Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 19/11/2024 11:43 (GMT +7)
Để những làng nghề luôn "đỏ lửa"
Thứ 3, 17/11/2015 | 05:29:02 [GMT +7] A A
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 20 làng nghề lớn nhỏ; trong đó, 5 làng nghề truyền thống được UBND tỉnh công nhận. Để những làng nghề truyền thống này có thể duy trì và phát triển ngoài các yếu tố như vốn, thị trường, công nghệ... thì việc đào tạo lao động một cách bài bản cũng cần được chú trọng. Bởi lẽ, bên cạnh việc đảm bảo việc làm cho người dân, có thêm thu nhập đào tạo nghề còn góp phần gìn giữ và phát huy những giá trị truyền thống của địa phương.
Không ít nghệ nhân ở các làng nghề trăn trở về việc gìn giữ và phát triển những “ngọn lửa” truyền thống này. Ông Lê Trọng Mỹ, khu 5, phường Đức Chính, TX Đông Triều - một trong những nghệ nhân có niềm đam mê và cống hiến cả cuộc đời cho nghề gốm chia sẻ: “Tuổi trẻ bây giờ có nhiều cơ hội lựa chọn công việc ngành nghề. Để đến với nghề gốm, không chỉ bằng khả năng học hỏi, rèn luyện mà còn phải yêu và say mê mới có thể làm được”. Nói về những thế hệ lao động lành nghề do chính tay ông hướng dẫn và chỉ dạy, ông bảo: “Học gốm đòi hỏi phải có thời gian và sự truyền dạy tỉ mỉ từng công đoạn. Với những kỹ năng và kinh nghiệm đúc rút trong quá trình làm gốm, tôi đã đào tạo cho khoảng 120 xã viên của HTX Gốm sứ Đông Thành và truyền dạy cho rất nhiều công nhân và xã viên của các xí nghiệp và HTX như: Sứ Ninh Bình, Sứ Đường Vòng (Hải Dương)…”.
Sản xuất chậu hoa tại HTX Sứ cao cấp Đông Thành (TX Đông Triều). |
Cũng giống như ông Mỹ, ông Lê Đức Chắn, người được dân làng Cống Mương, nay thuộc khu 8, phường Phong Hải, TX Quảng Yên, tôn làm nghệ nhân đóng tàu thuyền truyền thống luôn trăn trở về việc truyền nghề cho thế hệ trẻ. Ông bảo: “Lớp người còn theo nghề như chúng tôi cũng đã sang đến dốc bên kia của cuộc đời. Mọi kinh nghiệm đều muốn truyền dạy hết cho con cháu. Cả bốn cậu con trai của tôi đều đã nối nghiệp cha. Không những thế, nhiều thợ trẻ trong làng cũng đến học việc và trở thành công nhân đóng tàu. Hiện nay, xưởng đóng tàu của tôi cũng có 40-50 công nhân. Tôi hy vọng, nghề đóng tàu không chỉ đem lại công ăn việc làm cho người dân, mà còn trở thành ngọn lửa để truyền tiếp cho những thế hệ tiếp theo”.
Trong những năm qua, riêng hoạt động sản xuất, kinh doanh của các làng nghề trên địa bàn TX Quảng Yên đã tạo việc làm cho hơn 2.000 lao động, có thu nhập ổn định, nhất là lao động nông thôn. Tuy nhiên, theo ý kiến của các chuyên gia, hiện nay việc đào tạo lao động làng nghề chủ yếu vẫn thông qua truyền nghề bằng phương pháp hướng dẫn, chỉ bảo trực tiếp bởi các nghệ nhân cao tuổi. Tuy ít tốn kinh phí và dễ học nghề nhưng phương pháp này vẫn tồn tại một số nhược điểm. Trước hết là sự thiếu đồng bộ, nhất quán trong cách thức truyền đạt kinh nghiệm. Bởi lẽ mỗi nghệ nhân hoặc thầy dạy lại có một “bí kíp” làm nghề và tư duy khác nhau. Bên cạnh đó, trình độ của lao động cũng không đồng đều, gây khó khăn cho công tác giảng dạy và truyền đạt. Chính vì thế, việc đào tạo lao động làng nghề cần chia ra nhiều cấp độ với chương trình đào tạo bài bản, phù hợp, phương thức dạy nghề linh hoạt gắn với công nghệ hiện đại. Đối với lao động phổ thông, cần chú ý đào tạo chuyên sâu một nghề để tạo công ăn việc làm cho họ. Còn với những người đã có nghề nhưng chưa thành thạo thì cần khuyến khích bổ sung kiến thức, kỹ năng để trở thành thợ giỏi. Từ đó, nâng cao khả năng sáng tạo trong sản xuất cũng như tham gia vào công tác dạy nghề tại địa phương. Đặc biệt, một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của công tác đào tạo nghề cho các làng nghề hiện nay là liên kết, thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp và các tổ chức xã hội - nghề nghiệp. Bởi nhu cầu sử dụng lao động chính là “đầu ra” của đào tạo, qua đó có thể điều chỉnh để cung cấp nguồn nhân lực phù hợp.
Từ năm 2007, UBND tỉnh đã có Quyết định số 915/QĐ-UBND về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển làng nghề tiểu thủ công nghiệp tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2006-2015, định hướng đến năm 2020. Theo đó, một số ngành nghề như: Làng nghề mây, tre đan bước đầu sử dụng hình thức học nghề, truyền nghề, gia công sản phẩm cho các công ty lớn để xây dựng làng nghề; đồng thời, giải quyết lao động nông nhàn, lao động phụ, nâng cao thu nhập cải tiến đời sống cho nhân dân. Tuy nhiên, để tận dụng tối đa nguồn lao động ở các làng nghề, cần có thêm nhiều chính sách cụ thể, tạo công việc ổn định để người dân tiếp tục gìn giữ và phát huy các giá trị truyền thống của địa phương.
Hoàng Quỳnh[links()]
Liên kết website
Ý kiến ()