Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 30/11/2024 11:49 (GMT +7)
Di dân khỏi vùng nguy hiểm - Cần "trợ lực" mạnh
Thứ 5, 26/11/2015 | 06:18:32 [GMT +7] A A
Chắc rằng, không chỉ người dân trong tỉnh mà còn với nhân dân cả nước chưa thể quên được trận mưa lụt lịch sử diễn ra vào cuối tháng 7, đầu tháng 8 vừa qua gây ra thiệt hại nặng nề cho Quảng Ninh. Cùng với việc nhanh chóng khắc phục hậu quả, sớm ổn định đời sống và khôi phục sản xuất, thì tỉnh đã nhận diện rõ hơn những tồn tại, hạn chế và bất cập về quy hoạch bố trí dân cư trên địa bàn, nhất là các khu dân cư ở xen dưới chân các bãi thải mỏ, khu đồi núi, thung lũng...
Đứng trước yêu cầu cấp thiết về đảm bảo sự an toàn cũng như tính ổn định lâu dài cho cuộc sống của người dân tỉnh Quảng Ninh xây dựng Đề án di dân tổng thể ra khỏi vùng sạt lở, ngập lụt nguy hiểm và quy hoạch bố trí dân cư phòng tránh thiên tai trên địa bàn sau khi đã nhận được sự đồng ý về chủ trương của Chính phủ.
Theo khảo sát của tỉnh, hiện trên địa bàn Quảng Ninh có 371 vị trí sạt lở, ngập lụt nguy hiểm hoặc có nguy cơ sạt lở ngập lụt nguy hiểm được phân thành 3 nhóm. Cụ thể, nhóm một là trường hợp đặc biệt nguy hiểm, nguy hiểm không thể khắc phục, phải di dân 86 vị trí (2.138 hộ dân). Nhóm hai, trường hợp nguy hiểm (không phải di dời) cần xây dựng kè chống sạt lở; cần cải tạo hệ thống hạ tầng kỹ thuật 178 vị trí. Nhóm ba, trường hợp có thể tự khắc phục và không phải di dân, không phải đầu tư xây dựng gia cố nhưng thuộc diện cảnh báo có 106 vị trí.
Để triển khai việc di dân đối với 2.138 hộ thuộc nhóm một thì nhu cầu quỹ đất cần phải có là 53ha; trong đó, nhu cầu đất ở là 22,83ha (chiếm 43%), còn lại là đất bố trí công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, cây xanh… Theo đó, sẽ bố trí di dân hình thức tập trung (1.818 hộ) và bố trí xen ghép (300 hộ).
Về lộ trình thực hiện của Đề án được chia thành 4 giai đoạn, trong đó, giai đoạn 2 (2016-2018) được xác định là giai đoạn ưu tiên để nhằm hoàn thành việc di dời, bố trí, ổn định cuộc sống, sản xuất cho 1.257 hộ dân (chiếm 60% tổng số hộ dân cần di dời của đề án) hiện đang ở trong khu vực sạt lở và có nguy cơ sạt lở cao tại chân các bãi thải, khai trường khai thác than… Giai đoạn 3 (2019-2020) sẽ hoàn thành việc di dời đối với 40% tổng số hộ còn lại. Sau 2020 là giai đoạn 4 đặt ra các mục tiêu ổn định đời sống người dân sau tái định cư gắn kết với chương trình xoá đói giảm nghèo, giải quyết việc làm…
Trong bối cảnh tỉnh đang tập trung các nguồn lực để đảm bảo ổn định cuộc sống người dân cũng như giúp doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi đẩy nhanh sản xuất thì Quảng Ninh không thể không có “trợ lực” từ Trung ương để thực hiện đề án quan trọng và cần thiết nói trên. Với tổng chi phí của đề án theo dự kiến là 1.913,5 tỷ đồng, Quảng Ninh đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ toàn bộ kinh phí thực hiện đề án bằng nguồn vốn trung ương để lại cho tỉnh.
Từ sự động viên, tương trợ kịp thời của Trung ương và các tỉnh, thành cũng như nhân dân cả nước và có cả đồng bào ta ở nước ngoài Quảng Ninh đã phát huy cao nhất sức mạnh nội lực để vượt qua khó khăn, thử thách lớn. Và, để không còn những nỗi đau từ thiên tai, Quảng Ninh tiếp tục cần “trợ lực” mạnh để giải bài toán tổng thể về quy hoạch bố trí dân cư.
Ngọc Lê
Liên kết website
Ý kiến ()