Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 09:30 (GMT +7)
Để nông thôn văn minh, nông dân giàu có, xã hội phát triển
Thứ 6, 30/12/2022 | 09:48:38 [GMT +7] A A
Những con đường bê tông trải dài, những trường học khang trang, nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, đời sống của người dân ngày càng nâng cao... là hình ảnh vùng nông thôn của Quảng Ninh hiện nay, thành quả nổi bật của chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn tỉnh những năm qua.
Cơ sở hạ tầng là then chốt
Quảng Lâm là xã cuối cùng của huyện Đầm Hà được công nhận đạt chuẩn NTM (tháng 4/2021). Những ngày đầu năm 2022, xã vùng cao này thêm ngập tràn không khí vui mừng, phấn khởi bởi từ nay xã có Trung tâm học tập cộng đồng khang trang, diện tích hơn 2.500m2 (khởi công xây dựng tháng 7/2021, hoàn thành đầu năm 2022), tổng mức đầu tư hơn 5 tỷ đồng, trong đó kinh phí xây dựng hơn 3 tỷ đồng từ nguồn vốn xây dựng NTM và sự hỗ trợ của TKV.
Ông Làu Tằng Sáng (bản Thanh Lâm, xã Quảng Lâm) cho biết: Quảng Lâm là xã vùng cao còn nhiều khó khăn, đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống. Được sự quan tâm của tỉnh, huyện và TKV, Trung tâm học tập cộng đồng xã được đầu tư, hoàn thiện, đưa vào sử dụng, góp phần đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân, lan tỏa các phong trào khuyến học, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Nhằm rút ngắn khoảng cách giữa các vùng miền, đảm bảo kết nối đồng bộ, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, năm 2022 tỉnh tiếp tục ưu tiên nguồn lực đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông, như tuyến đường nối từ trung tâm xã Đại Dực đến trung tâm xã Đại Thành cũ (huyện Tiên Yên) dài hơn 7km, tổng vốn đầu tư trên 150 tỷ đồng (ngân sách của tỉnh và huyện). Sau khi hoàn thành, tuyến đường sẽ rút ngắn khoảng cách đi lại giữa xã Đại Thành cũ và Đại Dực từ 20km còn 10km.
Ông Nguyễn Thế Anh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đại Dực, cho biết: Tuyến đường nối từ trung tâm xã Đại Dực đến trung tâm xã Đại Thành cũ hiện cơ bản hoàn thành nền đường, dự kiến đưa vào sử dụng đầu năm 2023. Tuyến đường không chỉ đáp ứng mong mỏi của cán bộ, đảng viên, nhân dân các xã, mà còn mở ra cơ hội phát triển cho địa phương, khai thác tiềm năng du lịch, thúc đẩy phát triển lâm nghiệp bền vững.
Xác định hoàn thiện hạ tầng không chỉ là nhiệm vụ quan trọng của chương trình xây dựng NTM mà còn là một trong các khâu đột phá thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 17/5/2021 của Tỉnh ủy “Về phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tôc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”, năm 2022 tỉnh quan tâm ưu tiên, phân bổ trên 1.235 tỷ đồng từ ngân sách hỗ trợ các địa phương xây dựng các công trình.
Đến nay nhiều công trình đã hoàn thành, đang đẩy nhanh thi công, như: Cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 342 đoạn thuộc huyện Ba Chẽ; hoàn thiện đồng bộ cơ sở vật chất Trung tâm Y tế các huyện Tiên Yên, Ba Chẽ, Bình Liêu; đường trục chính xã Quảng Lâm (huyện Đầm Hà); xây mới Trường THPT Bình Liêu… Qua đó góp phần tạo diện mạo mới cho khu vực nông thôn của tỉnh, đáp ứng nhu cầu đời sống nhân dân, phát triển kinh tế - xã hội các địa phương.
Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển
Năm 2022, công tác giáo dục và đào tạo, nhất là ở vùng khó, vùng nông thôn, vùng đồng bào DTTS tiếp tục được tỉnh quan tâm bằng nhiều giải pháp thiết thực. Để mọi học sinh được thụ hưởng môi trường giáo dục tốt nhất, tỉnh tiếp tục ban hành một số cơ chế, chính sách đặc biệt ưu tiên, hỗ trợ cho học sinh vùng miền núi, vùng DTTS, có hoàn cảnh khó khăn. Nổi bật phải kể tới chính sách hỗ trợ 100% học phí cho học sinh, trẻ mầm non ở các trường phổ thông công lập và ngoài công lập trên địa bàn tỉnh. Chính sách này được thực hiện liên tiếp trong 2 năm học gần đây đã góp phần chia sẻ những khó khăn bởi đại dịch Covid-19.
Cô giáo Trần Thị Minh Ngọc, Hiệu trưởng Trường Mầm non Húc Động (huyện Bình Liêu), cho biết: Theo Nghị quyết số 65/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh "Quy định mức học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập của tỉnh Quảng Ninh từ năm học 2021-2022 đến năm học 2025-2026", mỗi học sinh phải đóng 50.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, nhờ chính sách hỗ trợ học phí, 100% trẻ đang theo học đều được hỗ trợ số tiền này. Ước tính, tổng kinh phí hỗ trợ của học sinh toàn trường trong mỗi năm học trên 100 triệu đồng.
Những chính sách đặc thù của tỉnh đã giúp cho giáo dục tại vùng khó, vùng nông thôn, vùng đồng bào DTTS không ngừng được đổi mới toàn diện, chất lượng được nâng cao, đáp ứng nhu cầu của sự phát triển. Học sinh tại nhiều điểm lẻ xa trung tâm được chuyển về điểm trường chính khang trang, đầy đủ thiết bị hiện đại và học 2 buổi/ngày. Hệ thống trường lớp đến tận các thôn, khe bản vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo với tỷ lệ phòng học kiên cố hóa đạt 90,8%. Tại các huyện vùng núi như: Bình Liêu, Ba Chẽ, Đầm Hà, Hải Hà, Tiên Yên... ngày càng có nhiều em đạt giải cao tại các kỳ thi, cuộc thi thuộc lĩnh vực văn hóa, khoa học kỹ thuật cấp tỉnh. Tỷ lệ huy động học sinh ra lớp ngày càng tăng.
Bà Hoàng Thị Oanh, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Ba Chẽ, cho biết: Duy trì sĩ số học sinh, tăng tỷ lệ học chuyên cần trong năm học ở các trường vùng cao được cho là nhiệm vụ khó khăn. Tuy nhiên, với nỗ lực, quyết tâm của các thầy cô giáo, cùng sự vào cuộc của các cấp chính quyền, đoàn thể, việc huy động học sinh đến trường trên địa bàn huyện luôn đạt kết quả tích cực: Tỷ lệ học sinh THCS ra lớp đạt 97%, tiểu học đạt 100%, trẻ mầm non 5 tuổi đạt 98,9%, độ tuổi nhà trẻ đạt 47%.
Chăm lo sức khỏe toàn diện
Để mỗi người dân đều được thụ hưởng các thành quả phát triển, tỉnh luôn quan tâm chăm lo, bảo vệ sức khỏe của nhân dân. Nhờ sự quan tâm này, đến nay hệ thống y tế từ tỉnh đến các địa phương phát triển đồng bộ; chất lượng đội ngũ, dịch vụ, khám chữa bệnh, trang thiết bị y tế không ngừng được nâng cao, cải thiện. Các bệnh viện tuyến tỉnh thực hiện được trên 50% danh mục kỹ thuật tuyến trung ương; 100% trung tâm y tế tuyến huyện thực hiện được tối thiểu 80% danh mục kỹ thuật của tuyến tỉnh; 177/177 trạm y tế tuyến xã đạt, giữ vững Bộ tiêu chí quốc gia về y tế.
Đặc biệt, trong 3 năm đối mặt với dịch Covid-19, việc giữ an toàn sức khỏe cho nhân dân được tỉnh đặt lên hàng đầu. Quảng Ninh là một trong những địa phương cả nước hoàn thành sớm tỷ lệ bao phủ cao nhất tiêm vắc-xin phòng Covid-19; số ca tử vong rất thấp, bằng 1/20 tỷ lệ bình quân cả nước.
