Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 25/12/2024 21:12 (GMT +7)
Tác phẩm dự thi Giải báo chí Búa liềm vàng tỉnh Quảng Ninh năm 2021 Để mọi người dân Quảng Ninh đều được hưởng thành quả phát triển - Bài 2: Động lực để vùng khó phát triển bền vững
Thứ 6, 08/10/2021 | 05:45:52 [GMT +7] A A
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV thẳng thắn nhìn nhận: Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân tiếp tục được cải thiện và nâng cao, nhất là tại các khu vực đặc biệt khó khăn, nông thôn, miền núi, biên giới, biển đảo; tuy nhiên chênh lệch giàu nghèo, khoảng cách phát triển giữa các vùng, miền còn lớn. Do đó, với phương châm mọi người dân Quảng Ninh đều được hưởng thành quả phát triển, tăng trưởng bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU. Đây được coi là cơ hội, động lực bứt phá mới để vùng khó thực hiện thành công mục tiêu phát triển bền vững.
“Không để ai bị bỏ lại phía sau”
Tháng 5/2021, BCH Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU “Về phát triển bền vững KT-XH gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”. Nghị quyết nhấn mạnh quan điểm phải nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân; thu hẹp khoảng cách chênh lệch vùng miền; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao điều kiện tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc; nâng cao hiệu quả phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội; nâng cao mặt bằng dân trí và chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới nhằm đạt mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Cụ thể hóa các nội dung Nghị quyết, HĐND tỉnh cũng đã ban hành Nghị quyết 16/2021/NQ-HĐND về phê duyệt chương trình tổng thể phát triển bền vững KT-XH gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Phạm vi của Nghị quyết 16 được thực hiện tại địa bàn các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh. Trong đó, ưu tiên địa bàn 25 xã và 24 thôn mới hoàn thành Chương trình 135, ra khỏi diện ĐBKK giai đoạn 2016-2020 đối với 3 nhóm đối tượng thụ hưởng.
Với tổng nguồn lực dự kiến từ ngân sách địa phương khoảng 4.000 tỷ đồng, chưa kể các nguồn lực huy động hợp pháp khác, Nghị quyết 16 đưa ra mục tiêu chung và các nhóm mục tiêu cụ thể: Trên 99% số hộ dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; tỷ lệ lao động khu vực DTTS, miền núi được đào tạo nghề đạt 87,5%; tỷ lệ hộ nghèo giảm trung bình 3%/năm; thu nhập người dân tăng ít nhất 2 lần so với năm 2020... Cùng với đó là hàng loạt các giải pháp trước mắt và lâu dài để đảm bảo mục tiêu nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo.
UBND tỉnh cũng đã xây dựng Chương trình hành động, giao nhiệm vụ cụ thể cho các ngành, địa phương để triển khai thực hiện Nghị quyết 16. Trong đó, đề ra 7 nhóm giải pháp cho từng nội dung, lĩnh vực như: Đào tạo nghề, giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phát triển sản xuất, kinh doanh gắn với du lịch, dịch vụ khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo; huy động, sử dụng các nguồn lực đầu tư; phát triển hạ tầng KT-XH; giải pháp an sinh, phúc lợi xã hội; củng cố hệ thống chính trị, quốc phòng, an ninh...
Nối dài những quyết sách vì dân
Một trong những tác động thiết thực, hiệu quả đầu tiên mà những quyết sách “vì dân” mang lại chính là nối lại hiệu lực của thẻ BHYT cho trên 68.200 người dân là đồng bào DTTS ở các xã khu vực 2, 3. Theo quyết định mới nhất của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hồi tháng 6/2021, tỉnh Quảng Ninh có 68.234 người dân không được Nhà nước hỗ trợ BHYT do đã ra khỏi diện khó khăn và ĐBKK.
Ngay sau khi Nghị quyết 16 của HĐND tỉnh có hiệu lực, tỉnh đã bố trí nguồn lực tiếp tục hỗ trợ 100% kinh phí cấp thẻ BHYT cho toàn bộ người DTTS đang sinh sống ở các xã mới ra khỏi vùng khó khăn và người dân sinh sống ở các xã mới ra khỏi diện ĐBKK. Trên cơ sở đó, 68.234 người dân kể trên đã được BHXH các địa phương thực hiện nối lại hiệu lực BHYT từ ngày 1/8/2021. Bên cạnh đó, tỉnh cũng tiếp tục kéo dài thời gian hỗ trợ tiền ăn, gạo cho học sinh bán trú thêm 2 năm học, miễn toàn bộ học phí cho học sinh các cấp học mầm non và phổ thông trong năm học 2021-2022.
Bà Trần Thị Sủi, xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu, phấn khởi cho biết: Đây là quyết sách hết sức kịp thời đối với đồng bào chúng tôi. Qua đó, giúp nhiều hộ dân vừa ra khỏi diện khó khăn giảm bớt được gánh nặng về chi phí mua BHYT tự nguyện và chi phí học tập cho con cái để tập trung phát triển KT-XH.
Không chỉ quan tâm đến an sinh xã hội, từ những nội dung, nhiệm vụ của Nghị quyết 06, tỉnh Quảng Ninh cũng đang xây dựng những đề án, kế hoạch về phát triển hạ tầng giao thông, phát triển sản xuất, khai thác tiềm năng du lịch ở khu vực miền núi, biên giới, hải đảo. Tiêu biểu như: Đề án xây dựng làng DTTS ở các địa phương Bình Liêu, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà, Móng Cái; Đề án hoàn thiện hạ tầng giao thông, khai thác phát huy tiềm năng du lịch góp phần giảm nghèo bền vững tại huyện Tiên Yên, Bình Liêu, Ba Chẽ...
Đặc biệt, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, với quan điểm bao phủ vắc xin một cách nhanh chóng nhất nhằm tạo miễn dịch cộng đồng, tỉnh đã dành nhiều ưu tiên về nguồn vắc xin, nhân lực, trang thiết bị, vật tư cho người dân các xã, phường biên giới, vùng đồng bào DTTS. Anh Phạm Văn Lập, thôn Pò Hèn, xã Hải Sơn, TP Móng Cái, cảm kích nói: Xã Hải Sơn chúng tôi là một trong những nơi được ưu tiên tiêm phòng Covid-19 đầu tiên trong toàn tỉnh. Điều này, thể hiện sự quan tâm của tỉnh với người dân khu vực biên giới, miền núi thông qua những việc làm thiết thực, hữu ích, sát sườn...
Việc Quảng Ninh tiếp tục ban hành những quyết sách lớn ưu tiên đầu tư cho đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo thể hiện quan điểm nhất quán, xuyên suốt của tỉnh vì mục tiêu nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Ông Vũ Kiên Cường, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, tin tưởng: Nghị quyết sẽ giúp các xã, thôn, bản, các hộ gia đình có thêm điều kiện, khả năng tiếp cận các nguồn lực đầu tư, hỗ trợ từ Nhà nước và xã hội, nguồn vốn tín dụng ưu đãi... Từ đó khơi dậy tinh thần tự lực và ý chí chủ động vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng của đồng bào, từng bước đưa mức sống của người dân vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo tiếp cận gần hơn với mức sống của nông thôn, thành thị.
Bài 3: Chủ động đón bắt cơ hội
Hoàng Quý - Nguyên Ngọc
Liên kết website
Ý kiến ()