Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 14:53 (GMT +7)
Để thanh niên “miễn dịch” với thông tin xấu, độc trên mạng xã hội
Thứ 5, 23/05/2024 | 10:00:00 [GMT +7] A A
Với đặc điểm tâm lý lứa tuổi, có những hạn chế về nhận thức chính trị, giới trẻ trở thành đối tượng trọng điểm để các thế lực thù địch tấn công, lôi kéo, kích động thông qua mạng internet, nhất là mạng xã hội (MXH). Vì vậy, việc tăng cường sức “đề kháng” cho những người trẻ trên MXH đang ngày càng được quan tâm đẩy mạnh.
Mô hình hiệu quả, thiết thực
Môi trường MXH mang đến cho thanh niên, học sinh nhiều lợi ích về học tập, giải trí, nhưng cũng ẩn chứa nhiều hệ lụy, rủi ro. Xác định được những nguy cơ, rủi ro ảnh hưởng tới thế hệ trẻ trên địa bàn tỉnh, với mục tiêu thực hiện hiệu quả nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch, tuyên truyền hướng dẫn học sinh, sinh viên (HSSV) sử dụng, khai thác thông tin trên internet và mạng xã hội (MXH) phục vụ các mục tiêu lành mạnh, chấp hành pháp luật và tự bảo vệ mình trước tác động tiêu cực của MXH, từ năm 2022, mô hình “Sử dụng MXH an toàn cho học sinh, sinh viên tỉnh Quảng Ninh” đã được thí điểm triển khai.
4 trường học trên địa bàn TP Hạ Long được chọn triển khai mô hình, gồm: Trường THPT Hòn Gai, Trường Cao đẳng Y tế Quảng Ninh, Trường TH-THCS&THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm và Trung tâm Hướng nghiệp và Giáo dục thường xuyên tỉnh. Bắt tay vào thực hiện mô hình, các nhà trường có các hoạt động sáng tạo, phù hợp với học sinh, sinh viên để giáo dục, tuyên truyền về sử dụng MXH an toàn, văn minh.
Tại Trường Tiểu học-THCS-THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, nhà trường tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền về sử dụng MXH an toàn tới toàn thể cán bộ, giáo viên, học sinh và phụ huynh; tổ chức ký cam kết đến từng chi đoàn, chi đội; phát tài liệu có nội dung tuyên truyền, xây dựng các phóng sự, tin, bài về sử dụng MXH an toàn đăng tải trên các website, fanpage và zalo của nhà trường.
Cùng với đó, Trường cũng thành lập câu lạc bộ lý luận trẻ, gồm các học sinh, giáo viên yêu thích lý luận chính trị và mời tham gia làm cộng tác viên cho mô hình MXH an toàn. Nhà trường đã tổ chức 3 cuộc thi về tìm hiểu kỹ năng sử dụng MXH; tổ chức biểu diễn tiểu phẩm tuyên truyền về vấn đề an ninh mạng; các chi đoàn, chi đội giới thiệu các tấm gương “Người tốt, việc tốt” tuyên truyền trên trang fanpage của nhà trường; dán pano, áp phích, tờ rơi liên quan đến sử dụng MXH an toàn. Trường cũng tổ chức các cuộc thi online trên mạng xã hội nhằm nâng cao cảnh giác, đấu tranh với các luận điệu sai trái, khích lệ tinh thần ham hiểu biết, học hỏi và tư duy sáng tạo của học sinh; từ đó thu hút được nhiều học sinh tham gia.
Trường Cao đẳng Y tế Quảng Ninh đã thành lập mới trang zalo “Trường Cao đẳng Y tế Quảng Ninh” từ đầu tháng 7/2022, đưa vào sử dụng song song cùng trang web https://cdytquangninh.edu.vn/ và trang fanpage Tư vấn tuyển sinh cyq, đồng thời tiến hành kiện toàn ban quản trị quản lý các trang MXH. Mỗi tuần, Ban chỉ đạo nhà trường đều duyệt kế hoạch truyền thông trên các trang MXH. Mỗi ngày, trên các trang MXH của nhà trường đều phải đăng tải ít nhất 1 bài viết về những thông tin hữu ích dành cho học sinh, sinh viên hoặc giới thiệu các tấm gương “người tốt, việc tốt” nhằm tạo sự lan tỏa, lấy cái đẹp dẹp cái xấu.
Là một mô hình mới của tỉnh Quảng Ninh nhưng sau thời gian triển khai, mô hình “Sử dụng MXH an toàn cho học sinh, sinh viên tỉnh Quảng Ninh” có ý nghĩa rất lớn trong việc nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành, nhà trường, học sinh, sinh viên trong việc sử dụng MXH an toàn; tăng cường mối quan hệ giữa nhà trường với học sinh, phụ huynh với nhà trường. Quan trọng hơn, mô hình còn giúp ngăn chặn các thông tin sai trái, xấu độc tác động đến nhận thức, hành vi của học sinh, sinh viên và phòng ngừa các hoạt động vi phạm pháp luật, những hành vi sai trái của học sinh, sinh viên diễn ra trên MXH.
Đoàn thanh niên vào cuộc
Đồng chí Nguyễn Phương Thảo, Phó Bí thư Tỉnh đoàn Quảng Ninh chia sẻ: Tỉnh đoàn Quảng Ninh luôn chú trọng đến việc phát huy vai trò của tổ chức đoàn trong định hướng thông tin cho cấp cơ sở, đặc biệt là trên các trang MXH. Tỉnh đoàn đã chỉ đạo các cấp bộ đoàn trong tỉnh thành lập các trang, nhóm trên facebook, zalo nhằm tuyên truyền, tập hợp, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng cũng như tuyên truyền, giáo dục, định hướng cho ĐVTN.
