Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 20/11/2024 01:30 (GMT +7)
Đề xuất đưa sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá
Thứ 4, 08/06/2022 | 17:04:17 [GMT +7] A A
Nêu rõ sách giáo khoa không phải là mặt hàng Nhà nước định giá mà thuộc danh mục kê khai giá, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ sẽ tham mưu cho Chính phủ và Quốc hội để quyết định có bổ sung sách giáo khoa vào diện bình ổn giá và đưa vào Luật Giá hay không.
Sách giáo khoa đang do doanh nghiệp định giá
Tại phiên chất vấn sáng 8/6, nhiều đại biểu Quốc hội nêu vấn đề giá sách giáo khoa, đề xuất bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá. Trong đó, đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung (Hải Dương) đặt câu hỏi về vai trò, trách nhiệm thẩm định giá của Bộ Tài chính với sách giáo khoa, trong bối cảnh giá sách giáo khoa được quy định do doanh nghiệp xác định giá và kê khai giá với Bộ Tài chính trước khi đưa ra thị trường.
Cũng quan tâm về giá sách giáo khoa, đại biểu Châu Quỳnh Dao (Kiên Giang) cho biết, hơn 2 năm trước, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo có kiến nghị Bộ Tài chính tiến hành rà soát, đánh giá tổng thể tình hình triển khai thực hiện Luật Giá để trình cấp có thẩm quyền xem xét, bổ sung sách giáo khoa vào danh mục Nhà nước định giá nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành.
Đại biểu cũng đặt câu hỏi về nguyên nhân, trách nhiệm của Bộ Tài chính và khi nào Bộ hoàn thành kiến nghị này để người dân yên tâm vì còn 2 tháng nữa các em học sinh sẽ bước vào năm học mới.
Trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nêu rõ, giá sách giáo khoa không phải là mặt hàng Nhà nước định giá mà thuộc danh mục kê khai giá, cho nên quyền quyết định giá là của các nhà sản xuất ra sách giáo khoa.
Trên cơ sở đó, người mua sẽ lựa chọn để mua sách ở những chỗ nào chất lượng tốt nhất và giá rẻ nhất, trên tinh thần là phải minh bạch, phải niêm yết một cách công khai. Nhà nước chỉ thẩm định giá đối với những loại sách và những sản phẩm được mua bằng ngân sách của Nhà nước, Bộ trưởng cho biết.
Tranh luận với phần trả lời này, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho biết rất “ngạc nhiên” với quy định việc thẩm định giá chỉ thực hiện đối với các loại hàng hóa mua bằng ngân sách Nhà nước. Từ đó, đại biểu đề nghị Quốc hội sớm đưa sách giáo khoa vào loại hàng hóa đặc biệt phải được thẩm định giá và cần trợ giá cho học sinh ở những vùng khó khăn càng sớm, càng tốt. Khi sửa Luật Giá tới đây cần hết sức lưu ý sửa đổi một cách tốt nhất, phục vụ nhân dân, đặc biệt những gia đình có con đi học.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng, ý kiến đưa sách giáo khoa vào danh sách hàng hóa được thẩm định giá, bình ổn giá theo Luật Giá là rất đúng. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, việc đưa vào hay không là thẩm quyền của Quốc hội.
Hiện nay Luật Giá đang sửa theo lộ trình, các kỳ họp tới sẽ tiến hành bàn về Luật Giá trong nhiệm kỳ này. Về phía Bộ Tài chính, Bộ sẽ tham mưu cho Chính phủ và Chính phủ sẽ tham mưu cho Thường vụ Quốc hội và Quốc hội sẽ quyết định có đưa sách giáo khoa vào diện hàng hóa bình ổn giá hay vào Luật Giá hay không.
Bộ trưởng Tài chính cho biết thêm, cả Bộ Tài chính và Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã trao đổi, làm việc và cùng thống nhất sẽ báo cáo với Thủ tướng Chính phủ đề xuất đưa sách giáo khoa vào Luật Giá sắp tới.
Sớm có giải pháp ổn định và lâu dài cho giá sách giáo khoa
Cho ý kiến về giá sách giáo khoa, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho rằng đây là vấn đề “liên quan đến tất cả mọi nhà”. Thời gian tới, Bộ sẽ phối hợp Bộ Tài chính thực hiện các thủ tục cần thiết để trình Chính phủ và Quốc hội nhằm có được 1 giải pháp ổn định và lâu dài cho vấn đề giá sách giáo khoa.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tích cực biên soạn 1 thông tư mới về vấn đề quy cách, quy chuẩn của sách cho phù hợp hơn với tình hình hiện nay, góp phần tác động vào giá sách và Bộ “sẽ cố gắng làm thật nhanh”.
Ngoài ra, Bộ cũng yêu cầu doanh nghiệp cần phải tiết giảm chi phí, tiết kiệm, giảm các khâu trung gian, giảm chi phí phát hành và thực hiện các cạnh tranh lành mạnh.
Theo Bộ trưởng, việc này Bộ sẽ thực hiện đối với Nhà xuất bản Giáo dục, một doanh nghiệp do Bộ là cơ quan chủ quản. Tuy nhiên, hiện nay có 5 đơn vị đang làm việc biên soạn, xuất bản và phát hành sách giáo khoa. Do đó, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng nêu khó khăn đối với các đơn vị khác, các tác động, chỉ đạo như trên sẽ có phần khó khăn hơn.
Bộ trưởng trao đổi thêm 1 vấn đề liên quan giá sách giáo khoa mà các đại biểu Quốc hội rất quan tâm, đó là ngoài sách giáo khoa thì trong việc phát hành có những nơi còn tình trạng phát hành bán kèm sách tham khảo, sách bài tập.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ đã có Thông tư số 21 quy định về quản lý và sử dụng xuất bản phẩm tham khảo trong các cơ sở giáo dục.
“Trong thông tư này, chúng tôi nghiêm cấm đối với hiệu trưởng hay giáo viên với bất kỳ hình thức ép buộc, gợi ý đối với phụ huynh trong việc mua các sách không thuộc danh mục và danh mục sách giáo khoa được Bộ trưởng ký duyệt đã rất rõ ràng”, Bộ trưởng nêu rõ, đồng thời đề nghị lãnh đạo các địa phương kiểm soát vấn đề này tại các trường học trên địa bàn, tránh gây bức xúc dư luận.
Theo Nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()