Từ năm 2020, Quảng Ninh không còn xã, thôn đặc biệt khó khăn, nên một số chế độ an sinh xã hội, nhất là BHYT được hỗ trợ từ nguồn ngân sách không được áp dụng. Xác định được vai trò quan trọng của BHYT đối với chăm lo sức khỏe nhân dân, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 16/2021/NQ-HĐND "Phê duyệt chương trình tổng thể phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030". Trong đó, tỉnh tiếp tục hỗ trợ 100% kinh phí mua thẻ BHYT cho 68.000 người DTTS đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn đến hết năm 2025 từ nguồn ngân sách tỉnh. Đây là nỗ lực rất lớn của tỉnh nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân vùng DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo.
Bà Hoàng Thị Thử (thôn Xóm Mới, xã Đạp Thanh, huyện Ba Chẽ) chia sẻ: “Khi bác sĩ cho biết chồng tôi bị tai biến mạch máu não, tôi rất lo lắng về bệnh tình của chồng, cha, càng lo lắng hơn về chi phí điều trị. Cũng may, được Nhà nước hỗ trợ mua thẻ BHYT, đã giảm rất nhiều viện phí, giúp tôi có điều kiện chữa bệnh cho chồng”.
Mới đây, tại Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh khóa XIV đã thông qua Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐND "Quy định chính sách hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2023-2027". Theo đó, tổng mức hỗ trợ (bao gồm trung ương và tỉnh) cho người tham gia BHXH tự nguyện là toàn bộ công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên, có đăng ký thường trú trên địa bàn tỉnh: Người thuộc hộ nghèo được nhận mức hỗ trợ 60%, hộ cận nghèo được hỗ trợ 55%; các đối tượng khác được hỗ trợ 30%. Chính sách thể hiện tính nhân văn sâu sắc của tỉnh nhằm giúp người lao động ở khu vực phi chính thức, lao động tự do, nông dân, ngư dân được tiếp cận các nguồn lực hỗ trợ theo chính sách của trung ương và tỉnh.
Tất cả các thành quả mà Quảng Ninh đạt được thời gian qua đều hướng vào mục tiêu nâng cao đời sống nhân dân, phục vụ nhân dân, vì hạnh phúc của nhân dân.
Một số chính sách đảm bảo an sinh xã hội đang được tỉnh Quảng Ninh triển khai: - Nghị quyết số 16/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh phê duyệt chương trình tổng thể phát triển bền vững kinh tế - xã hội, bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. - Nghị quyết số 50/NQ-HĐND ngày 13/11/2021 của HĐND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình tổng thể phát triển bền vững kinh tế - xã hội, bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo gắn với xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025. - Nghị quyết số 63/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh quy định chế độ, hỗ trợ trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi của tỉnh và một số chính sách ưu đãi đối với Trường THPT Chuyên Hạ Long từ năm học 2021-2022 đến năm học 2025-2026. - Nghị quyết số 96/NQ-HĐND ngày 31/5/2022 của HĐND tỉnh điều chỉnh, bổ sung một số nội dung của Nghị quyết số 50/NQ-HĐND với cơ chế, chính sách, nguồn lực cụ thể để triển khai. - Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐND của HĐND tỉnh quy định hỗ trợ học phí cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, học viên giáo dục thường xuyên đang học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh, năm học 2022-2023. - Nghị quyết số 125/NQ-HĐND ngày 4/11/2022 của HĐND tỉnh điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 vốn ngân sách cấp tỉnh. - Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐND của HĐND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ tiền đóng BHXH cho người tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2027. - Nghị quyết số 05/2022/NQ-HĐND của HĐND tỉnh quy định chính sách thu hút sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ; chính sách hỗ trợ đào tạo sau đại học đối với viên chức Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ, viên chức các đơn vị sự nghiệp công lập lĩnh vực y tế tỉnh giai đoạn 2023-2025. - Nghị quyết số 12/2022/NQ-HĐND ngày 9/12/2022 của HĐND tỉnh quy định về cơ chế quản lý, nguồn lực và nguyên tắc, tiêu chí định mức phân bổ nguồn vốn và nguyên tắc nhà nước, tỷ lệ vốn đối ứng địa phương thực hiện Chương trình tổng thể phát triển bền vững kinh tế - xã hội, bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo gắn với xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025. - Kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khóa XIV, thông qua Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non tư thục trên địa bàn tỉnh. |
Lan Anh - Cao Quỳnh- Nguyễn Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()