Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 24/11/2024 16:12 (GMT +7)
Kho di sản vô giá
Chủ nhật, 05/11/2023 | 07:27:21 [GMT +7] A A
Cùng với những danh lam thắng cảnh nổi tiếng trong và ngoài nước, Quảng Ninh còn được biết đến bởi vẻ đẹp các giá trị văn hoá truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số. Đây là một kho di sản văn hoá vô giá khi nói đến vùng đất, con người Quảng Ninh.
Quảng Ninh có nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống từ lâu đời. Người Dao Thanh Y sống tập trung ở xã Bằng Cả (TP Hạ Long), Quảng Sơn, Quảng Đức (Hải Hà), người Dao Thanh Phán sống tập trung ở các xã Đồng Văn, Hoành Mô (Bình Liêu), người Sán Chỉ tập trung ở xã Húc Động (Bình Liêu), Đại Dực (Tiên Yên), người Sán Dìu ở đông tại xã Bình Dân (Vân Đồn)... Ngoài ra, đồng bào còn sống rải rác, xen kẽ tại nhiều thôn, bản tại các địa phương trong tỉnh.
Trong lịch sử phát triển của mình, mỗi tộc người đều có sự trao truyền, chọn lọc để giữ gìn, phát huy những nét văn hoá tốt đẹp cho con cháu. Quá trình lao động sản xuất, chống giặc ngoại xâm, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng bào thiểu số trên địa bàn tỉnh đã sáng tạo nên nhiều tri thức dân gian, tập quán, tín ngưỡng, văn hoá vật thể, văn hoá phi vật thể có vai trò, ý nghĩa. Cuộc sống mới tác động, những cái gọi là hủ tục, lạc hậu đã từng bước bị đào thải, những nét hay, nét đẹp được giữ lại, bảo tồn, phát huy. Đặc biệt, ngày nay, kinh tế xã hội phát triển, đời sống vật chất của đồng bào các dân tộc trong tỉnh không ngừng được nâng lên là điều kiện để đồng bào các dân tộc thiểu số bảo tồn, khôi phục lại nhiều lễ hội, phong tục, nghi lễ truyền thống đặc trưng của dân tộc mình đã bị mai một, hoặc do chiến tranh, hoặc do điều kiện kinh tế khó khăn trước đây mà mất đi.
Với người Dao Thanh Y ở xã Bằng Cả, việc duy trì hội làng (trong đó hội chính là vào 1/3 âm lịch hằng năm) mang nhiều ý nghĩa, không chỉ là dịp các gia đình, dòng họ tạ ơn trời đất, tổ tiên (Bàn Vương) đã ban cho một mùa bội thu, nhà nhà no ấm, bình an, hạnh phúc, mà còn là dịp những người già nhắc nhở con cháu đoàn kết, biết ơn tổ tiên, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, gìn giữ, bảo tồn các giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc mình thông qua các sinh hoạt văn hoá, thể thao như gói bánh, bắn nỏ, kéo co tại hội làng.
Người Tày sống chủ yếu ở huyện Bình Liêu, ngoài hát then - đàn tính (hay thực hành then) đã được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể đại diện nhân loại còn lưu giữ các tri thức dân gian về kinh nghiệm sản xuất các lễ tục trong cưới xin, tín ngưỡng. Còn gì độc đáo, đặc sắc hơn khi giữa cộng đồng người Tày lại có một ngôi đình thờ thành hoàng là người có công đánh giặc - một tín ngưỡng tưởng như chỉ có ở người Kinh vùng đồng bằng Bắc Bộ. Không chỉ với người Tày, lễ hội đình Lục Nà vào dịp đầu xuân còn là lễ hội của cộng đồng các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện. Đặc biệt, từ mục đích ban đầu là nhằm khuấy động phong trào, những trận đá bóng của các cô gái Sán Chỉ đã trở thành thương hiệu du lịch của Bình Liêu. Một hai năm qua, những trận đá bóng của các cô gái Sán Chỉ đã được nhân ra các cô gái Sán Chỉ ở Đại Dực, các cô gái Dao Thanh Y ở Hải Sơn (Móng Cái).
Nhiều lễ hội, hình thức diễn xướng dân gian như hát then - đàn tính của người Tày ở Bình Liêu, lễ cầu mùa của người Dao Thanh Y xã Bằng Cả, lễ Đại Phan của người Sán Dìu ở xã Bình Dân... những năm qua đã được giới thiệu rộng rãi đến nhân dân và du khách trong và ngoài nước thông qua các lễ hội Carnaval, Tuần Văn hoá - Thể thao các dân tộc vùng Đông Bắc, Ngày hội Văn hoá - Thể thao - Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc và nhiều sự kiện văn hoá, du lịch khác. Nhiều giá trị văn hoá vật thể, phi vật thể khác của đồng bào các dân tộc thiểu số đã và đang được xây dựng để trở thành sản phẩm du lịch, giới thiệu quảng bá vẻ đẹp vùng đất, con người Quảng Ninh. Nguồn tài nguyên du lịch, kho di sản văn hoá đặc sắc, vô giá rất cần được tiếp tục bảo tồn, khai thác, phát huy hiệu quả.
Đại Dương
Liên kết website
Ý kiến ()