Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 15/01/2025 18:53 (GMT +7)
Tác phẩm dự thi Giải báo chí Búa liềm vàng tỉnh Quảng Ninh năm 2021 Để mọi người dân Quảng Ninh đều được hưởng thành quả phát triển - Bài 3: Chủ động đón bắt cơ hội
Thứ 7, 09/10/2021 | 13:15:22 [GMT +7] A A
Ngày 11/9, đi kiểm tra việc triển khai thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TU tại huyện Bình Liêu, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, nhấn mạnh: “Việc triển khai thực hiện Nghị quyết phải được thống nhất về nhận thức là lấy người dân làm chủ thể, làm trung tâm và là mục tiêu thực hiện…”. Thực tế cho thấy, ngay sau khi Nghị quyết ban hành, không chỉ các ngành, địa phương chủ động triển khai ngay, mà người dân các vùng khó khăn đã nhanh chóng tiếp cận, đón bắt, tận dụng mọi cơ chế, chính sách mà tỉnh dành cho mình.
Thực hiện lời hứa trước dân
Đô thị xanh, sạch đẹp, nông thôn, miền núi, hải đảo là những miền quê đáng sống là mục tiêu Quảng Ninh đã, đang thực hiện. Tuy nhiên, nếu miền núi, hải đảo phát triển được 1 bậc thì đô thị đã tiến được 3-5 bậc. Để thu hẹp được chênh lệch vùng miền, thì Nghị quyết 06 chính là lời cam kết, lời hứa trước nhân dân vùng khó: Sẽ không để ai bị bỏ lại phía sau, mọi người dân đều được hưởng thụ thành quả phát triển của tỉnh.
Nghị quyết số 06 là một trong các đề án và chương trình trọng điểm trong nhiệm kỳ 2020-2025 được xác định tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh khóa XV. Các giải pháp trọng tâm để thực hiện Nghị quyết cũng đã được chỉ ra rõ ràng, trong đó tập trung phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư; phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại; thực hiện tốt chính sách an sinh, nâng cao phúc lợi xã hội ở vùng đồng bào dân tộc, miền núi, biên giới, hải đảo…
Quán triệt nội dung các nghị quyết, chương trình hành động, coi đây là cơ hội, nguồn lực để nối dài sự phát triển kinh tế - xã hội, huyện Bình Liêu đã chủ động xây dựng chương trình hành động và kế hoạch thực hiện, xác định rõ các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể và gắn với trách nhiệm các cơ quan, đơn vị và các xã trên địa bàn. Trong quá trình triển khai, huyện rất chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng tới đồng bào nhân dân các dân tộc trên địa bàn để tạo sự đồng thuận và chủ động tham gia thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Xác định Nghị quyết 06-NQ/TU là chìa khóa thúc đẩy phát triển vùng đồng bào DTTS, huyện Đầm Hà đã rà soát, xây dựng, ban hành chương trình hành động của BCH Đảng bộ huyện. Huyện phấn đấu đến năm 2025 thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào DTTS tối thiểu bằng 2 lần so với năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo giảm hơn 10% so với kế hoạch tỉnh giao. Ông Lê Bình Phượng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đầm Hà, cho biết: Tận dụng lợi thế địa phương, huyện sẽ tiếp tục huy động doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp công nghệ cao; ưu tiên đầu tư các công trình cấp bách; tập trung nguồn vốn tín dụng đáp ứng kịp thời cho các tổ chức, cá nhân; phấn đấu đến hết năm 2023, 100% thôn, xã vùng đồng bào DTTS đạt chuẩn NTM nâng cao.
Không chỉ các địa phương hưởng lợi trực tiếp từ cơ chế, chính sách của các nghị quyết nhanh chóng vào cuộc, các sở, ngành cũng tích cực triển khai, sớm “đưa nghị quyết vào cuộc sống”. Các kế hoạch triển khai chương trình hành động đều tập trung cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp nhằm đạt được kết quả cao nhất, tất cả nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng khó.
