công nghệ thông tin, góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng công tác điều hành sản xuất và quản trị thiết bị, quản trị chi phí. Đó là phần mềm ghi biểu, thống kê chuyến trực tuyến trên Google sheets và phần mềm lập phiếu than, đất điện tử. 2 phần mềm này đã đổi mới toàn bộ quy trình cũ của công tác ghi biểu, thống kê chuyến và công tác tạo lập phiếu than, đất cho các phương tiện, máy xúc, ô tô hoạt động trong các ca sản xuất. Theo tính toán, việc đưa 2 sáng kiến công nghệ này vào sử dụng sẽ làm lợi cho Công ty trên 3 tỷ đồng mỗi năm. Nhờ đẩy mạnh công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành sản xuất, 6 tháng đầu năm 2021, Công ty CP Than Đèo Nai đã hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh đề ra (đạt 55-74% kế hoạch năm).
Ông Đặng Thanh Hải, Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, cho biết: Nhờ áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 chặt chẽ, cũng như đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong tất cả các khâu sản xuất, đã giúp TKV duy trì các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh. Trong 6 tháng, các chỉ tiêu Tập đoàn đề ra đạt bình quân 52-54% kế hoạch năm. Trong đó, sản lượng than nguyên khai sản xuất đạt xấp xỉ 21 triệu tấn, bằng 53% kế hoạch năm; bốc xúc gần 89 triệu tấn, đào mới trên 120.000m lò; sản lượng than tiêu thụ đạt trên 22,7 triệu tấn, bằng 54% kế hoạch. Riêng sản lượng than xuất khẩu đạt 813.000 tấn, bằng 211% so với cùng kỳ năm 2020. Doanh thu toàn Tập đoàn đạt trên 66.000 tỷ đồng, bằng 53,3% kế hoạch năm; nộp NSNN 8.500 tỷ đồng. Tiền lương bình quân công nhân khối sản xuất than đạt 14 triệu đồng/người/tháng.
Ngoài các đơn vị ngành Than, trong thời điểm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, với những khó khăn gặp phải, nhưng vẫn có những doanh nghiệp nỗ lực xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, tận dụng công nghệ sản xuất hiện đại để nâng cao chất lượng, số lượng sản phẩm phục vụ khi thị trường tiêu thụ khởi sắc trở lại. Điển hình như Công ty CP Gốm Đất Việt, một trong những đơn vị sản xuất vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh, thay vì đóng cửa nhà máy, xí nghiệp sản xuất, đã áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch chặt chẽ tại nơi làm việc, phát huy hiệu quả của hệ thống dây chuyền sản xuất hiện đại đã được đầu tư trước đó để duy trì, đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tính riêng trong 6 tháng đầu năm, đơn vị đã sản xuất được trên 4,3 triệu m2 gạch quy chuẩn, doanh thu đạt gần 170 tỷ đồng, thu nộp NSNN trên 11 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hơn 300 lao động với mức lương trên 13 triệu đồng/người/tháng.
Ông Nguyễn Quang Mâu, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Gốm Đất Việt, chia sẻ: Nắm bắt được thị trường nguồn cung cấp vật liệu xây dựng bị đứt gãy ở một số tỉnh, thành trong nước và nước ngoài có dịch Covid-19 phức tạp, đơn vị đã tăng cường xúc tiến thương mại, áp dụng các chính sách hỗ trợ bán hàng hấp dẫn, từ đó mở rộng được thị trường phân phối ra các tỉnh, thành trong cả nước. Hiện sản phẩm của đơn vị đã có mặt ở hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước và xuất khẩu đi một số nước ngoài với những đơn hàng lớn, ổn định.
"Tiếp sức" cho doanh nghiệp
Theo Sở KH&ĐT, trong 7 tháng đầu năm, toàn tỉnh thành lập mới được 1.157 doanh nghiệp với tổng nguồn vốn đăng ký kinh doanh đạt trên 13.500 tỷ đồng, nâng tổng số doanh nghiệp toàn tỉnh đến thời điểm hiện tại là 18.050 doanh nghiệp. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động cũng tương đối nhiều (109 doanh nghiệp), do 2 năm qua, các doanh nghiệp đã phải trải qua 4 làn sóng dịch Covid-19. Điều này cũng đặt ra cho các cấp, các ngành cần tiếp tục có những giải pháp căn cơ, hiệu quả để tháo gỡ khó khăn trước mắt, cũng như định hướng phát triển bền vững cho các doanh nghiệp.
Từ thực tế đó, Quảng Ninh xác định sự hỗ trợ, chia sẻ, đồng hành với doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ trong thời điểm cam go là yếu tố quan trọng, cốt lõi, giúp doanh nghiệp nhanh chóng vượt qua khó khăn, thách thức. Do đó, khi dịch mới ảnh hưởng tới Việt Nam, tỉnh đã chủ động nắm bắt các khó khăn, đề xuất, kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp thông qua tổ chức hội nghị trao đổi, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp du lịch bị ảnh hưởng do dịch Covid-19; hội nghị thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua địa bàn tỉnh. Cùng với đó, tỉnh chủ động làm việc với các nhà đầu tư chiến lược như: Tập đoàn Sun Group, Tập đoàn Thành Công, Tập đoàn TH, TKV, Tổng Công ty Đông Bắc, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Hiệp hội Du lịch tỉnh... Định kỳ hằng tháng, quý, các sở, ngành, địa phương tổ chức gặp gỡ, tiếp xúc với doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là doanh nghiệp ngành Than, du lịch, xuất nhập khẩu...
