Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 27/12/2024 18:12 (GMT +7)
Đề xuất cấm mua bán thuốc qua mạng xã hội
Thứ 4, 19/06/2024 | 14:37:28 [GMT +7] A A
Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ chỉ cho bán thuốc trên mạng đối với những thuốc trong danh mục được phép bán không kê đơn (OTC) và thực phẩm chức năng.
Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược. Dự luật bổ sung quy định kinh doanh các thuốc, nguyên liệu làm thuốc phải thực hiện trên sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT), ứng dụng TMĐT bán hàng, website TMĐT bán hàng. Cơ sở kinh doanh dược được đăng tải các thông tin của thuốc phù hợp với quy định về thông tin thuốc và quảng cáo thuốc trên phương tiện kinh doanh TMĐT. Phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, hợp pháp, trung thực của các hồ sơ, tài liệu cung cấp cho cơ quan có thẩm quyền.
Dự luật đề xuất không được kinh doanh dược trên mạng xã hội và các hình thức kinh doanh điện tử khác. Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Xã hội cho biết có hai luồng ý kiến về thuốc bán lẻ theo phương thức TMĐT. Nhóm thứ nhất đề nghị chỉ áp dụng với thuốc không kê đơn, thuốc không thuộc trường hợp hạn chế sử dụng hoặc sử dụng dưới sự giám sát của thầy thuốc. Nhóm thứ hai đề nghị không ghi cụ thể mà giao Bộ trưởng Bộ Y tế quy định để bảo đảm linh hoạt, đáp ứng với sự thay đổi của khoa học kỹ thuật. Đa số ý kiến thống nhất loại ý kiến thứ nhất, bởi thuốc là mặt hàng đặc thù, ảnh hưởng trực tiếp tới tính mạng, sức khỏe của người dân.
Nhiều chuyên gia cho rằng trước sự phát triển của hệ thống TMĐT và thói quen mua sắm online thì việc bán thuốc, các sản phẩm liên quan đến sức khỏe không thể đứng ngoài xu thế này. Hiện nay, việc cá nhân và nhà thuốc bán thuốc có được bán thuốc online hay không chưa được quy định cụ thể. Do đó, sự ra đời của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Dược được kỳ vọng giải quyết những "nút thắt" trong loại hình kinh doanh thuốc này.
Liên quan đến đề xuất cấm mua bán thuốc qua mạng xã hội, ông Vũ Tuấn Cường, Cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), cho biết kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn đã được quy định tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh; song pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể với hình thức bán hàng này. Thuốc là mặt hàng kinh doanh ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân, được quản lý chặt chẽ bởi Bộ Y tế. Hoạt động bán lẻ thuốc tại nhà thuốc phải đáp ứng các yêu cầu khắt khe. Để quản lý việc bán thuốc trên mạng, ông Cường cho rằng cần liên thông kết nối các hệ thống từ người kê đơn đến người bán thuốc; đồng thời có chế tài phạt nặng người bán thuốc trong danh mục kê đơn mà không có đơn thuốc của bác sĩ qua hệ thống phần mềm.
Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ chỉ cho bán thuốc trên mạng đối với những thuốc trong danh mục được phép bán không kê đơn (OTC) và thực phẩm chức năng. Các cá nhân không được phép livestream, quảng cáo bán thuốc kê đơn trên các nền tảng mạng xã hội.
Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, hình thức bán thuốc, thực phẩm chức năng trên các nền tảng mạng xã hội và livestream ngày nay khá phổ biến. Thậm chí, có công ty dược phẩm tổ chức phiên livestream bán hàng trên mạng xã hội thu hút hàng triệu lượt xem, bán được hàng ngàn sản phẩm. Sở sẽ tăng cường, thường xuyên theo dõi việc quảng cáo, kinh doanh thuốc trên các kênh thông tin điện tử. Đồng thời, kêu gọi người dân khi phát hiện đơn vị, cơ sở nào kinh doanh thuốc qua mạng, thuốc không rõ nguồn gốc hoặc quảng cáo gây nhầm lẫn giữa thuốc và thực phẩm bảo vệ sức khỏe có thể báo lên ứng dụng y tế trực tuyến hoặc đường dây nóng của Sở Y tế để xử lý.
Theo vtv.vn
Liên kết website
Ý kiến ()