Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 05:57 (GMT +7)
Để không ai bị bỏ lại phía sau
Thứ 2, 26/12/2022 | 13:21:30 [GMT +7] A A
Tính đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh còn 0,06%. Kết quả này ghi nhận sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở với nhiều cách làm hay, sáng tạo, tất cả chung tay vì người nghèo.
Gia đình anh Trần Mạnh Cường, xã Điền Xá, huyện Tiên Yên, trước đây vốn là hộ nghèo của xã. Nhờ sự tuyên truyền, hướng dẫn và hỗ trợ của chính quyền địa phương, từ năm 2020, gia đình anh đã mạnh dạn vay vốn, đầu tư xây dựng chuồng trại để chăn nuôi gà Tiên Yên với quy mô hơn 1.000 con. Hai năm nay, nhờ đàn gà này, kinh tế gia đình anh từng bước đi lên. Đến nay với hơn 2.000 con gà mỗi năm, gia đình anh đang có thu nhập ổn định khoảng 200 triệu đồng và thoát khỏi diện hộ nghèo, trở thành hộ khấm khá của địa phương.
Anh Cường phấn khởi chia sẻ: Thoát khỏi hộ nghèo ngoài sự quyết tâm vươn lên của chính các thành viên trong gia đình, chúng tôi còn nhận được sự quan tâm đến từ các ban, ngành, đoàn thể và chính quyền xã thông qua việc hỗ trợ vốn vay, con giống, hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi. Kinh tế đi lên, gia đình ngày càng ấm no, con cái đi học cũng yên tâm hơn.
Ngoài việc được trợ lực, tiếp sức tăng thu nhập, thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh cũng tập trung giảm nghèo đa chiều, giải quyết các thiếu hụt về dịch vụ xã hội như y tế, giáo dục, nước sinh hoạt, thông tin… để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Từ ngày có mạng kết nối 3G, chị Phan Thị Hiền, xã Bình Dân, huyện Vân Đồn, đã có thể lên mạng tìm hiểu các thông tin về sức khỏe, kỹ thuật chăn nuôi, chăm sóc cây trồng, đặc biệt thông qua mạng xã hội, chị có thể kết nối, trò chuyện với người thân, bạn bè ở xa một cách nhanh chóng, thuận tiện với chỉ một vài thao tác trên điện thoại thông minh.
Cũng giống như chị Hiền, nhiều người dân vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo trên địa bàn tỉnh cũng dần được “xóa nghèo” về thông tin khi các ngành của tỉnh đang tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng phủ sóng di động, cáp quang. Từ đầu năm 2022 đến nay, Sở Thông tin và Truyền thông đã phê duyệt và tích cực phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông để xây dựng 54 vị trí xây dựng trạm thu phát sóng di động BTS nhằm nâng cao diện phủ sóng băng thông rộng (3G, 4G) cho các thôn, bản “vùng lõm” trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, để “xóa nghèo” về pháp luật cho người dân, tỉnh cũng đã chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý đến tận các thôn, bản, khu dân cư.
Đơn cử như Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước, Sở Tư pháp, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã thực hiện hơn 30 cuộc trợ giúp pháp lý lưu động tại cơ sở, qua đó, cấp, phát miễn phí trên 6.000 tờ gấp pháp luật các loại cho người dân, trong đó có đối tượng là hộ nghèo. Đồng thời tiếp nhận, tư vấn pháp luật cho hàng trăm lượt người dân có nhu cầu.
Để công tác giảm nghèo đạt kết quả cao, tỉnh Quảng Ninh đã rất quan tâm và dành nhiều nguồn lực hỗ trợ những vùng khó khăn như vùng tập trung nhiều đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo. Đồng thời, chỉ đạo các ngành, địa phương tập trung hỗ trợ sinh kế cho người dân thông qua phát triển sản xuất, đào tạo, giải quyết việc làm; quan tâm phát triển giáo dục, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; thực hiện đồng bộ các chính sách về y tế, sức khỏe.
Đặc biệt, tập trung phát triển hạ tầng đồng bộ, tạo điều kiện để người dân, nhất là hộ nghèo tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội, nhanh chóng thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa các vùng miền. Nhờ đó, đến cuối năm 2022 này, toàn tỉnh chỉ còn 258 hộ nghèo, chiếm khoảng 0,06% tổng số hộ dân toàn tỉnh; có 2.454 hộ cận nghèo, chiếm 0,63 % tổng số hộ dân toàn tỉnh. So với cuối năm 2021 đã giảm 1.268 hộ nghèo (tương đương 0,34%), giảm 3.099 hộ cận nghèo (tương đương 0,84%). Có 4/13 địa phương (Hạ Long, Quảng Yên, Vân Đồn và Cô Tô) không còn hộ nghèo; 9/13 địa phương tỷ lệ hộ nghèo dưới 1%...
Nguyên Ngọc
Liên kết website
Ý kiến ()