Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 25/12/2024 08:21 (GMT +7)
Đề xuất sửa luật ngăn “ma men” lái xe
Thứ 3, 07/06/2022 | 09:11:35 [GMT +7] A A
Vụ tai nạn tại Bắc Giang khiến 3 người chết gióng lên hồi chuông cảnh báo về vấn nạn “ma men” lái xe. Nhiều ý kiến đề xuất sửa luật...
Làm án điểm răn đe, cảnh báo
Vụ TNGT xảy ra tại Bắc Giang đêm 2/6 khi tài xế ô tô BKS 98A - 499.49 vi phạm nồng độ cồn ở mức 0,604 mg/l khí thở, đâm trực diện vào chiếc xe máy BKS 98B2 - 755.90 khiến 3 người trong một gia đình tử vong.
Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, đây là vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, liên quan trực tiếp đến hành vi của người điều khiển phương tiện là cán bộ, công chức có sử dụng rượu bia, vi phạm nghiêm trọng Luật Phòng chống tác hại của rượu bia và các Nghị định liên quan của Chính phủ.
Ông Hùng cũng đề nghị Công an TP Bắc Giang sớm hoàn thiện công tác điều tra, khẩn trương đưa vụ việc ra xử lý theo đúng quy định để làm án điểm, chấn chỉnh chung trong toàn quốc.
PGS. TS. Phạm Việt Cường, Đại học Y tế Công cộng cũng nhận định đây là vụ TNGT gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, cần phải điều tra và xử lý nghiêm để tạo tính răn đe, cảnh báo.
Ngày 4/6, Cơ quan CSĐT Công an TP Bắc Giang đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với tài xế Nguyễn Đức Thịnh (SN 1987, trú tại TP Bắc Giang), về tội “Vi phạm quy định về giao thông đường bộ”.
Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp cho biết, với các tình tiết: Vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông, lái xe là người hiểu biết pháp luật, là cán bộ đảng viên nhưng lại vi phạm pháp luật, tài xế Thịnh sẽ phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất của tội danh này là từ 7 - 15 năm tù.
“Vụ việc một lần nữa cho thấy TNGT do rượu, bia gây ra rất thảm khốc, cần tăng cường kiểm soát sử dụng tiêu thụ rượu, bia cũng như xử lý vi phạm giao thông để giảm thiểu những vụ tai nạn tương tự có thể xảy ra”, luật sư Cường nói.
Có dấu hiệu lơ là, buông lỏng kiểm soát?
PGS. TS. Phạm Việt Cường cho biết, hành vi sử dụng rượu, bia tham gia giao thông hiện nay rất phổ biến, nhưng theo số liệu của Cục CSGT trong các năm 2019, 2020 và 6 tháng đầu năm 2021, tỷ lệ các vi phạm về trật tự ATGT liên quan tới vi phạm nồng độ cồn tại Việt Nam chỉ xấp xỉ 5%.
Theo kết quả khảo sát của Tổ chức Y tế thế giới, đối với các nạn nhân nhập viện vì TNGT, có tới hơn 36% số người lái xe máy và gần 67% người lái ô tô có nồng độ cồn trong máu vượt ngưỡng cho phép.
Thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia cho thấy, có khoảng 40% số vụ TNGT và 11% số người chết có liên quan rượu, bia và con số này đang có xu hướng gia tăng.
Tại cuộc họp chuyên đề ATGT tháng 5/2022 do Ủy ban ATGT Quốc gia tổ chức, đại diện Cục CSGT cho biết, ngày 10/2/2022, Bộ Công an đã ban hành Kế hoạch về TTKS, xử lý vi phạm theo chuyên đề “Người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn”.
Số liệu xử lý từ các địa phương cho thấy, một số nơi xử lý rất tốt nhưng cũng có tỉnh rất kém, chỉ xử lý được vài đến vài chục trường hợp.
Chính sự chênh lệch trong xử lý vi phạm giữa các địa phương đã gióng lên hồi chuông về việc có dấu hiệu lơ là, buông lỏng kiểm soát lái xe vi phạm nồng độ cồn tham gia giao thông.
Ông Nguyễn Trọng Thái, nguyên Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, hiện dịch Covid-19 đã được kiểm soát, các lực lượng chức năng cần khởi động trở lại công tác TTKS, xử phạt vi phạm.
Phạt tù, đa dạng hóa chế tài
Theo quy định hiện nay, hành vi sử dụng rượu, bia điều khiển phương tiện tham gia giao thông bị phạt từ 18 - 40 triệu đồng, tước GPLX lên tới 24 tháng.
