Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 22:33 (GMT +7)
Đề xuất quy định chỉ được công chứng ngoài trụ sở trong 6 trường hợp
Thứ 4, 17/04/2024 | 17:40:23 [GMT +7] A A
Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) bỏ quy định cho phép công chứng ngoài trụ sở vì "có lý do chính đáng khác", quy định chỉ được công chứng ngoài trụ sở trong 6 trường hợp.
Theo tờ trình dự thảo luật ngày 1/3 của Chính phủ, sau hơn 8 năm thi hành Luật Công chứng 2014, có thể khẳng định hoạt động công chứng có nhiều bước tiến mới về chất lượng đội ngũ CCV, số phí công chứng thu được…
Hiện nay, Điều 44 Luật Công chứng 2014 quy định nguyên tắc việc công chứng phải được thực hiện tại trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng.
Tuy nhiên, việc công chứng có thể được thực hiện ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng trong trường hợp người yêu cầu công chứng là người già yếu, không thể đi lại được, người đang bị tạm giữ, tạm giam, đang thi hành án phạt tù hoặc có lý do chính đáng khác không thể đến trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng.
Tuy nhiên, tại dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) đã bỏ quy định cho phép công chứng ngoài trụ sở vì "có lý do chính đáng khác" và quy định chỉ được công chứng ngoài trụ sở trong một số trường hợp cụ thể đã được liệt kê rõ.
Cụ thể, Điều 44 dự thảo quy định có thể được thực hiện công chứng ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng nếu người yêu cầu công chứng thuộc một trong sáu trường hợp sau:
1 - Không thể đi lại được vì lý do sức khỏe.
2 - Đang điều trị nội trú hoặc bị cách ly theo chỉ định của cơ sở y tế.
3 - Đang bị tạm giữ, tạm giam.
4 - Đang thi hành án phạt tù.
5- Đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính.
6 - Đang thực hiện các nhiệm vụ, công việc đặc thù mà không thể đến trụ sở tổ chức hành nghề công chứng.
Theo tờ trình của Chính phủ, mục đích của việc sửa đổi quy định trên là để tránh tình trạng lạm dụng quy định về "lý do chính đáng khác".
Trước đó, trong phụ lục kèm theo báo cáo số 454 ngày 25/12/2023 của Bộ Tư pháp về rà soát các văn bản có liên quan đến dự án Luật Công chứng (sửa đổi) nêu:
Dự thảo Luật quy định cụ thể các trường hợp công chứng ngoài trụ sở, bảo đảm nguyên tắc của công chứng La tinh và truyền thống của công chứng Việt Nam là công chứng trực tiếp tại trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng, bởi nhiều lý do.
Thứ nhất, CCV cần trực tiếp gặp mặt, trao đổi với người yêu cầu công chứng nhằm kiểm tra, đánh giá về nhân thân, năng lực hành vi dân sự, ý chí tự nguyện giao kết hợp đồng, giao dịch... của các bên, theo Điều 117 của Bộ luật dân sự 2015 về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự và Điều 124 về giao dịch dân sự vô hiệu do giả tạo.
Thứ hai, CCV cần trực tiếp giải thích, hướng dẫn cho các bên hiểu rõ và đầy đủ về quyền lợi, nghĩa vụ khi tham gia giao kết hợp đồng, giao dịch, các vấn đề pháp lý có thể phát sinh.
Thứ ba, việc ký vào hợp đồng, giao dịch phải thực hiện trước mặt CCV để bảo đảm tính xác thực của chữ ký. Việc công chứng ngoài trụ sở chỉ thực hiện trong một số trường hợp thực sự đặc biệt mà người yêu cầu công chứng không thể đến tổ chức hành nghề công chứng.
Bên cạnh đó, hoạt động công chứng là hoạt động bổ trợ tư pháp chứ không phải kinh doanh dịch vụ thông thường do đó cần bảo đảm tính nghiêm túc.
Theo vtv.vn
Liên kết website
Ý kiến ()