Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 03:30 (GMT +7)
Đèn đất - Hiện vật quý về đời sống thợ mỏ xưa
Chủ nhật, 05/01/2020 | 06:48:30 [GMT +7] A A
Đèn đất được thắp sáng bằng phản ứng hóa học đất đèn (acétylen) với nước. Đây là dụng cụ quen thuộc của nhiều gia đình thợ mỏ vào đầu thế kỷ trước. Những hiện vật này như minh chứng cho một thời gian khó của Vùng mỏ anh hùng.
Chiếc đèn đất mà cụ Phạm Giám lưu giữ có 2 khối hình trụ xếp lại với nhau. |
Sinh thời, cụ Phạm Giám, ở số nhà 595, đường Lê Thánh Tông, phường Bạch Đằng, TP Hạ Long đã tặng lại cho chúng tôi chiếc đèn đất là kỷ vật dùng trong gia đình cụ khi xưa. Chiếc đèn được làm bằng chất liệu đồng, chưa hề han gỉ.
Chiếc đèn đất được lưu giữ ở Công ty CP Than Hà Lầm. |
Đèn có màu nâu pha vàng, chia làm 2 khối: Bầu đèn hình trụ rỗng, bên trong dùng để đựng đất đèn. Bên trên cũng là một khối hình trụ nhỏ hơn dùng để đựng nước, trên cùng có gắn một chiếc vòi để thoát khí lên đó. Khi nước nhỏ xuống đất đèn sẽ tạo ra phản ứng hóa học sinh khí. Dòng khí được dẫn qua chụp đèn chạy lên chiếc vòi cao. Người dùng sẽ đánh lửa vào đầu vòi để thắp sáng. Ánh lửa từ luồng khí này sẽ ổn định hơn và cũng không sợ bị tắt như đèn dầu.
Trên thân đèn khắc một ngôi sao sáu cánh và những chữ tiếng Pháp viết tắt là "S.O.D.O", được cho là tên và biểu tượng của hãng sãn xuất đèn và dòng chữ "Breveté", được cho là tên của loại đèn. Như vậy, đây rất có thể là một chiếc đèn đất nhập ngoại vào Việt Nam. Và những gia đình thợ mỏ ở vào mức khá giả một chút vào thời điểm đó mới có đủ điều kiện để sắm những chiếc đèn có nguồn gốc nước ngoài này. Chiếc đèn này khá nặng, chừng khoảng 2kg. Đèn không có quai xách mà được để trong một chiếc lồng gỗ. Khi di chuyển, người ta mang cả khối này đi. Theo di ngôn của cụ Phạm Giám thì nó được dùng trong gia đình cụ đã hai thế hệ. Từ khi lên năm tuổi, cụ Giám đã thấy ông bà, cha mẹ mình dùng cây đèn này. Cụ Giám đã lưu giữ cây đèn này cả đời. Sợ đèn thất lạc, có lần cụ còn mang về quê nhờ các cụ ở quê cất giữ hộ nhiều năm rồi mới mang trở lại Hạ Long.
Cụ Phạm Giám giới thiệu nguyên tắc hoạt động của chiếc đèn đất. |
Bảo tàng Quảng Ninh hiện đang bảo quản một chiếc đèn đất làm bằng chất liệu kẽm màu xanh xám. Chiếc đèn có bầu cao 7cm, đường kính bầu 8cm, khối lượng 719g. Đèn đã han gỉ nhiều phần, chỉ còn phần bầu là khá nguyên vẹn. Bầu đèn hình trụ, miệng bầu bẻ ra ngoài, gần sát miệng bầu có 2 tai nhô ra, mỗi tai gắn với một bên quai. Quai cao 12cm, quai xách dưới có hình chữ “U” ngược. Chiếc đèn được sưu tầm tháng 12/1990, tại Bắc Mã (Đông Triều) giao lại cho ông Nguyễn Văn Nhiễn, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin Đông Triều khi ấy. Ông Nguyễn Văn Nhiễn đã chuyển giao lại cho Bảo tàng Quảng Ninh.
Đèn đất dùng ở gia đình bao giờ cũng to và nặng hơn đèn thợ mỏ xách đi làm. Ánh sáng của chiếc đèn đất không thể so được với đèn lò bây giờ nhưng đối với hội họa, nó lại mang lại những sắc thái rất riêng. Họa sĩ Nguyễn Hoàng, nguyên công nhân mỏ than Hà Lầm là người thường xuyên xuống lò để vẽ thợ lò làm việc dưới ánh sáng leo lét của chiếc đèn đất. Nhiều bức tranh ông vẽ sau này đã được triển lãm, đoạt giải thưởng và được các bảo tàng chọn mua. Hiện nay, tại Phòng Truyền thống của Công ty CP Than Hà Lầm cũng đang trưng bày một chiếc đèn đất mà trước kia thợ lò dùng để sản xuất dưới hầm lò.
Chiếc đèn đất mà cụ Phạm Giám lưu giữ, được để trong giá gỗ rất đẹp. |
Chiếc đèn đất không chỉ đi vào hội họa mà còn cùng với người thợ lò trở thành đề tài của nghệ thuật điêu khắc. Cụ thể, cụm tượng đài "Vinh quang thợ mỏ Việt Nam” ở TP Cẩm Phả hiện nay thể hiện hình ảnh người thợ mỏ truyền thống, nét mặt dày dạn kinh nghiệm của ngành hầm lò, dáng đi khẩn trương. Đặc biệt, nhân vật trung tâm là người thợ vạm vỡ, tay trái xách đèn đất, tay phải vác búa choòng trên vai.
Phạm Học
[links()]
Liên kết website
Ý kiến ()