Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 23:11 (GMT +7)
Để Quảng Ninh trở thành điểm đến bốn mùa
Thứ 4, 08/05/2024 | 07:53:58 [GMT +7] A A
Với nhiều lợi thế về cảnh quan và điều kiện tự nhiên, Quảng Ninh đã và đang từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Đặc biệt, tỉnh đang triển khai nhiều giải pháp, kế hoạch phát triển du lịch với mục tiêu mang đến trải nghiệm du lịch bốn mùa, trở thành điểm đến quanh năm, không thể bỏ lỡ của du khách trong nước và quốc tế.
4 tháng đầu năm 2024, Quảng Ninh đã thu hút hơn 7 triệu lượt khách du lịch. Đặc biệt, trong 5 ngày nghỉ lễ dịp 30/4- 1/5, Quảng Ninh đã đón hơn 1 triệu lượt khách, đứng thứ 4 cả nước về hiệu quả trong hoạt động du lịch, với doanh thu đạt hơn 2.210 tỷ đồng.
Với mục tiêu trở thành điểm đến bốn mùa của du khách, trong năm 2024, tỉnh dự kiến đưa 62 sản phẩm du lịch mới đến với du khách. Đến nay đã có một số sản phẩm được đưa vào hoạt động như: Phố đi bộ ở Bãi Cháy, Hạ Long; Tổ hợp khu vui chơi, giải trí ngọn Hải Đăng bên bờ Vịnh Hạ Long; Khu nghỉ dưỡng Sonasea Vân Đồn… Dự kiến trong tháng 5 này, du thuyền Essence Grand Halong Bay Cruise 2 của Công ty TNHH Vận tải Việt Thuận sẽ chính thức đi vào hoạt động. Đây là siêu du thuyền sẽ thí điểm khai thác dịch vụ du thuyền tham quan, lưu trú cao cấp trên Vịnh Bái Tử Long. Cùng với đó, các cơ quan chức năng của tỉnh cũng đang phối hợp với các đơn vị đăng ký mở sản phẩm du lịch năm 2024 để giám sát, thúc đẩy tiến độ, đồng hành với các doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai phát triển sản phẩm.
Để Quảng Ninh trở thành “điểm đến quanh năm bốn mùa, không thể bỏ lỡ”, Tỉnh ủy đã giao UBND tỉnh chỉ đạo tập trung hoàn thiện Đề án “Phát triển du lịch tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Trong đó chú trọng phát triển các không gian văn hóa gắn với không gian du lịch, mở rộng liên kết vùng, nội vùng gắn với các trọng điểm du lịch đã có của tỉnh. Cùng với đó là xây dựng môi trường văn hóa văn minh trong ứng xử, kinh doanh dịch vụ, du lịch, tạo bước đột phá trong bảo vệ môi trường, cảnh quan du lịch, phát triển sản phẩm du lịch gắn với các giá trị khác biệt của du lịch Quảng Ninh, du lịch Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long, Khu di tích Quốc gia đặc biệt Yên Tử.
Theo chỉ đạo của tỉnh, các địa phương mở rộng phát triển không gian du lịch có trọng tâm, trọng điểm gắn với bảo tồn và khai thác có hiệu quả các giá trị Di sản - Kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long, Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử. Đồng thời, xác định mức chịu tải của các khu du lịch, các điểm đến để thiết lập các tiêu chuẩn, quy chuẩn quản lý hoạt động phát triển du lịch theo sức chứa đảm bảo tính bền vững. Huy động mọi nguồn lực của các thành phần kinh tế, nhất là của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp để hoàn thiện cơ sở vật chất các khu, tuyến, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh và tập trung thu hút đầu tư, phát triển các sản phẩm du lịch dịch vụ nhất là các dự án đầu tư xây dựng sân golf nhằm thu hút khách du lịch quốc tế tại các địa phương Hạ Long, Vân Đồn, Móng Cái, Cẩm Phả, Uông Bí, Đông Triều, Tiên Yên, Đầm Hà.
Hiện nay, Quảng Ninh cũng đang yêu cầu các địa phương rà soát, khảo sát nguồn nước ngọt, nguồn nước sinh hoạt ở các xã đảo; hệ thống xử lý nước thải, rác thải của các cơ sở lưu trú, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tại các địa điểm, các khu du lịch, các điểm đến mới nổi... nhằm có giải pháp đồng bộ, xây dựng môi trường du lịch văn minh. Đồng thời, tăng cường đầu tư các điểm dừng nghỉ, hệ thống nhà vệ sinh công cộng đạt tiêu chuẩn trên các tuyến du lịch đường bộ. Đặc biệt, để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch và phù hợp với xu thế chuyển đổi số, tỉnh yêu cầu các đơn vị liên quan nghiên cứu, lắp đặt, nâng cao hệ thống wifi, sóng di động 4G, 5G trên vùng Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long và các khu du lịch trên địa bàn tỉnh; rà soát hạ tầng cảng bến của các tuyến đảo có phát sinh hoạt động du lịch, bảo đảm an toàn cho nhân dân, du khách. Cùng với đó, nghiên cứu, rà soát, định hình các luồng tuyến tham quan khoa học hợp lý gắn với xây dựng phương án phát triển đội tàu du lịch phục vụ khách tham quan khu vực Vịnh Bái Tử Long - Vân Đồn - Cô Tô theo tiêu chí chất lượng cao, sang trọng, mới lạ, bảo đảm chất lượng và an toàn, không chạy theo số lượng đơn thuần.
Riêng đối với thị trường khách quốc tế, Quảng Ninh sẽ tăng cường xúc tiến, quảng bá du lịch, nghiên cứu, xây dựng chiến lược phát triển thị trường khách du lịch đến Quảng Ninh, trọng tâm là Trung Quốc, Đông Bắc Á, Hàn Quốc, Ấn Độ... Trong đó, đổi mới cách thức, nội dung ứng dụng công nghệ hiện đại, bảo đảm thực hiện thống nhất, chuyên nghiệp; chủ động xây dựng nội dung thông tin, xúc tiến quảng bá bằng các thứ tiếng để đưa ra thế giới các thương hiệu nổi tiếng của Quảng Ninh. Đồng thời, nghiên cứu hợp tác truyền thông với các hãng thông tấn báo chí quốc tế nổi tiếng như CNN, NHK, Google, Advisor...
Cùng với đó, Quảng Ninh cũng quan tâm đầu tư phát triển nguồn nhân lực du lịch, nhất là nguồn nhân lực ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo, từng bước tăng cường năng lực tham gia của cộng đồng dân cư địa phương để phát triển du lịch bền vững. Tiếp tục cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, minh bạch, bình đẳng, thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng nhân dân phát triển du lịch; tăng cường công tác đảm bảo môi trường du lịch, bảo đảm an ninh, an toàn cho khách du lịch, đảm bảo an ninh du lịch; khuyến khích doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số, đa dạng hóa các loại hình sản phẩm du lịch; hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp kinh doanh về lĩnh vực du lịch, nhất là ở các địa phương vùng sâu, vùng xa.
Theo kế hoạch, trong năm 2024, tỉnh sẽ hoàn thành xây dựng bộ nhận diện thương hiệu du lịch Quảng Ninh gắn với hình ảnh “nụ cười Hạ Long” và hệ giá trị địa phương “Thiên nhiên tươi đẹp - văn hóa đặc sắc - xã hội văn minh - hành chính minh bạch - kinh tế phát triển - nhân dân hạnh phúc”.
Bảo Bình
Liên kết website
Ý kiến ()