Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 14:34 (GMT +7)
Để người dân, doanh nghiệp thiệt hại do bão tiếp cận được nguồn vốn
Thứ 2, 21/10/2024 | 16:20:26 [GMT +7] A A
Để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp sớm ổn định hoạt động sản xuất sau cơn bão số 3, thực hiện chỉ đạo của Trung ương và tỉnh, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã chủ động, trực tiếp làm việc, thực hiện một số giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn về vốn. Tuy nhiên, do các quy định còn có những vướng mắc nên nhiều người dân và doanh nghiệp vẫn chưa tiếp cận được, dẫn đến thiếu nguồn lực để tái thiết sản xuất.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh Quảng Ninh đã khẩn trương ban hành các văn bản chỉ đạo ngân hàng trên địa bàn tỉnh triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng khắc phục hậu quả do cơn bão số 3. Trong đó, chủ động rà soát, nắm bắt, tổng hợp thiệt hại của khách hàng đang vay vốn, đồng thời thực hiện ngay các biện pháp hỗ trợ như: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ; xem xét miễn, giảm lãi vay; tiếp tục cho vay mới khôi phục sản xuất kinh doanh sau bão theo các quy định hiện hành; thực hiện xử lý nợ đối với khách hàng bị thiệt hại về vốn vay theo quy định. Cùng với đó đơn vị cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành ban hành một số cơ chế, chính sách về tiền tệ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn do cơn bão số 3; tham mưu UBND tỉnh ban hành Công văn số 2747/UBND-KTTC ngày 20/9/2024 về việc triển khai thực hiện chính sách khoanh nợ cho khách hàng theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ.
NHNN chi nhánh Quảng Ninh cũng đã ban hành công văn số 814/QUN1 ngày 23/9/2024 chỉ đạo các ngân hàng thương mại, tổ chức tài chính vi mô và quỹ tín dụng nhân dân khẩn trương thực hiện chính sách và hoàn thiện hồ sơ khoanh nợ của khách hàng vay vốn bị thiệt hại do cơn bão số 3 theo Nghị định số 55. NHNN chi nhánh Quảng Ninh tích cực tham gia các buổi làm việc cùng Tỉnh ủy, Đoàn ĐBQH tỉnh, UBND tỉnh để cung cấp thông tin về các chính sách hỗ trợ giải đáp những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị.
Tính đến nay, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 12.689 khách hàng với dư nợ 871,6 tỷ đồng, giảm lãi suất cho vay đối với 5.590 khách hàng với tổng dư nợ được giảm lãi suất là 18.290 tỷ đồng; thực hiện cho vay mới đối với 3.888 khách hàng với tổng số tiền cho vay là 1.480 tỷ đồng. Đối với việc khoanh nợ, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Quảng Ninh đã hoàn thành rà soát 414 người dân đủ điều kiện khoanh nợ với tổng số tiền gần 30 tỷ đồng gồm nợ gốc và lãi. Hiện, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Quảng Ninh đang phối hợp với các cơ quan liên quan để hoàn thiện hồ sơ trình cấp Ngân hàng Chính sách xã hội và UBND tỉnh xem xét phê duyệt, qua đó, giúp người dân giảm bớt gánh nặng về tài chính, yên tâm khắc phục, từng bước tái sản xuất.
Mặc dù đã có nhiều cố gắng, nhưng một số vướng mắc trong các quy định khiến người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn về vốn để phục hồi, tái sản xuất, ổn định sau bão. Đó là dù bão số 3 đã gây thiệt hại rất lớn đối với tất cả các ngành, lĩnh vực song hiện chỉ có chính sách khoanh nợ đối với lĩnh vực phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo quy định tại Nghị định số 55, chưa có chính sách cho các ngành, lĩnh vực khác. Chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN ngày 23/4/2023 chỉ áp dụng đối với có dư nợ gốc phát sinh trước ngày 24/4/2023, đồng thời, phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày Thông tư có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2024 nên chưa bao gồm tất cả các đối tượng bị thiệt hại. Nhiều người dân và doanh nghiệp không còn tài sản bảo đảm khác cho khoản vay mới. Trong khi đó, đây là đối tượng có nhu cầu vay thêm vốn để tái đầu tư.
Ông Nguyễn Đức Hiển, Giám đốc NHNN chi nhánh Quảng Ninh, cho biết: Để tiếp tục có những chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị thiệt hại do bão số 3 gây ra sớm khôi phục và phát triển sản xuất, kinh doanh, ổn định đời sống, NHNN chi nhánh Quảng Ninh sẽ tiếp tục đề nghị NHNN Việt Nam xem xét ban hành theo thẩm quyền và báo cáo, đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành cơ chế nâng mức cho vay không có tài sản bảo đảm, cho phép mở rộng đối tượng được hưởng chính sách khoanh nợ, chính sách riêng về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ. Bên cạnh đó, Trung ương cũng cần nghiên cứu ban hành chính sách về phân loại nợ, trích lập dự phòng và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro đối với các khoản nợ bị thiệt hại của bão số 3. Đồng thời, có cơ chế riêng về cho vay tín chấp, cho vay không có tài sản bảo đảm xử lý rủi ro nhằm tạo cơ sở pháp lý, khuyến khích các tổ chức tín dụng mạnh dạn cho vay, nhất là các trường hợp không còn tài sản để thế chấp tiền vay có vốn để phục hồi sản xuất.
Cao Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()