Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 28/12/2024 23:43 (GMT +7)
Sẽ thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng nguồn nước sinh hoạt cho nhân dân
Thứ 6, 23/12/2022 | 09:45:56 [GMT +7] A A
Thay mặt cử tri các huyện Tiên Yên, Bình Liêu, Ba Chẽ, tại kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026, đại biểu La Thị Thủy thuộc Tổ đại biểu huyện Tiên Yên - Bình Liêu - Ba Chẽ chất vấn:
Năm 2023 tỉnh xác định chủ đề công tác năm là nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư và chất lượng đời sống nhân dân, trong đó có nhóm chỉ tiêu về môi trường: Tỷ lệ người dân đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt 98%; tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nguồn nước ăn uống hợp vệ sinh đạt trên 99,99% (trong đó tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng nước sạch đáp ứng QCVN- 02:2009/BYT đạt trên 70%).
Đề nghị đồng chí Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết giải pháp cụ thể của ngành trong việc cụ thể hóa mục tiêu này thời gian tới như thế nào? Vì vừa qua, cử tri và Nhân dân rất quan tâm tới việc sử dụng nước sạch đảm bảo cho sức khỏe và đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân hiện nay.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Minh Sơn trả lời:
I. Hiện trạng hệ thống cấp nước tập trung nông thôn trên địa bàn tỉnh
Tỉnh Quảng Ninh có 13 đơn vị hành chính cấp huyện gồm: 4 thành phố (Hạ Long, Uông Bí, Cẩm Phả, Móng Cái), 2 thị xã (Quảng Yên và Đông Triều) và 7 huyện, với tổng số 177 xã, phường, thị trấn. Trong đó có 65 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới và hải đảo (với 10 xã đảo); 33 xã vùng đồng bằng. Hiện nay, dân số toàn tỉnh khoảng 1,35 triệu người (dân số đô thị khoảng 909.900 người và dân số nông thôn khoảng 441.000 người).
Tổng số công trình, hệ thống công trình tham gia cấp nước khu vực nông thôn (tại 98 xã trên địa bàn tỉnh, không bao gồm công trình Nhà máy nước Hoàng Quế, thị xã Đông Triều do Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn đang quản lý): 209 công trình/hệ thống công trình (gồm: (1) Ba Chẽ: 49 công trình; (2) Tiên Yên: 35 công trình; (3) Hạ Long: 35 công trình; (4) Bình Liêu: 25 công trình; (5) Móng Cái: 12 công trình; (6) Đầm Hà: 11 công trình; (7) Vân Đồn: 11 công trình; (8) Hải Hà: 14 công trình; (9) Quảng Yên: 4 công trình; (10) Đông Triều: 4 công trình; (11) Cô Tô: 2 công trình; (12) Cẩm Phả: 4 công trình; (13) Uông Bí: 3 công trình.
II. Khó khăn, tồn tại, hạn chế trong quá trình quản lý, khai thác
1. Nhận thức của người dân về nước sạch, vệ sinh môi trường
Phần lớn người dân khu vực nông thôn chưa nhận thức đầy đủ về những lợi ích của việc dùng nước sạch mà vẫn giữ thói quen dùng các nguồn nước hiện có (khe tự nhiên, giếng khoan, giếng đào, nước mưa,...). Mặt khác, do đa số người dân còn tâm lý trông chờ vào sự đầu tư, bảo trợ của nhà nước, cho nên không muốn chi trả tiền nước hàng tháng, đóng góp duy tu, bảo dưỡng các công trình do nhà nước hỗ trợ đầu tư...
