Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 13/11/2024 04:30 (GMT +7)
Để ngành công nghiệp điện tử xứng danh với vị trí xuất khẩu
Chủ nhật, 10/11/2024 | 08:54:02 [GMT +7] A A
Công nghiệp điện tử đang là mặt hàng “quán quân” xuất khẩu. Song, vị thế của doanh nghiệp ngành hàng này đang chưa tương xứng với mức kim ngạch mà ngành hàng này đạt được.
Kim ngạch xuất khẩu không ngừng tăng cao
Là doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cho nhiều doanh nghiệp sản xuất điện tử trong nước, hiện mỗi tháng, Doanh nghiệp Sản xuất công nghệ cao Việt Hàn cho ra lò 10.000 cuộn cáp mạng và 20.000 cuộn cáp dây điện để cung ứng cho các đối tác FDI trong nước. Con số này dự kiến tăng 150% những tháng cuối năm.
Trong xu thế chuyển đổi số của nhiều công ty, lĩnh vực, Công ty Máy tính Thánh Gióng cũng ghi nhận đơn hàng các loại máy tính tăng cao so cùng kỳ. Tuy nhiên, để tăng tính cạnh tranh, họ ưu tiên các đơn hàng máy tính đặc thù chuyên dụng, vì thế các linh kiện nhập khẩu cũng từ các đối tác lớn trên thế giới.
Hiện, kết thúc quý III/2024, dù doanh thu đã đạt được mục tiêu cả năm, song đơn hàng vẫn liên tục đổ về trong những tháng cuối năm khiến doanh nghiệp phải tăng ca và tuyển dụng thêm lao động để đáp ứng thời gian giao hàng. Ngoài chinh phục người tiêu dùng trong nước, các sản phẩm của doanh nghiệp này cũng đã được thị trường quốc tế đón nhận.
Ông Lại Hoàng Dương, Giám đốc Công ty Máy tính Thánh Gióng cho biết, Công ty đã đầu tư công nghệ và cơ sở hạ tầng, tập trung xây dựng thương hiệu máy tính Thánh Gióng "Make in Vietnam”. Qua đó, khẳng định uy tín, chất lượng sản phẩm khi xuất khẩu.
Từ đầu năm đến nay, nhiều doanh nghiệp ngành điện tử đã có kết quả kinh doanh tương đối khả quan. Đây cũng là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu đứng đầu trong các nhóm ngành hàng của Việt Nam. Theo Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành công nghiệp điện tử trong 9 tháng đầu năm đạt 97 tỷ USD, với mức xuất siêu hơn 9 tỷ USD. Đây là một đóng góp rất lớn vào giá trị xuất khẩu của cả nước, khi ngành điện tử tiếp tục dẫn đầu trong các ngành công nghiệp chế biến chế tạo có kim ngạch xuất khẩu cao. So với cùng kỳ, ngành đã có mức tăng trưởng 10%.
Riêng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của ngành đạt 109 tỷ USD với tốc độ tăng trưởng 10%. Với đà phát triển hiện nay, năm 2024, kim ngạch xuất khẩu có thể sẽ tiếp tục tăng và đạt khoảng 120 tỷ USD, tương đương khoảng 14% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Đánh giá về ngành công nghiệp điện tử, bà Trịnh Thị Thu Hiền, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương cho biết, công nghiệp điện tử là ngành sản xuất đóng vị trí then chốt trong nền kinh tế, là thước đo trình độ phát triển kinh tế-kỹ thuật của quốc gia và có tác động mạnh đến các ngành công nghiệp khác. Mặt hàng điện tử ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu và ảnh hưởng rõ rệt đến tăng trưởng chung của xuất khẩu cả nước. Một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao gồm các loại bộ vi xử lý, bộ nhớ, module các loại, máy tính xách tay, máy tính bảng, màn hình các loại,…
Ngành điện tử Việt Nam khẳng định vị thế ngày càng cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Vai trò của các doanh nghiệp điện tử Việt Nam hiện nay trở thành một phần không thể thiếu trong chuỗi cung ứng điện tử toàn cầu. Đây là một tín hiệu rất đáng mừng, đặc biệt trong bối cảnh Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành theo Quyết định số 1018/QĐ-TTg ngày 21/9/2024. Trong chiến lược này, ngành điện tử đóng vai trò trung tâm.
Để doanh nghiệp điện tử đủ lớn
Dù mang lại kim ngạch xuất khẩu lớn cho nền kinh tế, song các doanh nghiệp điện tử nội địa đang gặp vô vàn khó khăn. Bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA) cho biết, hiện các doanh nghiệp điện tử Việt Nam, cũng như nhiều doanh nghiệp trong ngành công nghiệp hỗ trợ, phần lớn là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ở quy mô này, doanh nghiệp thường thiếu 3 yếu tố quan trọng: vốn, công nghệ và nguồn nhân lực.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp lĩnh vực điện tử của Việt Nam vẫn thiên về gia công, lắp ráp, chưa chú trọng tạo thành chuỗi cung ứng hoặc phát triển những phân khúc như thiết kế, nghiên cứu và phát triển (R&D), phân phối… để sản phẩm giá trị gia tăng cao hơn, tạo tính lan tỏa cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ khác cùng phát triển.
TS Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội (HANOISME) cho rằng, để tháo gỡ các điểm nghẽn của ngành công nghiệp điện tử, doanh nghiệp trong nước phải tăng cường liên kết, hợp tác với các đối tác tại những quốc gia có nền công nghiệp lõi như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... Cùng với đó, các chính sách cần quy định cụ thể hơn về nhận chuyển giao khoa học công nghệ tiên tiến, giúp các doanh nghiệp nhanh chóng tiếp cận công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Đối với chính sách phát triển ngành này, bà Đỗ Thị Thúy Hương cho rằng, chính sách hỗ trợ ngành công nghiệp điện tử hiện mới có Nghị định 111/2015/NĐ-CP, trong đó đưa ra các chính sách hỗ trợ và ưu đãi để phát triển công nghiệp hỗ trợ còn hạn chế để phát triển. Bộ Công Thương đang xây dựng dự thảo về Luật Công nghiệp trọng điểm, trong đó có công nghiệp hỗ trợ được đưa vào là một trong những hạng mục quan trọng, trung tâm của chiến lược phát triển giai đoạn tới. Do đó, mong Luật Công nghiệp hỗ trợ sớm được ban hành để cho ngành, đặc biệt là công nghiệp điện tử phát triển, sớm tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực nêu quan điểm, doanh nghiệp ngành điện tử cần nắm bắt tốt các xu hướng thương mại và đầu tư toàn cầu và đối tác chính; tận dụng tốt các chính sách hỗ trợ về thuế, phí, lãi suất để đẩy mạnh chuyển đổi số, kinh doanh tuần hoàn; tăng cường nguyên liệu sạch, nguyên liệu tại chỗ; đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Doanh nghiệp cũng cần tích hợp các yếu tố phát triển bền vững trong chiến lược kinh doanh. Song song với đó, đa dạng hóa thị trường, đối tác, chuỗi cung ứng, sản phẩm-dịch vụ, nguồn vốn khả thi cho chuyển đổi xanh, kinh doanh tuần hoàn, tín chỉ carbon… vì đây là xu hướng không thể đổi khác.
“Doanh nghiệp cần chủ động tâm thế, đón đầu xu hướng công nghệ, nhất là các lĩnh vực công nghệ mới (AI, thực tế ảo, tự động hóa, đám mây, an ninh mạng….) và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu (gồm cả bán dẫn); phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu mới...”, TS Cấn Văn Lực khuyến nghị.
Theo nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()