Tất cả chuyên mục

Mùa hè là mùa thích hợp cho các côn trùng truyền bệnh phát triển nên nguy cơ người bị viêm não vi rút rất cao. Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 3 trường hợp bị viêm não vi rút. Phóng viên Báo Quảng Ninh trao đổi cùng bác sĩ Ninh Văn Chủ, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh về các biện pháp phòng bệnh này.
- Xin bác sĩ cho biết những vi rút nào phổ biến ở Việt Nam có thể gây viêm não?
+ Viêm não vi rút là một quá trình bệnh lý viêm xảy ra ở tổ chức nhu mô não, do nhiều loại vi rút gây ra. Có nhiều loại vi rút có thể gây bệnh này đang lưu hành ở nước ta, nhưng chủ yếu là các vi rút Arbo. Arbovirus gây ra bệnh viêm não St.Louis, viêm não Nhật Bản B và các bệnh khác như: Sốt Dengue, sốt vàng, sốt xuất huyết. Viêm não do Arbovirus gia tăng trong mùa nắng nóng. Nguồn lây bệnh là những động vật có vú nhỏ và một số loại chim, ngựa; muỗi đốt động vật, người chứa mầm bệnh rồi đốt truyền bệnh cho người khác.
![]() |
Ngoài ra còn một số loại vi rút gây bệnh khác có thể gây biến chứng viêm não như vi rút herpes (thường gây viêm loét miệng, mụn rộp quanh miệng, gây bệnh ở cơ quan sinh dục, bệnh thủy đậu, bệnh giời leo...); các vi rút đường ruột (EV 71 gây bệnh tay chân miệng); vi rút gây bệnh bại liệt, bệnh dại... Bên cạnh đó, một số vi rút gây bệnh nhiễm trùng thường gặp như: Bệnh sởi, sởi Đức (rubella), quai bị... cũng có thể gây di chứng viêm não. Đây là bệnh để lại di chứng nguy hiểm như: Thiểu năng trí tuệ, liệt vận động..., tỷ lệ tử vong khá cao. Mùa hè nóng ẩm, muỗi phát triển nhiều, trong khi nhiều người ngại mắc màn khi ngủ đã tạo điều kiện cho muỗi đốt nên nguy cơ viêm não vi rút càng cao.
- Triệu chứng của viêm não vi rút như thế nào, thưa bác sĩ?
+ Viêm não vi rút thường có một số biểu hiện khác nhau, tuỳ theo căn nguyên. Tuy nhiên, ở một bệnh nhân viêm não điển hình thường có biểu hiện chính là: Sốt cao kèm theo các triệu chứng liên quan đến tổn thương hệ thần kinh trung ương: Nhức đầu dữ dội, buồn nôn và nôn mửa, cứng cổ, lú lẫn, mất định hướng, thay đổi nhân cách, co giật, rối loạn nghe, nói, ảo giác, mất trí nhớ, đờ đẫn, hôn mê... Khoảng 50% bệnh nhân nặng có cơn co giật kiểu động kinh.
![]() |
Tiêm phòng đầy đủ cho trẻ là một trong những biện pháp để phòng bệnh viêm não vi rút. |
Ở trẻ nhỏ, các biểu hiện trên không điển hình và khó phát hiện nên cần phải dựa vào một số dấu hiệu quan trọng là: Nôn mửa, thóp phồng (nếu còn thóp), khóc không thể dỗ nín hoặc khóc tăng lên khi trẻ được bế lên hoặc làm thay đổi tư thế, gồng cứng người. Do viêm não có thể xuất hiện sau hoặc đồng thời với các bệnh nhiễm vi rút nên ở bệnh nhi có những triệu chứng đặc trưng của các bệnh này trước khi có biểu hiện viêm não. Giai đoạn cấp của viêm não thường từ vài ngày đến 2-3 tuần. Giai đoạn phục hồi thường kéo dài nhiều tuần đến nhiều tháng. Các triệu chứng lâm sàng rất khó phân biệt giữa các chủng vi rút, do đó việc chẩn đoán nguyên nhân phải thông qua việc xét nghiệm xác định vi rút.
- Làm thế nào để phòng bệnh viêm não vi rút, thưa bác sĩ?
+ Để phòng bệnh viêm não, điều quan trọng nhất là ngừa các bệnh có thể dẫn đến viêm não, trong đó nhiều bệnh đã có vắc xin. Bởi vậy, các gia đình cần đưa trẻ đi tiêm phòng đầy đủ và đúng lịch. Bên cạnh đó, cần thực hiện tốt vệ sinh môi trường, nhà ở sạch sẽ, vệ sinh chuồng trại chăn nuôi. Chuồng gia súc phải xa nhà. Thường xuyên diệt muỗi trong nhà, xung quanh nhà và tại các chuồng trại gia súc, loại bỏ các ổ bọ gậy. Nằm màn kể cả ban ngày và ban đêm. Không để trẻ em chơi gần chuồng gia súc. Thường xuyên rửa tay với xà phòng. Đảm bảo an toàn thực phẩm, ăn chín, uống chín. Hạn chế tiếp xúc với người bệnh. Nếu có các dấu hiệu: Sốt cao kèm theo những rối loạn ở hệ thống thần kinh trung ương (co giật, rối loạn vận động, lơ mơ, hôn mê…) phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị kịp thời.
- Xin cảm ơn bác sĩ!
Thu Nguyệt (Thực hiện)
Ý kiến (0)