Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 11:20 (GMT +7)
Đề nghị cấm phim Việt cổ xúy bạo lực, vi phạm pháp luật
Thứ 4, 15/09/2021 | 14:39:22 [GMT +7] A A
Vấn đề tiền kiểm và hậu kiểm trong Luật Điện ảnh được đem ra thảo luận tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Ngày 14/9, tại phiên họp thứ 3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi).
Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) gồm 8 chương, 52 điều, trong đó kế thừa, chỉnh lý, sửa đổi và bổ sung 25 điều, quy định mới 27 điều so với Luật Điện ảnh hiện hành.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho hay trong quá trình xây dựng dự luật, có nhiều ý kiến xung quanh vấn đề phổ biến phim trên không gian mạng. Vì vậy, dự thảo đưa ra 2 phương án.
Theo phương án 1 (hậu kiểm), nhà phát hành, phổ biến phim tự kiểm và chịu trách nhiệm phân loại, dán nhãn phim. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông kiểm tra, xử lý việc tự phân loại phim phổ biến trên không gian mạng theo quy định của pháp luật.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng đây là cách tiếp cận mới và linh hoạt trong bối cảnh phát triển của dịch vụ phát hành, giúp giảm thiểu gánh nặng về chi phí và nhân sự cho các nhà quản lý. Tuy nhiên, nguy cơ của việc tự kiểm là có thể để lọt các sản phẩm phản ánh sai trái lịch sử, nội dung bạo lực, khiêu dâm, xâm hại trẻ em… Điều này sẽ gây nên hậu quả tiêu cực trong đời sống văn hóa, xã hội, khó xử lý kịp thời, triệt để.
Với phương án 2 (tiền kiểm), phim chỉ được phổ biến khi có giấy phép phân loại do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND cấp tỉnh cấp hoặc quyết định.
Theo Bộ trưởng, đa số thành viên Chính phủ và cơ quan chủ trì soạn thảo thống nhất chọn phương án hậu kiểm.
Thảo luận tại phiên họp về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Lê Tấn Tới đề nghị cần có quy định trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân phổ biến phim trên không gian mạng. Tức là họ phải tự phân loại, chịu trách nhiệm về tác phẩm, nhất là những vấn đề liên quan đến quốc phòng, an ninh, trẻ em, tôn giáo, dân tộc...
Liên quan Điều 11, nội dung và hành vi nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh, ông Lê Tấn Tới cũng đề nghị cần quy định rõ ràng và chi tiết hơn.
Ông đề cập tình trạng một số phim hiện nay có tình tiết cổ xúy cho hành vi vi phạm pháp luật, phạm tội nhưng không bị xử lý. Một số phim lại phản ánh chân thực, chi tiết về sự tự diễn biến, tự chuyển hóa, làm cho người xem nhận thức sai. Ông nêu ví dụ Người phán xử là một trong những phim có nội dung bạo lực.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn yêu cầu Ban soạn thảo Luật Điện ảnh cần tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, làm rõ các ưu nhược điểm của từng nội dung, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hồ sơ, gửi tài liệu đúng quy định để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến.
Trước đó, tại Hội thảo trực tuyến góp ý dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) do Viện Nghiên cứu lập pháp và Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức, GS.TS Trần Thanh Hiệp, nguyên Hiệu trưởng Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội nhận định việc phổ biến phim trên mạng là phù hợp với xu thế phát triển chung của thế giới. Điều quan trọng nhất là công tác thanh tra, hậu kiểm phải được đổi mới, nâng cao chất lượng.
Bà Ngô Phương Lan nhận xét phương án thực hiện tiền kiểm đối với phổ biến phim trên mạng là không khả thi. Trên thực tế, số lượng phim trên mạng có thể gấp hàng nghìn lần phim chiếu rạp. Vì thế, không thể có đủ nhân lực để duyệt và cấp phép phát hành.
Đối với cơ chế kiểm duyệt phim, ông Đậu Anh Tuấn góp ý Luật Điện ảnh cần thay đổi, tạo ra tính đột phá. Ông phát biểu: "Tại sao các đài truyền hình vẫn tự cấp phép, kiểm duyệt được phim truyền hình. Trong khi đó, phim chiếu rạp lại phải thông qua Hội đồng phim quốc gia. Chúng ta có thể xây dựng cơ chế để nhiều đơn vị cùng có quyền thẩm định và cấp phép các bộ phim".
Theo vtc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()