Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 09/11/2024 04:33 (GMT +7)
Để ngăn chặn, đẩy lùi nạn mua bán người
Thứ 7, 27/01/2024 | 10:14:28 [GMT +7] A A
Là tỉnh có đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc cả trên bộ và trên biển, địa hình phức tạp, công tác đấu tranh với tội phạm mua bán người trên địa bàn phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Với quyết tâm cao độ, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai nhiều biện pháp và các mô hình hiệu quả nhằm phòng, chống mua bán người.
Nhiều nạn nhân được trở về
Thời gian qua, tội phạm mua bán người ngày càng diễn biến phức tạp với thủ đoạn tinh vi. Song với nỗ lực của các cấp, các ngành, địa phương, nhiều nạn nhân đã được giải cứu và đưa trở về quê hương.
Trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, gần đây nhất, tháng 12/2023, Toà án nhân dân tỉnh đã đưa ra xét xử vụ án sơ thẩm “Mua bán người dưới 16 tuổi”, các bị cáo Đào Duy Lâm, 35 tuổi, trú tại phường Hoành Bồ, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh bị tuyên phạt 14 năm tù; Nguyễn Thế Anh, 44 tuổi và Lê Thị Sen, 29 tuổi, đều đăng ký hộ khẩu thường trú tại phường Thọ Sơn, TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang, đều bị tuyên án 12 năm tù giam.
Bất chấp hậu quả và biết là hành vi trái pháp luật, ngày 24/2/2023, Đào Duy Lâm đã nhận 8,32 triệu đồng để nhận chuyển giao các cháu N và K đưa ra phường Hoành Bồ, TP Hạ Long để nuôi và cung cấp cho các quán hát karaoke trên địa bàn làm nhân viên phục vụ rót bia để thu lời. Ngày 3/3/2023, Nguyễn Thế Anh và Lê Thị Sen trả cho Đào Duy Lâm 11,3 triệu đồng để nhận chuyển giao 3 cháu K, N và H đưa về TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang cũng để cung cấp cho các quán hát karaoke trên địa bàn.
Vụ án được khám phá đã giải cứu thành công các nạn nhân đều chưa đến 16 tuổi, giúp các em thoát khỏi cạm bẫy của nạn mua bán người, được trở về quê nhà và có tương lai tốt hơn.
Theo các lực lượng chức năng, phương thức, thủ đoạn và đối tượng mua bán người ngày càng tinh vi, đa dạng, đặc biệt là trên không gian mạng. Không chỉ phụ nữ, trẻ em mà cả nam giới cũng là nạn nhân của các đối tượng mua bán người.
Điển hình như vụ việc của anh A.T.N, sinh năm 1994, quê tỉnh Quảng Nam bị các đối tượng lừa đảo trên mạng dụ dỗ đưa sang Trung Quốc với lời mời hấp dẫn “việc nhẹ, lương cao” từ năm 2017. Khi vừa đặt chân qua biên giới, anh N đã vỡ mộng bởi các đối tượng mua bán người đã nhốt anh vào một khu nhà xưởng gia công bóng đèn; chúng nhốt và đánh đập tàn nhẫn anh N, bỏ đói anh trong nhiều ngày liền khi không chịu làm việc chúng giao. Sau một thời gian bị giam giữ, đầu năm 2023, khi lực lượng chức năng phía Trung Quốc tiến hành truy quét người nước ngoài cư trú bất hợp pháp, anh N đã được giải cứu và trao trả về nước cuối tháng 4/2023.
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2023, đơn vị đã phối hợp với Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tiếp nhận 10 nạn nhân bị mua bán. Trong đó, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội TP Móng Cái phối hợp với Công an thành phố và Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Móng Cái tiếp nhận 8 nạn nhân trở về từ Trung Quốc. Công an tỉnh Quảng Ninh tiếp nhận, giải cứu 2 nạn nhân.
Tăng cường hiệu quả bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân
Để hỗ trợ các nạn nhân bị mua bán, từ tháng 9/2022, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 239/KH-UBND về phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương trong tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Tỉnh thường xuyên duy trì hoạt động của Tổng đài đường dây nóng miễn phí tại Trung tâm (18001769), trực 24/24h để tiếp nhận tất cả các trường hợp cần tư vấn, đặc biệt là các trường hợp cần sự hỗ trợ khẩn cấp. Trung tâm cũng hướng dẫn 177 xã, phường, thị trấn trên địa bàn duy trì lắp đặt 177 pano tuyên truyền về ngôi nhà Ánh Dương nhằm quảng bá công tác hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực và nạn nhân bị mua bán; kiện toàn hội đồng tư vấn, trợ giúp, kết nối nguồn lực, tìm kiếm địa chỉ, quê quán... cho nạn nhân bị mua bán khi có nhu cầu.
Tại Cơ sở Bảo trợ, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tỉnh, hiện có 3 trẻ em bị mua bán trở về đang được chăm sóc, 3 trẻ đều dưới 16 tuổi. Với kinh nghiệm nhiều năm hỗ trợ, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, Cơ sở đã trở thành mái nhà ấm áp, thực hiện công tác chăm sóc, nuôi dưỡng đảm bảo các em nhỏ tại đây được học tập, phát triển khả năng của bản thân.
