Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 28/11/2024 04:44 (GMT +7)
Di tích đặc biệt thì phải đặc biệt quan tâm
Chủ nhật, 07/10/2012 | 09:06:58 [GMT +7] A A
Như tin đã đưa, Chính phủ vừa mới có quyết định xếp hạng “Di tích Quốc gia đặc biệt” đối với 11 di tích, trong đó có Di tích lịch sử Bạch Đằng và Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Yên Tử, nâng số Di tích Quốc gia đặc biệt ở Quảng Ninh lên thành 3 di tích (Vịnh Hạ Long đã được xếp hạng “Di tích Quốc gia đặc biệt” từ năm 2009). Đây là sự kiện đáng mừng, nó cho thấy Chính phủ đã đánh giá cao giá trị nổi bật, ngoại hạng của những di tích này và trên cơ sở đó sẽ có sự quan tâm nhiều hơn, thích đáng hơn trong việc bảo tồn, tôn tạo di tích tương xứng với giá trị vốn có của nó.
Thế nhưng bảo tồn, tôn tạo ra sao thì lại là vấn đề cần bàn!
Trong một lần trả lời phỏng vấn Báo Quảng Ninh, Tiến sĩ Nguyễn Việt, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tiền sử Đông Nam Á, người đã có nhiều năm nghiên cứu, tìm hiểu về vùng đất cổ Quảng Yên nói chung, Di tích lịch sử Bạch Đằng nói riêng, đã nhận xét rằng, việc xếp hạng “Di tích Quốc gia đặc biệt” không khó bằng việc bảo tồn và phát huy nó, nhất là khi đó lại là những di tích mang tầm quốc gia và quốc tế. Ông cũng cho biết, Di tích Bạch Đằng đã quá nổi tiếng trong sử sách, thi ca, nhưng lại rất khó nhận biết bằng những dữ kiện “vật thể lịch đại”, bởi đây là di tích của một chiến trường cách nay nhiều thế kỷ, lại trên một bãi sình lầy cửa sông ven biển...
Với Di tích lịch sử Bạch Đằng thì như vậy, còn với Vịnh Hạ Long và Di tích lịch sử - danh lam Yên Tử lại có những khó khăn khác; Vịnh Hạ Long và Yên Tử đều là những di tích trải dài trên một diện tích rộng lớn, lại là những địa danh đã và đang là trung tâm du lịch nổi tiếng… Vì thế việc quản lý, bảo vệ môi trường, bảo vệ sự nguyên trạng di tích v.v.. là rất nan giải. Nếu không có một quy hoạch bài bản, mang tính chiến lược thì hậu quả sẽ rất khó lường. Đặc biệt đáng lưu tâm nhất trong quy hoạch mang tính chiến lược ấy là làm sao để đảm bảo sự cân đối, hài hoà giữa việc khai thác và bảo tồn, tránh tình trạng chạy theo lợi ích kinh tế trước mắt mà phá hỏng cảnh quan, làm mất đi tính nguyên trạng, vốn là yếu tố làm nên giá trị lịch sử - văn hoá của các di tích. Bài học về việc trùng tu chùa Trăm gian từng gây xôn xao dư luận trong thời gian gần đây đã cho thấy điều đó. Vậy nên, cho dù trong các cuộc hội nghị hay trên các phương tiện thông tin đại chúng đã đề cập vấn đề này không ít, thì thiết nghĩ việc “biết rồi, nói mãi” vẫn không thừa! Bởi như dân ta thường nói: “Biết chưa chắc đã làm! Làm chưa chắc đúng!”. Thực tế đã chứng minh điều đó… Và vì thế, hy vọng với việc được xếp hạng là “Di tích Quốc gia đặc biệt”, cùng với Vịnh Hạ Long, Bạch Đằng và Yên Tử sẽ có được sự quan tâm đặc biệt của chính quyền và toàn xã hội trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị của chúng cho hiện tại và cho mai sau…
Trung Luận
Liên kết website
Ý kiến ()