Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 30/11/2024 12:42 (GMT +7)
Để xây dựng những người làm báo có bản lĩnh chính trị, kỹ năng nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp
Thứ 5, 18/06/2015 | 16:09:00 [GMT +7] A A
Chúng ta từng nghe đến quen thuộc cụm từ “không ngừng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao bản lĩnh chính trị, kỹ năng nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp cho người làm báo”; rồi chuyện các cơ quan báo chí liên tục đề nghị cho nhiều phóng viên, biên tập viên đi học các lớp cao cấp lý luận chính trị, các lớp trên đại học báo chí, tiến sỹ báo chí…
Việc đi học như vậy là cần thiết, là yếu tố nền tảng để xây dựng đội ngũ những người làm báo chuyên nghiệp, cách mạng, hiện đại. Tuy nhiên, đối với nghề báo, nếu chỉ có như vậy thì chưa đủ, như con người mới có phần thân chắc chắn chứ chưa thể “mắt sáng, lòng trong, bút sắc”.
Đồng chí Nguyễn Tiến Mạnh, Chủ tịch Hội Nhà báo, Tổng Biên tập trao giấy khen cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước của Báo Quảng Ninh giai đoạn 2010 - 2015. |
Xét cho cùng, không có thứ bản lĩnh, đạo đức nghề nghiệp chung chung, mà nó gắn với từng nghề nghiệp, từng con người. Làm báo là làm chính trị, như Bác Hồ từng nói: Mỗi người làm báo là một chiến sỹ cách mạng trên mặt trận tư tưởng. Trong phát biểu bế mạc Hội nghị TƯ 10 khoá XI, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh “báo chí là công cụ tuyên truyền, vũ khí tư tưởng quan trọng của Đảng, nhà nước, diễn đàn của nhân dân”. Xét về mặt xã hội, báo chí có vai trò, ảnh hưởng, tác động to lớn. Một bác sỹ, nếu có sai sót trong ca mổ, có thể dẫn đến tử vong của một người, nhưng nếu một bài báo sai sót, có thể làm hàng ngàn, thậm chí hàng triệu người bị ảnh hưởng.
Trong thực tế hoạt động, cũng không có thứ nhà báo chung chung, mà mỗi người lại gắn với một công việc, lĩnh vực, vùng đất cụ thể. Vì thế các giải pháp đào tạo, bồi dưỡng về bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp lại phải rất cụ thể đối với lãnh đạo các cơ quan báo chí và từng người làm báo. Trong các giải pháp, việc thành bại của mỗi người làm báo phụ thuộc vào chính sách của người quản lý và vai trò tự thân của người làm báo. Chính sách tốt để khuyến khích và “cưỡng chế” mỗi người làm báo phải tự học tập, rèn luyện, còn người làm báo phải tự mình học tập, rèn luyện để vươn lên. Ngoài rèn luyện về phẩm chất chính trị, đạo đức tác phong, người làm báo chỉ thực sự tự tin, bản lĩnh vững vàng khi có đủ kiến thức, khi thật am hiểu vấn đề, lĩnh vực mình viết và có kỹ năng nghề nghiệp. Phải trang bị cho mình đầy đủ kiến thức mới dám đương đầu với khó khăn, lăn lộn vào cuộc sống, tìm những vấn đề hóc búa đề dấn thân, phát hiện, lý giải và dũng cảm đi đến cùng, bảo vệ cái đúng, bảo vệ lẽ phải, đấu tranh với những tiêu cực xã hội. Ví dụ, khi viết về đấu tranh chống tham nhũng, nếu ta không hiểu rõ, không có kỹ năng khai thác, xử lý thông tin, có thể trở thành võ đoán, quy chụp. Chỉ cần một thông tin hoặc áp lực ngược chiều là chùn tay, buông xuôi. Hoặc khi viết về nhân tố mới, khi cần bảo vệ cái mới trước các ý kiến trái chiều, nếu không có đủ kiến thức lý luận, thực tiễn sâu sắc chắc chắn sẽ dao động, nếu cứ cố tình bảo vệ sẽ chỉ là thứ “lý luận cùn” mà thôi. Chuyện này không phải là không có thật. Trong các cuộc họp của một vài cơ quan báo chí, có những phóng viên chuyên viết về đột phá, đổi mới, khi được hỏi 3 đột phá chiến lược, các hình thức hợp tác công-tư mà Quảng Ninh đang thực hiện là gì cũng không trả lời chính xác. Rồi cũng có những phóng viên do non nớt, do kém hiểu biết đã vô tình vi phạm những quy định đạo đức nghề nghiệp. Cũng có một bộ phận phóng viên, không thường xuyên rèn luyện về nhân cách, đã đánh đổi phẩm giá mình với những chiếc phong bì, biết đúng không bảo vệ, thấy sai vẫn khen.
