Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 17/12/2024 10:49 (GMT +7)
Để lễ hội phát huy giá trị truyền thống
Thứ 4, 28/12/2016 | 09:19:57 [GMT +7] A A
Lễ hội truyền thống là sự kiện văn hoá - tâm linh được tổ chức mang tính cộng đồng, góp phần tạo nên bản sắc văn hoá của mỗi dân tộc. Các lễ hội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong đời sống văn hoá, tinh thần của nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Do đó, bảo tồn và phát huy lễ hội truyền thống hiện đang là vấn đề được các cấp chính quyền và đông đảo người dân quan tâm.
Lễ rước Đức Ông vi hành khu an ngự tại Lễ hội đền Cửa Ông năm 2016. |
Quảng Ninh hiện có gần 60 lễ hội lớn nhỏ, diễn ra thường niên. Trong đó có các lễ hội lớn như: Yên Tử, chùa Quỳnh Lâm, miếu Tiên Công, đình Làng Dạ... thu hút lượng lớn nhân dân và du khách thập phương về tham dự, chiêm bái. Hầu hết các lễ hội diễn ra lành mạnh, đúng với nghi lễ cổ truyền dân tộc, giữ gìn bản sắc văn hoá.
Lễ hội đền Cửa Ông (TP Cẩm Phả) từ lâu đã trở thành nét văn hoá tín ngưỡng của người dân Quảng Ninh nói riêng, người dân khu vực phía Bắc nói chung. Chính vì vậy, công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá phi vật thể Lễ hội đền Cửa Ông thời gian qua đã được đẩy mạnh thực hiện. Bà Nguyễn Thị Bích Thương, Phó Trưởng Phòng Văn hoá - Thông tin TP Cẩm Phả, cho biết: Ngay từ đầu năm 2015, thành phố triển khai dự án chỉnh trang, mở rộng khuôn viên đền với quy mô 180.000m2, tổng mức đầu tư trên 500 tỷ đồng. Công trình gồm nhiều hạng mục: Xây dựng các tuyến đường đi bộ, quảng trường lễ hội, khu sân tượng đài, khu đón tiếp, dịch vụ và công viên cảnh quan tôn tạo; tu bổ đền Hạ, đền Thượng... Hiện UBND thành phố đang tiến hành lập dự án phục hồi đền Trung bằng nguồn vốn xã hội hoá và di chuyển tượng đài Hưng Nhượng Đại vương, dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2017. Theo thống kê của UBND thành phố, tổng số khách đến với Lễ hội đền Cửa Ông năm 2016 là 80 vạn lượt với số tiền công đức nộp ngân sách tính đến ngày 30-10-2016 là gần 34 tỷ đồng. Lễ hội cũng chính thức được công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia vào cuối tháng 11-2016.
Có thể thấy, về cơ bản, các lễ hội đã được tổ chức nghiêm theo quy định, song thực tế vẫn còn nhiều mặt trái, như thu phí trông giữ xe vượt mức quy định; kinh doanh dịch vụ, hàng quán phục vụ du khách chưa chuyên nghiệp; việc quản lý nguồn thu tại di tích chưa thực sự công khai, minh bạch. Ngoài ra, hiện tượng đưa linh vật lạ vào di tích mà chưa được cấp có thẩm quyền cho phép vẫn còn, ở một số nơi Sở Văn hoá - Thể thao đã có kiến nghị, tuy nhiên vẫn chưa được xử lý, di dời...
Phải khẳng định, lễ hội truyền thống là một trong những sản phẩm du lịch, góp phần quan trọng trong phát triển ngành công nghiệp “không khói”. Tuy nhiên, để lễ hội mùa xuân thực sự phát huy hiệu quả giá trị vốn có, thiết nghĩ các cấp, ngành liên quan cần nâng cao vai trò trách nhiệm của ban tổ chức lễ hội trên địa bàn; bảo vệ cảnh quan, môi trường; quy hoạch các điểm kinh doanh dịch vụ, trông giữ xe hợp lý; bố trí các thùng rác đảm bảo mỹ quan, hợp vệ sinh...
Ngô Dịu
Liên kết website
Ý kiến ()