Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 22/12/2024 23:39 (GMT +7)
Di sản văn hoá phi vật thể Quảng Ninh có gì?
Chủ nhật, 03/12/2023 | 10:54:20 [GMT +7] A A
Quảng Ninh có một kho tàng di sản văn hóa phi vật thể phong phú như một vùng trầm tích đang ngày càng được đánh thức và khai thác giá trị.
Di sản văn hóa phi vật thể là những thứ không thể cầm nắm được. Đó là sản phẩm tinh thần gắn với cộng đồng hoặc cá nhân, vật thể và không gian văn hóa liên quan, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thể hiện bản sắc của cộng đồng, không ngừng được tái tạo và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng truyền miệng, truyền nghề, trình diễn và các hình thức khác.
Quảng Ninh là vùng đất cổ, có nhiều dân tộc, mỗi dân tộc lại có những nét văn hóa rất riêng tiêu biểu tạo nên cho Quảng Ninh sự phong phú, đa dạng của một vùng văn hóa độc đáo. Theo thống kê của Sở Văn hóa - Thể thao, trên địa bàn tỉnh hiện có 362 di sản văn hóa phi vật thể gồm 7 loại hình gồm: 76 lễ hội dân gian truyền thống, 25 di sản, nghề thủ công truyền thống, 22 di sản nghệ thuật trình diễn dân gian, 14 di sản ngữ văn dân gian, 168 di sản tập quán xã hội, 7 di sản tiếng nói chữ viết, 50 di sản tri thức dân gian.
Quảng Ninh có kho tàng diễn xướng dân gian rất phong phú bao gồm: Hát then của người Tày, hát đối, hát giao duyên trên thuyền của ngư dân trên Vịnh Hạ Long, xã đảo Thắng Lợi (huyện Vân Đồn), hát đúm ở đảo Hà Nam (TX Quảng Yên), hát soóng cọ của người Sán Chỉ (huyện Bình Liêu và huyện Tiên Yên); hát dân ca Dao (ở TP Hạ Long và TP Uông Bí); hát nhà tơ, hát - múa cửa đình ở Vạn Ninh (Móng Cái), Đoàn Kết (Vân Đồn), xã Đầm Hà (huyện Đầm Hà)...
Quảng Ninh có gần 80 lễ hội lớn, nhỏ diễn ra hàng năm. Trong đó, có các lễ hội lớn được diễn ra trong nhiều ngày, đặc biệt lại có những lễ hội mang tính hội vùng, thường cuốn hút du khách nhiều tỉnh thành về dự. Có một sự giao thoa dung hợp văn hóa vùng miền giữa các lễ hội ở Quảng Ninh. Trong khi những lễ hội miền biển luôn gắn liền với các nghi lễ thả thuyền rồng và hội thi bơi chải thì Lễ hội Bàn Vương ở huyện miền núi Ba Chẽ lại cũng có hội bơi thuyền tái hiện hành trình vượt biển (khảm hải) của tổ tiên người Dao. Cũng ở huyện miền núi Ba Chẽ, Lễ hội miếu Ông và miếu Bà thể hiện tín ngưỡng thờ cúng dân gian mẫu Thượng Ngàn hòa hợp với tín ngưỡng thờ cúng nhân vật lịch sử.
Bên cạnh phục dựng lễ hội truyền thống, Quảng Ninh còn tổ chức các lễ hội hiện đại quảng bá các giá trị truyền thống như: Lễ hội Carnaval Hạ Long, Lễ hội Hoa sở (Bình Liêu), Lễ hội Trà hoa vàng (Ba Chẽ), lễ hội văn hoá các dân tộc vùng Đông Bắc (tại Tiên Yên)...
Các hoạt động trong lễ hội phong phú, lành mạnh, thực hành tín ngưỡng một cách văn minh, đáp ứng được nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh của người dân, đồng thời tạo nên những giá trị cố kết cộng đồng, hun đúc thuần phong mỹ tục, tạo ra lối sống, lối ứng xử hòa nhã, tình người. Lễ hội truyền thống chính là dịp để con người giải tỏa, tự thể hiện mình, đồng thời giao lưu, cộng cảm và trao truyền những đạo lý, tình cảm và khát vọng cao đẹp.
Đánh thức tiềm năng giá trị các di sản văn hoá phi vật thể, tỉnh Quảng Ninh đã đưa việc khai thác bảo tồn các loại hình nghệ thuật truyền thống vào trong đời sống nông thôn làng xã, các trò chơi dân gian trong các lễ hội và thậm chí đưa cả vào trường học. Nhiều câu lạc bộ hát dân ca đã ra đời. Nhiều di sản văn hoá phi vật thể các dân tộc Quảng Ninh cũng được Sở Văn hóa - Thể thao và các địa phương phối hợp với Viện Văn hoá Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng như: Hát soóng cọ của người Sán Chỉ, hát then - đàn tính của người Tày ở Bình Liêu, Hát dân ca và lễ cấp sắc của người Dao ở Hoành Bồ, lễ Đại phan của người Sán Dìu, lễ hội cầu mùa của người Sán Chỉ, lễ hội đình Làng Dạ của người Tày ở huyện Ba Chẽ, lễ hội đình Tràng Y huyện Đầm Hà...
Đến nay, tỉnh Quảng Ninh có 12 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia gồm: Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái; Hát nhà tơ (hát cửa đình); Lễ hội đền Cửa Ông; Lễ hội Tiên Công; Lễ hội đình Trà Cổ; Lễ hội đình Quan Lạn, Lễ hội Bạch Đằng, Nghệ thuật trình diễn dân gian hát soóng cọ của người Sán Chỉ, Nghệ thuật trình diễn dân gian hát soọng cô của người Sán Dìu, Lễ hội đình Đầm Hà (thị trấn Đầm Hà, huyện Đầm Hà), Lễ hội đình Vạn Ninh (xã Vạn Ninh, TP Móng Cái) và Lễ hội Xuống đồng (phường Phong Cốc, TX Quảng Yên).
Đặc biệt, Quảng Ninh có di sản Then của người Tày là một trong số 11 tỉnh có Then của các dân tộc Tày, Nùng, Thái Việt Nam được UNESCO ghi danh vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Phạm Học
- Nghệ nhân dân gian: Miệt mài trao truyền di sản văn hóa
- 12 - là số di sản văn hoá phi vật thể quốc gia hiện có của tỉnh Quảng Ninh
- Quảng Ninh có thêm 5 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
- Hát soóng cọ của người Sán Chỉ, Quảng Ninh, được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
- Lễ hội đình Vạn Ninh (TP Móng Cái) được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
- Di sản quý báu
- Kho di sản vô giá
Liên kết website
Ý kiến ()