Thông qua nắm bắt khó khăn doanh nghiệp, tỉnh nhanh chóng triển khai hàng loạt giải pháp mạnh mẽ để hỗ trợ doanh nghiệp. Khi dịch Covid-19 bùng phát làm các doanh nghiệp kinh doanh trong các lĩnh vực thế mạnh của tỉnh, như dịch vụ, du lịch, vận tải, ngân hàng, xuất nhập khẩu... phải chịu những tổn thất nặng nề, doanh thu sụt giảm, thậm chí nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động, tỉnh đã nhanh chóng ban hành các cơ chế, chính sách để làm trợ lực cho các doanh nghiệp tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh; đồng thời chia sẻ trách nhiệm với doanh nghiệp trong việc bảo đảm cuộc sống cho người lao động...
Bà Nguyễn Thị Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Ninh, cho biết: Những cơ chế, chính sách của tỉnh chính là những trợ lực rất tích cực, hiệu quả để giúp các doanh nghiệp duy trì sản xuất trong giai đoạn khó khăn, cam go. Đặc biệt là các gói kích cầu du lịch của tỉnh rất kịp thời, giúp các doanh nghiệp có thể vượt qua khó khăn thời điểm này. Hiệp hội Du lịch tỉnh đánh giá rất cao sự quan tâm chia sẻ, hỗ trợ của tỉnh và tin tưởng rằng các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ trên địa bàn sẽ sớm hoạt động khởi sắc trở lại, đóng góp cho phục hồi kinh tế của tỉnh.
Bên cạnh việc kịp thời ban hành các cơ chế, chính sách, tỉnh đẩy mạnh công tác chỉ đạo, điều hành, cải cách TTHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đảm bảo lành mạnh, thông thoáng, minh bạch; tạo điều kiện giải quyết các TTHC, nhất là thủ tục về đất đai, đầu tư, xây dựng, thuế, hải quan, tín dụng. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, sở, ngành, địa phương thường xuyên kiểm tra, làm việc với những doanh nghiệp trong các KCN: Cái Lân, Cảng biển Hải Hà, Hải Yên, Đông Mai... nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, triển khai các dự án đầu tư.
Cùng với đó, rút kinh nghiệm từ các địa phương có KCN xuất hiện các ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng, tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan tư vấn, hỗ trợ xây dựng những phương án, biện pháp phòng, chống dịch chặt chẽ tại từng phân xưởng, nhà máy, xí nghiệp. Từ đó, các doanh nghiệp không chỉ giữ vững được địa bàn sản xuất an toàn, mà còn tăng cường, đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, đảm bảo chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu, nhất là đối với những sản phẩm có thế mạnh của tỉnh, như: Dệt may, công nghiệp chế biến, chế tạo, thực phẩm... Cùng với đó, tỉnh cũng đã quan tâm, dành quỹ vắc-xin tiêm cho công nhân lao động trong các KCN, nhất là tại những đơn vị có số đông lao động làm việc trong môi trường khép kín, có tiếp xúc gần.
Theo thống kê của các đơn vị liên quan, đến nay đã có trên 23.300 lao động (chiếm 83,5%) của 4 KCN được tiêm vắc-xin phòng, chống Covid-19, bao gồm: KCN Hải Yên, KCN Cảng biển Hải Hà, KCN Việt Hưng, KCN Đông Mai, nơi có số đông công nhân lao động làm việc. Điều này khẳng định cho sự quan tâm đặc biệt của tỉnh đối với các nhà đầu tư, doanh nghiệp có hoạt động sản xuất, kinh doanh lớn và có đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế, nguồn thu ngân sách của địa phương.
Ông Hoàng Trung Kiên, Trưởng Ban Quản lý KKT tỉnh, cho biết: Hiện nay Ban Quản lý KKT tỉnh đang rà soát, thống kê từng đơn vị, doanh nghiệp trong các KCN, KKT có nhu cầu tiêm vắc-xin cho cán bộ, công nhân lao động, trong đó đặc biệt lưu ý quan tâm đến doanh nghiệp có số lượng lớn lao động, môi trường làm việc đặc thù, có tiếp xúc gần, khép kín. Từ đó sẽ đề xuất tỉnh có cơ chế hỗ trợ tiêm theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế.
Với nhiều giải pháp tích cực, hiệu quả từ chính các doanh nghiệp và sự đồng hành, sẻ chia kịp thời từ tỉnh, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn giữ được sức sản xuất, tạo giá trị gia tăng các sản phẩm, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế, quyết tâm tối đa thực hiện đạt và vượt các mục tiêu KT- XH năm 2021 đã đề ra.
Mạnh Trường
- Đề xuất các giải pháp cấp bách hỗ trợ doanh nghiệp, tránh đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng
- Doanh nghiệp băn khoăn với sản xuất "3 tại chỗ"
- Khó khăn bủa vây, "giải cứu" doanh nghiệp mùa COVID-19
- Hỗ trợ doanh nghiệp "vượt bão" Covid-19
- Lợi nhuận quý II/2021 của doanh nghiệp phi tài chính tăng 86,2%, ngành nào triển vọng lên ngôi?
Liên kết website
Ý kiến ()