2. Đối với các công trình thuộc Chương trình PforR (10 công trình do Trung tâm Nước sinh hoạt & Vệ sinh môi trường nông thôn và Công ty TNHH MTV Thủy lợi Miền Đông quản lý)
Công suất khai thác của các nhà máy thấp: Còn số lượng lớn hộ chưa sử dụng nước và mức sử dụng nước của người dân nông thôn thấp; phần lớn người dân chưa nhận thức được đầy đủ lợi ích của việc sử dụng nước sạch và phải chi trả tiền nước hàng tháng, nên nhiều hộ dân vẫn giữ thói quen sử dụng kết hợp nhiều nguồn nước khác, dẫn đến mức sử dụng nước của các hộ dân hàng tháng thấp; công suất khai thác nước có sự chênh lệch lớn giữa các mùa; công suất khai thác của các nhà máy thấp làm cho tỷ lệ thất thoát nước còn cao hơn mức quy định. Cụ thể công suất khai thác và số đấu nối hiện nay so với thiết kế tại các công trình như sau:
+ Đối với 5 công trình cấp nước do Công ty TNHH MTV Thủy lợi Miền Đông quản lý (ở khu vực Miền Đông): Công suất khai thác trung bình đạt 20,21%; tổng số đấu nối đạt 45,04%.
+ Đối với 5 công trình cấp nước do Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn quản lý (ở khu vực Miền Tây): Công suất khai thác trung bình đạt 50%; tổng số đấu nối đạt 63,33%.
- Giá bán nước: Hiện áp dụng thấp hơn nhiều so với giá thành sản xuất, mức thu tiền nước hiện nay không đủ chi cho các hoạt động sản xuất cơ bản (nhân công, hóa chất, điện).
3. Đối với các công trình cấp nước có quy mô nhỏ (do Ủy ban nhân dân các xã quản lý)
Chính quyền tại một số địa phương chưa thực sự quan tâm, chưa quyết liệt trong việc tổ chức triển khai thực hiện và chỉ đạo quản lý, khai thác, bảo vệ công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn; Khu vực đầu nguồn của một số công trình là rừng sản xuất, thảm thực vật kém dẫn đến nguồn sinh thủy của các công trình không ổn định; Nhiều công trình đã được đầu tư, sử dụng lâu năm, xuống cấp, chưa được sửa chữa, nâng cấp nên chưa đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng nước của người dân; Một số công trình giao cho cộng đồng quản lý, tuy nhiên các tổ quản lý hoạt động còn chưa thật sự hiệu quả, không triển khai hoặc thu tiền nước ở mức thấp, nên kinh phí chi trả công cho người quản lý và duy tu, bảo dưỡng, vận hành công trình chưa đảm bảo...
III. Giải pháp của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện chủ đề công tác năm 2023 đối với chỉ tiêu nước sạch nông thôn
Phối hợp với các địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 17/5/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh về phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, gắn với Chương trình xây dựng Nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao trên địa bàn tỉnh đến năm 2025. Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 26/9/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh nguồn nước giai đoạn 2022 - 2030.
Đề nghị các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền vận động nhân dân đấu nối, sử dụng các công trình nước sạch hiện chưa đấu nối đủ công suất; Đầu tư, nâng cấp hoàn thiện hệ thống cung cấp nước tập trung hiện có. Đồng thời xây dựng phương án, quản lý khai thác dựa vào cộng đồng đối với các công trình có quy mô công suất nhỏ để nâng cao hiệu quả các công trình, gắn với việc duy tu, bảo dưỡng sử dụng bền vững; Chỉ đạo tập trung trồng rừng gỗ lớn, cây bản địa, bảo vệ nguồn sinh thủy tại khu vực đầu nguồn các công trình nước sạch; Ưu tiên sử dụng nguồn vốn ngân sách để đầu tư, nâng cấp, hoàn thiện hệ thống cung cấp nước sạch tập trung, hỗ trợ nhân dân tại các khu vực không có công trình cấp nước tập trung sử dụng các loại thiết bị lọc nước phù hợp tạo nguồn nước sạch, nâng cao chất lượng nguồn nước sinh hoạt cho nhân dân.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tích cực phối hợp với Sở Xây dựng và các sở ngành, địa phương khẩn trương lập và trình UBND tỉnh phê duyệt “Đề án cấp nước sạch nông thôn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025” (dự kiến hoàn thành Đề án trong Quý I năm 2023); tham mưu cho UBND tỉnh triển khai thực hiện Nghị định số 43/2022/NĐ-CP ngày 15/6/2022 của Chính phủ, để quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch trên địa bàn tỉnh hiệu quả.
Ngọc Ánh (Biên soạn)
Liên kết website
Ý kiến ()