Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 24/11/2024 12:33 (GMT +7)
Delta và xác định lại chiến lược chống dịch
Thứ 2, 16/08/2021 | 13:34:17 [GMT +7] A A
Sự xuất hiện của chủng Delta làm đảo lộn mọi kế hoạch thoát khỏi đại dịch COVID-19 của thế giới, ngay cả với sự hỗ trợ đắc lực của vắc xin. Các chuyên gia nói đã đến lúc định nghĩa lại miễn dịch cộng đồng.
Đang diễn ra một đợt bùng phát toàn cầu của chủng Delta.
Bác sĩ Anthony Fauci (cố vấn y tế của Chính phủ Mỹ) mô tả tình hình dịch COVID-19 hiện nay. Delta hiện đã lan đến ít nhất 117 quốc gia, gây ra đợt bùng dịch lớn chưa từng thấy ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương vốn năm ngoái còn yên tĩnh.
Giới khoa học vẫn chưa biết nhiều về Delta. Các chuyên gia đánh giá khả năng lây nhiễm cao của chủng virus này là yếu tố khiến ca nhiễm, nhập viện và tử vong tăng cao ở nhiều nơi.
Delta từ Đông sang Tây
Ngày 4-7-2021, nước Mỹ kỷ niệm ngày Quốc khánh với niềm tin COVID-19 đã được đẩy lùi. Mỹ lúc đó là một trong những nước có tỉ lệ tiêm chủng cao nhất, với khoảng 50% dân số đã tiêm đủ 2 liều vắc xin. Nhưng chỉ trong vài tuần ngắn ngủi, ca nhiễm trung bình ngày đã quay lại mốc 100.000, và chủng Delta chiếm đến 97,4% toàn bộ ca nhiễm - theo ước tính của Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh (CDC) Mỹ.
Ở Úc, chiến lược "zero COVID" thành công hơn một năm qua giờ bị đặt dấu hỏi. Sau thành phố Sydney và thủ đô Canberra, cuối tuần trước đảo quốc này ban bố lệnh phong tỏa toàn bộ bang New South Wales vì không đuổi kịp Delta. Các quan chức Úc nhìn nhận "đây là ngày đáng lo nhất kể từ đầu dịch".
Ở Trung Quốc, chính quyền đang đẩy nhanh tiêm chủng cho trẻ em từ 12-17 tuổi (hiện đã đạt 60 triệu em) do các công dân trẻ ngã bệnh vì Delta ngày càng nhiều. Ngày 13-8, Ủy ban Sức khỏe quốc gia Trung Quốc cho biết 770 triệu người đã được tiêm ngừa đầy đủ (55% dân số), nhưng các quy định giãn cách không vì thế mà nới lỏng, ngược lại đang được thắt chặt hơn.
Ở Israel - quốc gia với khoảng 80% người lớn đã tiêm ngừa (chiếm 60% dân số), ca nhiễm Delta đang tăng theo từng ngày. Ngày 14-8, Bộ Y tế Israel cảnh báo số bệnh nhân nhập viện sẽ tăng gấp đôi cứ mỗi 10 ngày, đạt đến mốc 4.800 ca vào đầu tháng 9, trong đó một nửa là ca nặng.
Tình huống cấp bách khiến Thủ tướng Israel Naftali Bennet yêu cầu công tác tiêm chủng phải diễn ra toàn thời gian, bất kể ngày hay đêm, bất kể ngày nào trong tuần.
Delta ngăn miễn dịch cộng đồng?
Nhiều người thắc mắc: "Tại sao các nước tiêm chủng tốt như Mỹ, Israel vẫn bị bùng dịch?", đáp án ngắn gọn là "Delta".
Khái niệm "miễn dịch cộng đồng" được hiểu là khi một tỉ lệ lớn dân số có đề kháng với căn bệnh nào đó - thông qua vắc xin hoặc nhiễm bệnh tự nhiên, họ sẽ được bảo vệ trước bệnh, đồng thời gián tiếp bảo vệ nhóm thiểu số chưa tiêm ngừa hoặc chưa từng nhiễm bệnh (cắt đường lây nhiễm).