Hiện nay, 100% các cơ sở Đoàn, Hội, Đội đều thành lập trang fanpage riêng. Để đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kỹ năng cho thanh niên trong việc tuân thủ và thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật và quy tắc ứng xử văn hóa trên MXH, định kỳ, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn mời các báo cáo viên của Trung ương, của tỉnh tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ Đoàn từ tỉnh đến cơ sở về cách thức viết tin, bài trên MXH; văn hóa ứng xử trên MXH, cách xử lý điểm nóng khi có vấn đề phát sinh trên internet, MXH. Nhờ đó, hiện các trang fanpage của các cơ sở Đoàn, Hội, Đội đã thường xuyên đăng tải, chia sẻ các nội dung hoạt động của đơn vị; các thông tin thời sự chính thống về tình hình phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh; các kết quả công tác hoạt động…
Đáng chú ý, trên các trang MXH này, những tấm gương người tốt - việc tốt, thanh niên tiêu biểu cũng thường xuyên được chia sẻ nhằm lan tỏa lối sống đẹp, tinh thần thi đua rèn luyện học tập trong thanh niên trên các chuyên mục “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp”, “Theo dấu chân Bác”... Những thông tin tích cực liên tục được đăng tải có thể ví như “cơn gió mát lành” làm dịu đi cái ngột ngạt giữa “cơn bão” tin giả, tin tiêu cực.
Đồng thời, hằng năm, Tỉnh Đoàn phối hợp xây dựng các chương trình tọa đàm, vở kịch ngắn, các video đăng tải trên các trang MXH nhằm tuyên truyền các kỹ năng sử dụng MXH, nhận biết rủi ro trên không gian mạng, nhất là kịp thời phát hiện, đấu tranh, xử lý các thông tin xấu độc, tiêu cực, phản động trên internet, MXH cho thanh thiếu nhi.
Bằng việc duy trì các kênh thông tin trên MXH này, ngoài làm tốt công tác kết nối, tương tác; tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các mô hình hay, gương tiêu biểu, thì đây còn là nơi “giải độc” thông tin, phản biện các luận điệu xuyên tạc, bóp méo sự thật của các thế lực thù địch.
Đặc biệt, phát huy tinh thần tiên phong, sáng tạo của thanh niên, với cách làm đa dạng và hiệu quả để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, từ năm 2022, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh đã xây dựng và đưa vào vận hành mô hình trên không gian mạng nhằm tạo thêm kênh định hướng, giáo dục hiệu quả cho thanh niên khi dùng MXH chủ động sàng lọc, nhận diện được các thông tin “xấu”, “độc.
Đó là Bộ công cụ học tập, rèn luyện Lý luận chính trị cho Đoàn viên, thanh niên. Đến nay, sau thời gian vận hành, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã tổ chức 2 đợt thi Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu 5 bài học Lý luận chính trị cho đoàn viên, thanh niên Quảng Ninh. Trong đó, có bài học số 5 với nội dung "Nhận diện, đánh giá tác động của mạng xã hội với lối sống của thanh thiếu niên hiện nay" trên Bộ công cụ học tập, rèn luyện Lý luận chính trị cho Đoàn viên, thanh niên tại địa chỉ web: hoctaplyluan.tinhdoanquangninh.vn. Kết quả đã có 41.640 đoàn viên, thanh niên tham gia dự thi với 59.820 lượt thi. Cách làm này đã tạo sự thống nhất, đồng bộ trong việc triển khai học tập lý luận chính trị, góp phần nâng cao bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng vững vàng cho ĐVTN của tỉnh, nhất là trên môi trường internet và MXH.
Nâng cao khả năng “tự đề kháng”
Để giúp đoàn viên, thanh niên có được “lá chắn” bảo vệ mình trên không gian mạng và tiến tới cao hơn nữa, trong cuộc đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng, để xây dựng mỗi ĐVTN trở thành một chiến sĩ trên không gian mạng, sẽ cần sự vào cuộc tích cực hơn nữa từ nhiều phía.
Việc tỉnh quan tâm tiếp tục triển khai tốt mô hình "Sử dụng mạng xã hội an toàn cho học sinh, sinh viên tỉnh Quảng Ninh" đến nhiều trường học trên địa bàn hơn nữa là việc làm cần thiết, tạo hiệu quả thực chất, lan toả trong xã hội. Thông qua mô hình này, từ phía các trường học sẽ có sự gắn kết chặt chẽ hơn trong việc giáo dục, định hướng học sinh, sinh viên sử dụng MXH; theo dõi chặt chẽ, kịp thời phát hiện, nhắc nhở, chấn chỉnh đối với những hành vi, thông tin chưa chuẩn mực trên MXH của học sinh, sinh viên.
Bên cạnh đó, các nhà trường, các tổ chức Đoàn, Hội, Đội cần tăng cường hơn nữa việc đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ phụ trách công tác đấu tranh phản bác thông tin sai sự thật, xấu độc trên Internet, mạng xã hội.
Về phía cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội cần có nhiều hình thức tập hợp thanh niên; tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức, trang bị các phương pháp tiếp cận thông tin trên internet và MXH một cách khoa học và đúng đắn. Đặc biệt là cần quan tâm đến công tác giáo dục chính trị tư tưởng, bồi đắp lý tưởng cách mạng, nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới cho thanh niên. Có như vậy mới giúp thanh niên tăng cường khả năng “miễn dịch”, nâng cao “sức đề kháng”, trở thành lực lượng xung kích, có trách nhiệm khi tiếp cận thông tin trên MXH, góp phần lan tỏa thông tin chính thống; tham gia bình luận, chia sẻ, “phủ xanh” không gian mạng; kiên quyết đấu tranh, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, cực đoan.
Khánh Đan
Liên kết website
Ý kiến ()