Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 15:29 (GMT +7)
Đề xuất áp Thuế Tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường: Doanh nghiệp thêm nỗi lo
Thứ 5, 25/05/2023 | 14:29:42 [GMT +7] A A
Trước đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) với đồ uống có đường, nhiều doanh nghiệp ngành đồ uống lo đối diện khó khăn nhiều hơn phá sản nhất là khi họ chưa kịp vực dậy sau khó khăn hậu COVID-19.
Trong tài liệu mới nhất xin ý kiến thẩm định hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế TTĐB sửa đổi, Bộ Tài chính giữ đề xuất áp thuế với đồ uống có đường, thức uống đại mạch khiến các doanh nghiệp (DN) đồ uống lo sốt vó.
Đại diện một DN sản xuất nước ngọt cho biết, phần lớn nguyên liệu đầu vào nhập khẩu và liên tục tăng từ 2022 tới nay. Chi phí sản xuất trong nước như vận chuyển, chi phí nhân công cũng không ngừng tăng lên. Trong khi đó, doanh số sụt giảm, kinh tế khó khăn, người tiêu dùng hạn chế mua sắm, sử dụng. “Lợi nhuận của chúng tôi đã mang ra gồng gánh cố duy trì sản xuất để gắng gượng vượt qua giai đoạn dịch bệnh. Nếu tiếp tục áp Thuế TTĐB, chúng tôi sẽ đứng trước nguy cơ phá sản”, vị này chia sẻ.
Thống kê cho thấy hiện tại, Việt Nam có khoảng 1.800 cơ sở sản xuất nước giải khát và tạo việc làm trực tiếp cho khoảng 300.000 lao động và việc làm gián tiếp cho hàng triệu lao động. Ngành đồ uống chiếm 4,5% ngành sản xuất kinh doanh dịch vụ, đóng góp gần 50 nghìn tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, dịch COVID-19 đã giáng đòn nặng vào sức chống chịu của DN ngành đồ uống. Năm 2020, doanh thu giảm 17%, lợi nhuận giảm gần 95% so với năm 2019. Sang năm 2021, con số này tương ứng giảm 4,8% và lợi nhuận giảm 31%. Từ năm 2022 trở lại đây, DN ngành đồ uống mới bắt đầu gượng dậy.
Bà Chu Thị Vân Anh - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Bia rượu và nước giải khát Việt Nam (VBA) cho biết, ngành đồ uống đang ở giai đoạn khó khăn. Doanh thu, lợi nhuận quý 1/2023 của nhiều DN lớn trong ngành sụt giảm. Chi phí nguyên liệu đầu vào tăng mạnh, tồn kho tăng cao do thói quen chi tiêu của người dân cũng có xu hướng giảm dần. “DN phải đối mặt với muôn vàn khó khăn. Đề xuất áp Thuế TTĐB với đồ uống có đường sẽ tác động lớn không chỉ đến DN mà còn tác động tới đời sống kinh tế, xã hội của người dân”, bà Vân Anh nói.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đề xuất áp Thuế TTĐB với thức uống đại mạch. Đây là một trong những sản phẩm bia không nồng độ cồn mới xuất hiện tại Việt Nam. Theo đại diện Heineken Việt Nam, đề xuất này của Bộ Tài chính chưa hợp lý. Đại diện DN này cho rằng, các yếu tố giống nhau về nguyên liệu, quy trình, hình thức, mùi vị không phải là cơ sở pháp lý để áp Thuế TTĐB. Điều này cũng không phù hợp với mục đích của sắc thuế này là hạn chế hoặc không khuyến khích tiêu dùng những sản phẩm có hại cho sức khỏe.
Theo VBA, tỷ lệ trung bình tiêu thụ đồ uống tại Việt Nam năm 2020 khoảng 34,1 lít/người/năm. Tỷ lệ tiêu thụ nước ngọt có ga ở mức 15,5 lít/người/năm. Nhiều nước có mức tiêu thụ nước giải khát cao hơn rất nhiều so với Việt Nam cũng không áp dụng thuế đối với sản phẩm này. Tại châu Âu, nhiều nước có lượng tiêu thụ đồ uống có đường trên 100 lít/người/năm không áp Thuế TTĐB, như Đức 336,3 lít/người/ năm, Hungary 310,3 lít/người/ năm, Bỉ 272,4 lít/người/ năm. “Báo cáo đánh giá tác động của Bộ Tài chính hiện mới chỉ dựa trên đánh giá định tính, chưa có các đánh giá định lượng theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật”, VBA kiến nghị.
Cần nuôi dưỡng nguồn thu
Theo nghiên cứu do Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương thực hiện năm 2018 (cập nhật năm 2020), nếu áp Thuế TTĐB 10% đối với đồ uống có đường, doanh thu của ngành đồ uống sẽ giảm 3.928 tỷ đồng. Trong khi đó, mức doanh thu thuế tăng thêm cho ngân sách nhà nước chỉ đạt 1.525 tỷ đồng. Đồng thời, chính sách thuế này nếu áp dụng sẽ kéo theo tác động lan toả đến nhiều DN trong chuỗi cung ứng cũng như toàn bộ nền kinh tế.
Để tránh trường hợp DN tiếp tục có kiến nghị đối với mặt hàng này, Bộ Tài chính tiếp thu ý kiến theo hướng sửa cụm từ “đồ uống có đường” thành “nước giải khát có đường theo Tiêu chuẩn Việt Nam” vào đối tượng chịu thuế TTĐB.
Ông Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách (VEPR) cho rằng, ngành sản xuất đồ uống có tăng trưởng sản xuất nhưng cũng biến động rất lớn trong 5 năm qua. Dịch COVID-19 khiến ngành này chịu nhiều tổn thương. Ông Việt khuyến nghị, việc tính toán chính sách cần nhìn vào thực trạng, thực tế nền kinh tế. Nếu tăng thuế suất lúc này, tổng thu ngân sách chưa chắc tăng, ngược lại có thể giảm vì mức thuế quá cao. Tổng cầu trên GDP đang giảm mà tăng thuế sẽ khiến tỷ trọng này đi xuống.
“Trong bối cảnh khó khăn chung về sản xuất kinh doanh, chính sách thuế với doanh nghiệp, người dân nên duy trì để tiếp sức và kích cầu tiêu dùng trong nước. Bất kỳ sự thay đổi nào cũng cần nghiên cứu kỹ lưỡng, đảm bảo hài hoà lợi ích Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Thay vì tăng thu từ tăng thuế nên nuôi dưỡng cho doanh nghiệp phục hồi, phát triển”, ông Việt khuyến nghị.
Trao đổi với Tiền Phong, một cán bộ Bộ Tài chính trong ban soạn thảo dự thảo cho biết, có 74 ý kiến của bộ ngành, hiệp hội đồng ý bổ sung đồ uống có đường chịu thuế TTĐB. “Tác hại của đồ uống có đường đến sức khỏe con người đã được các tổ chức quốc tế về bảo vệ sức khỏe cộng đồng, Bộ Y tế đưa ra tài liệu chứng minh. Các tổ chức này đều khuyến nghị áp dụng thuế TTĐB đối với đồ uống có đường góp phần giảm tiêu dùng sản phẩm này. Chúng tôi đề nghị giữ nguyên đề xuất bổ sung đồ uống có đường vào đối tượng chịu thuế TTĐB”, đại diện Bộ Tài chính cho biết.
Theo tienphong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()