Theo TS. Phạm Việt Cường, mức phạt tiền tại Việt Nam so với thế giới là khá cao, tuy nhiên hình phạt bổ sung mới chỉ dừng ở thu giữ GPLX, chưa đủ sức răn đe.
“Trên thế giới, bên cạnh xử phạt hành chính còn áp dụng nhiều hình phạt nặng khác như: Phạt tù, phạt lao động công ích, ghi nhận vi phạm trên hệ thống quản lý lái xe và phạt nặng ở hành vi tái phạm”, ông Cường nói và cho rằng, nếu ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý, không khó để lực lượng chức năng xác định được hành vi tái phạm của tài xế.
TS. Lê Thu Huyền, Giám đốc Trung tâm tư vấn phát triển GTVT, Đại học GTVT cho biết, nên tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, đa dạng hóa hình thức xử phạt như: Trừ điểm bằng lái, phạt lũy tiến, buộc học và thi lại bằng lái xe, lao động công ích, buộc lắp thiết bị kiểm soát nồng độ cồn trên xe, nếu vi phạm đặc biệt nghiêm trọng có thể phạt tù...
Đồng quan điểm, TS. Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu GTVT Việt Đức cho rằng, lực lượng chức năng không chỉ ra quân kiểm soát xử lý theo giờ, theo kế hoạch mà cần thực hiện kiểm tra ngẫu nhiên, áp dụng công nghệ để xử phạt.
TS. Nguyễn Minh Hiếu, Trường Đại học GTVT thông tin, ở Mỹ đã có các quy định và luật về việc các cửa hàng hay hàng quán phải chịu trách nhiệm khi 1 người vì uống bia, rượu ở đó sau đó lái xe gây tai nạn.
“Tại Việt Nam, có thể quy định truy cứu trách nhiệm của các cửa hàng, quán nhậu khi có tai nạn xảy ra do 1 người uống rượu, bia từ cửa hàng đó gây ra. Nhưng để luật đi vào cuộc sống, cần có cách thức rõ ràng để tổ chức vận hành”, TS. Hiếu nói.
Cũng theo TS. Hiếu, quy định cấm bán rượu bia từ 22h tối hôm trước đến 6h sáng hôm sau là cần thiết để hạn chế tình trạng uống quá nhiều, dẫn đến khả năng phản xạ và ứng phó với các tình huống trên đường ở mức rất thấp.
Để ngăn chặn “ma men” lái xe, lực lượng chức năng có thể thực hiện các chính sách cưỡng chế như lập các chốt công khai gần các quán nhậu và thông tin đến người dân cũng như quán nhậu biết, để từ đó, nếu khách hàng đã uống rượu, bia sẽ chủ động lựa chọn phương tiện đi về phù hợp.
Thế giới quản lý kinh doanh bia, rượu thế nào? Đa phần các quốc gia đều có quy định rõ ràng và chặt chẽ đối với cả người bán và người mua rượu. Trước hết, người bán phải có giấy phép và mỗi giấy phép bán hàng sẽ có quy định giờ riêng. Ở Thái Lan, rượu bia chỉ được bán trong 2 khung giờ: Từ 11h - 14h và từ 17h - 0h đêm tại các siêu thị, cửa hàng bán lẻ. Ngoài thời gian trên, rượu bia chỉ được bán tại các sân bay quốc tế và các điểm vui chơi giải trí đăng ký hợp pháp. Một quy định khác mà hầu hết các quốc gia đều áp dụng đó là cấm bán rượu cho người dưới độ tuổi nhất định. Tại Italy, ngưỡng này là 16 tuổi, trong khi ở Hungary là 18 tuổi, ở Mỹ là 21 tuổi. Tại một số nước, độ tuổi được phép mua rượu còn tùy thuộc vào người họ uống cùng, chẳng hạn như được phép mua để uống cùng người trưởng thành như cha mẹ hoặc vợ, chồng. Một số quốc gia có quy định khắt khe hơn về trách nhiệm của người bán rượu. Đơn cử, họ sẽ phải chịu trách nhiệm nếu bán đồ uống có cồn đối với người vốn đã say xỉn dẫn đến người này bị ngộ độc rượu hoặc gây TNGT nghiêm trọng. Năm ngoái, một nhà hàng ở TP Cambridge (tỉnh Ontario, Canada) đã bị phạt 50.000 đôla Canada (hơn 900 triệu đồng) vì phục vụ thêm 2,5 lít bia cho một người đàn ông đã say, dẫn đến trong chưa đầy 1 giờ sau, người này gây TNGT, làm 1 người thiệt mạng. |
Theo atgt.vn
Liên kết website
Ý kiến ()