Phóng viên Báo Quảng Ninh học cách dàn trang trên báo in. |
Trong thực tế, đang xuất hiện một bộ phận các phóng viên “cổ cồn” với “3 lạnh”: Đi xe lạnh, tác nghiệp trong phòng lạnh, viết báo theo kiểu máu lạnh. Những nhà báo kiểu này chẳng có chút bản lĩnh, đạo đức nghề nghiệp nào, nhưng trớ trêu thay, lại là những người có cuộc sống vật chất khá hơn hẳn những phóng viên đầy bản lĩnh và trách nhiệm. Nhiều cơ quan báo chí phải lo tự chủ kinh phí hoạt động, phóng viên được giao chỉ tiêu quảng cáo…Đó cũng là điều những người quản lý báo chí, lãnh đạo các cơ quan báo chí phải quan tâm, suy nghĩ. Hiện nay, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, trong sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ, càng đòi hỏi người làm báo phải rèn luyện bản lĩnh, đạo đức nghề nghiệp và kỹ năng tác nghiệp hiện đại để thích nghi với các yếu tố phi truyền thống của báo chí. Từ những vấn đề trên, để xây dựng được đội ngũ những người làm báo cách mạng có bản lĩnh, năng lực chuyên môn, có đạo đức nghề nghiệp trong sáng cho tương lai cần quan tâm những nội dung sau:
Thứ nhất, công tác đào tạo phóng viên cần có sự đột phá về việc tuyển sinh, chương trình dạy và phương pháp. Ngoài các môn học như hiện nay cần phân ban để giảng dạy sâu các kiến thức về chuyên ngành như : Tài chính, kinh tế, thuỷ sản, môi trường… Hoặc lựa chọn các sinh viên các trường có năng khiếu báo chí đào tạo tiếp. Chắc chắn, nếu có kiến thức chuyên sâu, các phóng viên sẽ viết tốt hơn rất nhiều. Việc dạy kỹ năng cần thực tế hơn, từ nghiệp vụ đến ngoại ngữ, tác nghiệp điện tử… Đội ngũ giảng viên cũng cần đổi mới về chất lượng. Giảng viên báo chí phải là các nhà báo giỏi, có nhiều kinh nghiệm thực tế.
Thứ hai, cần giáo dục sâu hơn về truyền thống, về tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh - niềm tự hào về nhân cách sống của dân tộc và thế giới, người khai sinh nền báo chí cách mạng Việt Nam, về tấm gương lớp lớp các nhà báo cách mạng đã cống hiến và hy sinh vì độc lập tự do của dân tộc. Việc giáo dục truyền thống phải thực hiện trong trường học, thực hiện thường xuyên trong mỗi cơ quan báo chí, để mỗi người làm báo xây dựng cho mình niềm tự hào, ý thức trách nhiệm, nghị lực vượt khó của người làm báo chân chính.
Đồng chí Nguyễn Huy Trợ, Nguyên Tổng Biên tập Báo Quảng Ninh chia sẻ kinh nghiệm làm nghề với phóng viên Báo Quảng Ninh. |
Thứ ba, các cơ quan quản lý báo chí cần quan tâm hơn đến điều kiện vật chất của các toà soạn báo, của các phóng viên. Nếu đã xác định “báo chí là vũ khí tư tưởng quan trọng của Đảng” thì cần thiết phải chăm lo, đầu tư. Tất nhiên, các cơ quan báo chí cũng phải vươn lên tự chủ một phần, nhưng không thể khoán trắng, không thể để báo chí bươn chải kiếm tiền bằng mọi giá.
Thứ tư, lãnh đạo các cơ quan báo chí cần đổi mới trong cách tuyển dụng, trong đào tạo, đào tạo lại, mạnh dạn đầu tư, tuyển dụng người đã qua hoạt động thực tiễn có năng khiếu báo chí, được tôi luyện và thử thách, đào tạo lại nghề báo. Với những phóng viên trẻ, cần dành nguồn kinh phí thích hợp, để đào tạo thêm các lĩnh vực chuyên sâu, giao việc khó để thử thách và rèn luyện bản lĩnh, cho đi “nằm vùng” để hiểu cuộc sống hơn, để xây dựng cho mình bản lĩnh sống, cảm xúc với cuộc sống, tình cảm yêu thương, sẻ chia. Cần mạnh dạn đánh giá, loại ra khỏi đội ngũ những “con sâu” để tạo nên động lực, sự cạnh tranh lành mạnh trong đội ngũ.
Thứ năm, đối với mỗi người làm báo, cần xác định tự học tập, rèn luyện về mọi mặt, tự bổ sung kiến thức mới, là yêu cầu bắt buộc, là thứ như nước uống, thức ăn hàng ngày để trở thành những nhà báo có bản lĩnh, có nghiệp vụ tinh thông và đạo đức nghề nghiệp trong sáng. Trong trái tim mình, phải luôn khắc ghi lời căn dặn của Bác Hồ muôn vàn kính yêu “viết cái gì, viết cho ai, viết để làm gì?"
Nguyễn Tiến Mạnh (Chủ tịch HNB Quảng Ninh-TBT Báo Quảng Ninh)
Liên kết website
Ý kiến ()