Bà Hoàng Thị Quyên, Phó Giám đốc Cơ sở Bảo trợ, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tỉnh, cho biết: Năm 2023, Cơ sở không tiếp nhận trẻ nhỏ là nạn nhân của tình trạng mua bán người, các con đều ở đây từ những năm trước nên cũng đã quen với các “mẹ”. Là nạn nhân của tội phạm mua bán người, cả 3 con có hoàn cảnh, chịu những thiệt thòi vô cùng to lớn, do vậy, chúng tôi đều dành tất cả sự thương yêu, xem các cháu như con ruột của mình, là chỗ dựa tin cậy với mong muốn chăm lo cho các con tốt hơn, tạo động lực để các con tiếp tục vươn lên trong cuộc sống...
UBND tỉnh Quảng Ninh cũng tiếp tục duy trì mô hình “Đấu tranh chống mua bán người và nô lệ thời hiện đại” từ nguồn ngân sách tỉnh, bằng việc thí điểm 5 câu lạc bộ phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân tại 5 phường trên địa bàn TP Hạ Long. CLB vẫn đều đặn sinh hoạt hàng tháng; tập huấn về kỹ năng tiếp cận, truyền thông về phòng, chống mua bán người, hỗ trợ sinh kế cho nạn nhân bị mua bán, hướng dẫn, chuẩn bị các nội dung truyền thông cộng đồng về phòng, chống mua bán người; nâng cao nhận thức cho người dân về phòng, chống mua bán người, quan tâm, hỗ trợ, động viên các nạn nhân...
Quyết liệt đấu tranh, đẩy mạnh tuyên truyền
Nhận định rõ tình hình tội phạm mua bán người tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp và xác định là địa bàn trọng điểm trong công tác đấu tranh ngăn chặn tội phạm mua bán người, các lực lượng chức năng trên địa bàn đã chủ động triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều biện pháp nghiệp vụ.
Là lực lượng nòng cốt trong đấu tranh với loại tội phạm này, lực lượng bộ đội biên phòng tỉnh phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng, nắm chắc tình hình địa bàn, đối tượng; tăng cường tuần tra, kiểm soát, quản lý chặt chẽ biên giới, cửa khẩu, vùng biển; trao đổi thông tin, điều tra, xác minh, phân loại các đối tượng có dấu hiệu nghi vấn hoạt động tội phạm mua bán người.
Đồng thời, các Đồn biên phòng còn chủ động phối hợp chặt chẽ với các lực lượng quản lý, bảo vệ biên giới của nước bạn đẩy mạnh công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm mua bán người; thực hiện tốt công tác tiếp nhận, xác minh, bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân được giải cứu; tích cực rà soát, sàng lọc, xác định nạn nhân bị mua bán trong số công dân được các lực lượng chức năng trao trả hoặc tự trở về.
“Trong năm 2023, qua công tác tiếp nhận, trao trả và sàng lọc, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Móng Cái đã phát hiện 14 đối tượng tội phạm truy nã, 5 công dân của Việt Nam bị lừa bán sang Trung Quốc. Với các đối tượng bị lừa bán, Đồn đã tuyên truyền, hướng dẫn từng cá nhân khi về địa phương tuyên truyền cho gia đình, xã hội để phòng ngừa, giúp người dân nắm rõ được thủ đoạn, phương thức của các loại tội phạm mua bán người và tố giác các đối tượng lừa bán với các cấp chính quyền, để xử lý nghiêm” - Thượng tá Diệp Mạnh Hảo, Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Móng Cái, cho biết.
Cùng với đó, Công an tỉnh tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp, đẩy mạnh phòng ngừa, nắm địa bàn, quản lý cư trú, quản lý người nước ngoài để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các điều kiện phát sinh tội phạm mua bán người; xử lý nghiêm, triệt phá tận gốc khi phát hiện các hành vi mua bán người, mang thai hộ vì mục đích thương mại trên địa bàn.
Một trong những biện pháp được triển khai tích cực là công tác tuyên truyền. Thời gian qua, các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh tích cực tổ chức tuyên truyền Luật phòng chống mua bán người; các phương thức, thủ đoạn hoạt động của loại tội phạm với hình thức đa dạng, trực quan sinh động. Điển hình như Sở Lao động - Thương binh và Xã hội in ấn hơn 8.000 sổ tay hỏi, đáp chính sách pháp luật về phòng, chống mua bán người để cấp phát cho cộng tác viên, người uy tín tại địa phương; Công an tỉnh và Công an 13 địa phương trên địa bàn đều treo pano, áp phích trước trụ sở đơn vị với khẩu hiệu tuyên truyền phòng chống mua bán người; Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức 5 buổi tuyên truyền về phòng, chống mua bán người cho nhân dân vùng dân tộc thiểu số, biên giới... Nhờ đó, nhận thức, ý thức cảnh giác của người dân trên địa bàn khu vực biên giới với tội phạm mua bán người ngày càng được nâng cao.
Với nhiều giải pháp tích cực, công tác đấu tranh ngăn chặn nạn mua bán người đã có nhiều chuyển biển tích cực; kịp thời phát hiện, bắt giữ nhiều vụ mua bán người; các vụ án về mua bán người ngày càng được kéo giảm.
Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, toàn tỉnh tiếp tục tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp đấu tranh, làm tốt công tác phòng ngừa, nhất là phòng ngừa xã hội, kết hợp chặt chẽ với phòng ngừa nghiệp vụ của các lực lượng chức năng, phát huy vai trò các tổ chức chính trị xã hội ở địa bàn cơ sở; đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia phòng, chống mua bán người, gắn với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia và các chính sách phát triển kinh tế - xã hội.
Khánh Đan
Liên kết website
Ý kiến ()