Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 05:15 (GMT +7)
Những giáo viên hết lòng vì học sinh vùng cao
Thứ 2, 20/11/2023 | 16:42:33 [GMT +7] A A
Để chở những ước mơ của trẻ em vùng cao được đến trường, mong tương lai tươi sáng, nhiều giáo viên của tỉnh đã cống hiến tuổi xuân của mình tại những ngôi trường còn nhiều khó khăn với mong muốn đem con chữ, kiến thức cho học sinh.
Không muốn học sinh vùng cao bị thiệt thòi về con chữ, thầy giáo Nguyễn Văn Tám, Hiệu trưởng Trường THCS Quảng Lâm (huyện Đầm Hà) thường xuyên đến các thôn, bản để nắm bắt tình hình học sinh, vận động phụ huynh cho con ra lớp. Đến nhà không gặp, thầy lại lặn lội đi tìm xung quanh, rồi trở lại nhiều lần động viên, tuyên truyền các chế độ chính sách mà các em được hưởng khi đến trường.
Thầy giáo Tám chia sẻ: Địa bàn xa nhất mà các giáo viên đi vận động cách trường 15km. Nhà trường thành lập các nhóm giáo viên phụ trách từng thôn, bản, thường xuyên phối hợp với trưởng thôn, bản và phụ huynh thông tin, tuyên truyền các kế hoạch giáo dục của nhà trường; đến các gia đình động viên phụ huynh cho con đi học, nhất là dịp đầu năm học, sau dịp nghỉ lễ, tết. Dần dần học sinh đã ra lớp đầy đủ, nhưng vẫn còn những trường hợp vận động rất khó, các thầy cô lại tiếp tục phân công nhau...
Ở cương vị là cán bộ quản lý, thầy giáo Tám vẫn thường xuyên đến nhà người dân để thăm hỏi, động viên phụ huynh và học sinh. Bởi theo thầy, ở những địa bàn vùng cao như thế này việc dạy học không chỉ đơn giản là những giờ lên lớp, mà rất cần sự hy sinh trong hành trình “cõng chữ lên non”.
Tại huyện vùng cao Ba Chẽ, trong rất nhiều giáo viên tâm huyết, hy sinh, cống hiến cho nghề có cô giáo Nguyễn Sinh Khoa (Trường THCS thị trấn Ba Chẽ), luôn cần mẫn, sáng tạo với mong muốn thúc đẩy phát triển giáo dục miền núi tiến kịp miền xuôi.
Liên tục trong những năm học gần đây, nhiều học trò của cô giáo Khoa đạt học sinh giỏi cấp tỉnh. Cô luôn tận tâm với học trò, không ngừng đổi mới trong bài giảng, đem lại hứng thú và niềm đam mê các môn Toán, Vật lý, Công nghệ cho học sinh.
Cô giáo Khoa chia sẻ: “Với phương châm dạy học lấy học sinh làm trung tâm, tôi luôn cố gắng phát huy tối đa phẩm chất năng lực của học sinh để các em không cảm thấy áp lực về học môn Toán. Đa số học sinh lớp 9 của nhà trường có hứng thú với môn học, không còn "sợ" học Toán như trước. Nhiều em đã có những kỹ năng cơ bản trong vận dụng toán vào thực tế, vào đời sống sinh hoạt”.
20 năm gắn bó với nghề dạy học, cô giáo Khoa 2 lần đạt Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh; 3 lần được nhận Bằng khen của Bộ GD&ĐT và nhiều bằng khen, giấy khen khác. Đáng quý hơn cả với cô là sự tin yêu của học trò, là động lực để cô tiếp tục nỗ lực, cống hiến hết mình vì sự nghiệp "trồng người".
Những học trò người dân tộc thiểu số (DTTS) ở miền núi không chỉ hạn chế về kiến thức, mà kỹ năng sống cũng còn yếu và thiếu rất nhiều. Với mong muốn bù đắp, giúp các em mạnh dạn hơn, tự tin hơn, cô giáo Đinh Thị Hợi, Tổng phụ trách Đội, Trường Tiểu học Đông Ngũ 2 (huyện Tiên Yên) rất tâm huyết trong việc hướng trẻ vùng cao, DTTS vào các hoạt động trải nghiệm, trau dồi các kỹ năng mềm.
Địa bàn công tác của cô giáo Hợi là xã vùng cao Đông Ngũ, nơi có đông đồng bào DTTS sinh sống, nên việc giáo dục kỹ năng sống, tổ chức hoạt động công tác đội là vô cùng cần thiết. Nhờ có những sáng kiến cải tiến về phương pháp giảng dạy cho học sinh mà đời sống tinh thần của trẻ em nơi đây đã được cải thiện đáng kể.
Tấm gương của những thầy, cô giáo vùng cao là động lực để những giáo viên tại các địa bàn khó khăn của tỉnh thêm yêu nghề, yêu trẻ, vượt qua khó khăn, tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp "trồng người".
Hoài Minh
Liên kết website
Ý kiến ()