Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 28/11/2024 07:48 (GMT +7)
Để môi trường du lịch trong sạch hơn
Chủ nhật, 25/11/2012 | 05:27:59 [GMT +7] A A
Các di tích văn hoá - lịch sử, danh lam - thắng cảnh v.v.. luôn là địa chỉ hấp dẫn khách du lịch. Và chính vì thế nên càng là những di tích, danh thắng nổi tiếng, hoạt động du lịch ở đó càng sôi động hơn. Từ đó, muốn du lịch phát triển, một trong những yếu tố không thể coi nhẹ là phải tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu nhằm lôi cuốn khách du lịch tới thăm các di tích, danh thắng... Đây là điều mà ai cũng biết!
Như với Di sản Vịnh Hạ Long chẳng hạn; trong những năm qua, tỉnh và ngành Du lịch đã rất tích cực trong việc triển khai các chiến dịch tuyên truyền, quảng bá vẻ đẹp ngoại hạng của nó. Rất nhiều tiền đã được chi cho hoạt động này. Chỉ tính riêng số tiền đầu tư cho Lễ hội Du lịch Hạ Long hàng năm đã “ngốn” gần vài chục tỷ đồng, chưa kể nhiều tỷ đồng nữa cho những hoạt động tuyên truyền, quảng bá khác…
Nói như vậy không phải tỉnh và ngành Du lịch đã “vứt tiền qua cửa sổ”; công tác tuyên truyền, quảng bá cho Vịnh Hạ Long những năm gần đây đã phát huy hiệu quả như thế nào, chỉ cần nhìn vào lượng khách đến Quảng Ninh ngày càng tăng cao hơn nhiều so với trước đã rõ, nhất là từ sau khi Vịnh Hạ Long được công nhận là Kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới.
Nhưng cùng với đó thì một điều nữa ai cũng biết, là khi du lịch phát triển, bên cạnh những mặt tích cực, luôn kéo theo những mặt tiêu cực, nhất là trong việc xây dựng môi trường du lịch trong sạch để bảo tồn những giá trị vốn có của di sản. Trong các hoạt động nhằm giảm thiểu những tác hại đó, ngoài việc tăng cường tuyên truyền, giáo dục nếp sống văn hoá, văn minh cho người dân và cho khách du lịch, cần có những quy chế, chế tài xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Điều này thời gian gần đây đã được tỉnh quan tâm nhiều, như tiến hành xây dựng Quy chế quản lý môi trường kinh doanh du lịch, thành lập lực lượng Thanh tra du lịch, lực lượng bảo vệ trật tự ở các khu du lịch v.v.. Thế nhưng, để các hoạt động này thực sự phát huy tác dụng, xem ra còn nhiều việc phải làm.Trong đó đáng nói nhất là vấn đề tạo điều kiện về cơ chế, về cơ sở vật chất v.v.. cho các lực lượng này hoạt động vẫn còn những mặt chưa thoả đáng. Chỉ xin đơn cử một ví dụ, ở TP Đà Nẵng, nhằm ngăn ngừa tình trạng đeo bám khách, ăn mày, ăn xin v.v.. gây phản cảm cho khách du lịch, cơ quan chức năng đã có cơ chế thưởng với mức từ 200.000-500.000 đồng (thậm chí còn cao hơn) cho một tin báo của quần chúng về đối tượng, hành vi vi phạm, nếu xác minh là đúng sự thực. Với việc sử dụng “đòn bẩy kinh tế” này, cơ quan chức năng có thể sớm nắm bắt được tình hình để có hướng xử lý... Tất nhiên, đây chỉ là một việc nhỏ, còn cần có nhiều nữa những biện pháp khác mà trong khuôn khổ bài báo, chúng tôi không thể nêu đầy đủ được; nhưng chỉ vậy cũng cho thấy sự linh hoạt, năng động với mục đích nhằm thu được hiệu quả cao nhất trong việc lập lại trật tự môi trường du lịch...
Thiết nghĩ, trong bối cảnh hiện nay, tỉnh ta cũng đang tăng cường làm trong sạch môi trường du lịch thì những điều này càng rất đáng để suy ngẫm...
Trung Luận
Liên kết website
Ý kiến ()