Để “chủ thể” hành động
Trong các chuyến đi kiểm tra việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 06 tại một số địa phương như Bình Liêu, Ba Chẽ, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Ký nhiều lần nhấn mạnh: Việc triển khai thực hiện Nghị quyết 06 phải được thống nhất về nhận thức là lấy người dân làm chủ thể, làm trung tâm và là mục tiêu thực hiện; xã, huyện là nền tảng quyết định tổ chức thực hiện thành công và chịu trách nhiệm toàn diện trước tỉnh; cấp xã phải nắm tận hộ dân, người dân, làm từ đầu và làm đến cuối. Người dân phải chủ động, tích cực đón bắt và tận dụng mọi cơ chế chính sách mà tỉnh đã dành cho các địa phương miền núi, biên giới, hải đảo để phát triển kinh tế-xã hội và quan trọng nhất là cuộc sống người dân phải được nâng lên.
Hơn 10 năm qua, từ chương trình xây dựng Nông thôn mới, OCOP, Chương trình 135, Đề án 196 đến các quyết sách, định hướng đúng đắn của tỉnh đều nhận được sự tham gia hiệu quả của người dân. Các chương trình phát triển kinh tế - xã hội chỉ thực sự hiệu quả, bền vững khi người dân làm chủ thể, là trung tâm và cũng là người hưởng thụ thành quả từ chương trình. Nhờ đó, nhân dân, đặc biệt là nhân dân ở vùng khó khăn, đồng bào DTTS từ chỗ phần đông trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước đã chuyển sang tâm thế chủ động, tự tin, tham gia tích cực với trách nhiệm cao. Bài học này đã được các địa phương trong tỉnh quán triệt rõ, tập trung thực hiện xuyên suốt những năm qua và tiếp tục khi triển khai Nghị quyết 06.
Anh Bàn Văn Vi, Trưởng thôn Khe Phương, xã Kỳ Thượng, TP Hạ Long, cho biết: Nghị quyết 06 đã được tỉnh, thành phố phổ biến đến toàn thể cán bộ, đảng viên, đội ngũ bí thư chi bộ, trưởng thôn. Đến nay, các nội dung của Nghị quyết đã được chúng tôi truyền đạt lại cho bà con thông qua các buổi họp thôn, hệ thống truyền thanh, zalo, tin nhắn nội bộ để người dân biết, nắm bắt được chủ trương, tinh thần của Nghị quyết. Bà con Khe Phương rất ủng hộ và tin tưởng, kỳ vọng những quyết sách này sẽ tiếp tục là động lực, đòn bẩy nâng cao đời sống của người dân vùng khó khăn như chúng tôi.
Còn chị Bàn Thị Xoan, thôn Lang Cang, xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ, chia sẻ: Chúng tôi đã được xã và các đoàn thể phổ biến về những chính sách mới của tỉnh đối với người dân vùng DTTS. Như tại xã Đồn Đạc chúng tôi, người dân được tập huấn kiến thức về trồng, chăm sóc, hỗ trợ cây giống, phân bón và vốn vay để chuyển đổi các diện tích cây trồng hiệu quả kém sang trồng rừng gỗ lớn như thông mã vĩ, sa mộc, lim, dổi và cây dược liệu để nâng cao thu nhập...
Một nghị quyết ra đời chỉ thực sự đi vào cuộc sống khi nhận được sự ủng hộ, đồng thuận không chỉ của cấp ủy, chính quyền, mà còn từ chính người dân, sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức, đoàn thể… Nghị quyết 06 triển khai với giai đoạn, tầm nhìn “dài hơi” là gần 10 năm, bên cạnh đó là một loạt nghị quyết, đề án và chương trình trọng điểm như phát triển công nghiệp chế biến chế tạo, phát triển nguồn nhân lực gắn với tăng quy mô và chất lượng dân số, cải cách toàn diện giáo dục - đào tạo, phát triển văn hóa, con người, đảm bảo an sinh xã hội… sẽ tạo động lực, khơi dậy sức sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường cho nhân dân, nhất là người dân vùng khó. Thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau, tất cả người dân đều được hưởng thành quả của một tỉnh kiểu mẫu, ngày càng giàu đẹp, văn minh - đó cũng chính là việc hướng đến các tiêu chí của “hạnh phúc”, “thụ hưởng”…
Hoàng Quý - Nguyên Ngọc
Liên kết website
Ý kiến ()