Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 15/01/2025 16:38 (GMT +7)
Để không còn trẻ em suy dinh dưỡng
Thứ 3, 25/04/2023 | 10:23:18 [GMT +7] A A
Sự phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh, nhất là vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa giúp trẻ em ngày càng được chăm sóc tốt hơn. Tuy nhiên, để giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng việc phổ biến kiến thức chăm sóc trẻ em đúng cách là rất cần thiết.
Theo thống kê của ngành Y tế, năm 2022, trên địa bàn tỉnh có 101.173 trẻ dưới 5 tuổi. Các địa phương, ngành y tế đã có nhiều hoạt động thiết thực trong công tác phòng chống suy dinh dưỡng; trong đó chú trọng đến hoạt động tuyên truyền, nâng cao kiến thức chăm sóc trẻ cho mỗi gia đình. Công tác truyền thông được đa dạng dưới nhiều hình thức, như: Treo băng zôn; truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức hội nghị tuyên truyền ở khu dân cư; thông qua hệ thống loa, đài ở thôn, bản khu phố; thông qua khu trưởng, tổ trưởng tổ dân để thông báo cho các gia đình lịch uống Vitamin A vào đầu tháng 6, tháng 12 hàng năm...
Đặc biệt, hoạt động truyền thông phòng chống suy dinh dưỡng càng được ngành y tế và các địa phương đẩy mạnh vào dịp tháng hành động vì trẻ em, tuần lễ Thế giới nuôi con bằng sữa mẹ; tuần lễ dinh dưỡng và phát triển... Từ năm 2022 đến nay, toàn tỉnh thực hiện 320 buổi truyền thông, giáo dục phòng chống suy dinh dưỡng cho hàng chục nghìn lượt người.
Cùng với đó, khi trẻ sinh ra, các bà mẹ cũng được tư vấn dinh dưỡng cho con đầy đủ, như: Cho trẻ bú hoàn toàn bằng sữa mẹ trong vòng 6 tháng để tăng sức đề kháng cho trẻ; bổ sung các loại thức ăn phù hợp với lứa tuổi của trẻ cũng như phù hợp với điều kiện thực tế của gia đình. Năm 2022, các đơn vị y tế đã tổ chức 42 buổi thực hành dinh dưỡng cho 1.260 phụ nữ mang thai, bà mẹ nuôi con nhỏ dưới 5 tuổi, tập trung chủ yếu ở các xã vùng khó khăn, dân tộc miền núi.
Các trạm y tế duy trì tốt hoạt động cân đo cho trẻ và triển khai chiến dịch uống Vitamin A cho trẻ 6-36 tháng tuổi. Năm 2022, toàn tỉnh đã có 80.010 trẻ 6-36 tháng tuổi được uống Vitamin A, chiếm 97,27% số trẻ 6-36 tháng tuổi trên địa bàn. Hàng tháng, trẻ dưới 5 tuổi đều được cân đo nhằm theo dõi cân nặng, chiều cao; đã có 98,95% số trẻ dưới 5 tuổi được cân đo, theo dõi tăng trưởng thường xuyên trong năm 2022.
Chị Lỷ Thị Thu, bản Lồ Mã Coọc, xã Quảng Sơn, huyện Hải Hà, cho biết: Con tôi năm nay được 4 tuổi. Tuy gia đình còn khó khăn, nhưng nhờ được cán bộ y tế xã thường xuyên tư vấn, hướng dẫn cách chăm sóc con nên từ nhỏ đến lớn, cháu phát triển khá tốt, ít bị ốm đau.
Không chỉ hướng dẫn kiến thức cho bà mẹ có con nhỏ, để phòng ngừa suy dinh dưỡng ở trẻ, ngay từ khi bà mẹ mang thai, công tác khám thai thường kỳ, tư vấn dinh dưỡng đã được quan tâm thực hiện nhằm giảm tình trạng thiếu năng lượng thường xuyên ở phụ nữ tuổi sinh đẻ và giảm tình trạng thiếu máu ở phụ nữ mang thai, đảm bảo cho thai nhi phát triển khỏe mạnh. Năm 2022, tỷ lệ phụ nữ đẻ được khám thai từ 4 lần trở lên thời thai kỳ trên địa bàn tỉnh đạt tỷ lệ 88,37%.
Hầu hết phụ nữ khi sinh đều sinh tại các trạm y tế, bệnh viện, được nhân viên y tế đã qua đào tạo đỡ đẻ. Hơn 99% bà mẹ và trẻ sơ sinh được chăm sóc sức khỏe tuần đầu sau sinh. Gần 90% bà mẹ sau đẻ trong vòng 1 tháng được uống Vitamin A. Nhiều phụ nữ mang thai và trước khi xác định mang thai đã chủ động phòng chống thiếu máu do thiếu sắt bằng cách sử dụng thực phẩm đa dạng, uống viên sắt axit follic.
Nhờ các giải pháp này mà tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ dưới 5 tuổi trên địa bàn tỉnh có chiều hướng giảm. Hết năm 2022, tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể thấp còi chỉ còn 6,64%, giảm 0,79% so với năm 2021; tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng cân nặng là 5,64%, giảm 1,04% so với năm 2021. Việc giảm dần số trẻ suy dinh dưỡng trên địa bàn đã góp phần nâng cao chất lượng dân số ở Quảng Ninh.
Cầm Khuê
Liên kết website
Ý kiến ()