Người ta từng hy vọng bệnh COVID-19 cũng có thể áp dụng chiến lược tương tự, cho đến khi chủng Delta siêu lây nhiễm xuất hiện làm thay đổi mọi thứ.
Theo báo Guardian, ngày 10-8, giáo sư Andrew Pollard - trưởng nhóm vắc xin Đại học Oxford - điều trần trước Quốc hội Anh về tình hình dịch COVID-19, trong đó ông thẳng thắn đánh giá mục tiêu miễn dịch cộng đồng không còn khả thi.
"Vấn đề nằm ở chỗ con virus này (Delta) không phải bệnh sởi. Nếu 95% dân số được tiêm ngừa sởi, virus sẽ không thể lây lan trong cộng đồng. Nhưng thực tiễn cho thấy Delta vẫn lây cho người đã tiêm ngừa, có nghĩa bất cứ ai chưa tiêm ngừa vào một lúc nào đó sẽ tiếp xúc virus... và chúng ta không có gì trong tay để ngăn chặn điều đó" - giáo sư Pollard trình bày trước nhóm nghị sĩ liên đảng phụ trách COVID-19 của Quốc hội Anh.
Các nghiên cứu gần đây ghi nhận các loại vắc xin COVID-19 đang lưu hành hiệu quả trong việc giảm thiểu bệnh nặng và tử vong, nhưng không thể ngăn nhiễm bệnh hoàn toàn. Điều này giải thích tại sao virus tiếp tục lây lan trong cộng đồng, nhưng nhóm dân số chưa tiêm chủng mới chiếm đa số ca nhập viện.
Ví dụ Mỹ có khoảng 90 triệu người lớn chưa tiêm vắc xin, riêng trẻ em dưới 12 tuổi chưa được chỉ định tiêm. Khoảng 97% ca nhập viện ở Mỹ là người chưa tiêm.
Vắc xin vẫn rất quan trọng
Dù có đạt được miễn dịch cộng đồng hay không, vắc xin vẫn là công cụ hiệu quả bảo vệ con người trong trường hợp nhiễm chủng Delta. Càng nhiều người tiêm ngừa, số lượng ca bệnh, ca nhập viện và ca tử vong sẽ càng ít, giảm áp lực cho hệ thống y tế.
Giáo sư Andrew Pollard - đồng thời là chủ tịch JCVI - liệt kê vài lý do để lạc quan: "Liều vắc xin bổ sung chỉ cần khi chúng ta chứng kiến số ca nhập viện tăng trong nhóm người đã tiêm chủng, nhưng điều này hiện tại không xảy ra.
Thậm chí cả khi kháng thể do vắc xin tạo ra giảm dần theo thời gian, hệ miễn dịch của chúng ta có lẽ sẽ ghi nhớ thông tin trong nhiều chục năm sau và duy trì một mức độ bảo vệ nhất định nếu phơi nhiễm với virus. Vậy nên lúc này không có gì phải lo lắng quá".
Theo Bloomberg, về lâu dài, các chuyên gia y tế cho rằng chỉ mỗi vắc xin không đủ để ngăn Delta lây lan trong cộng đồng, cần duy trì các biện pháp phòng dịch khác như đeo khẩu trang, giữ khoảng cách giữa người với người, không tụ tập đông người...
Trong bài viết trên tạp chí Science, 39 nhà khoa học từ 14 quốc gia còn kêu gọi Tổ chức Y tế thế giới mở rộng hướng dẫn về chất lượng không khí trong nhà, tiêu chuẩn thông gió, lọc khí... để bảo vệ công chúng trước các mầm bệnh lây qua không khí như virus corona.
Trong tương lai, các loại vắc xin COVID-19 đang dùng hiện nay có thể được thay thế bằng sản phẩm khác hiệu quả hơn. Trong số vắc xin đang phát triển có những loại kích thích sinh đề kháng ngay vùng khoang mũi, giúp chặn virus trước khi nó xâm nhập sâu hơn vào phổi và gây bệnh.
Theo tuoitre.vn
Liên kết website
Ý kiến ()